| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ngôi làng ngập trong rác: Câu trả lời của Bắc Ninh!

Thứ Hai 23/03/2020 , 08:37 (GMT+7)

Hai Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT khi tiếp xúc với Báo NNVN sau loạt bài “Bắc Ninh thời công nghiệp kiểu hoang dã” đều than vướng.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không phải do thiếu tiền, thiếu công nghệ mà là…

Theo ông Nguyễn Đình Phương-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, thực tế địa phương đang nỗ lực vì rác chứ không phải thờ ơ, để cho dân khổ vì rác: Vấn đề rác thì chính quyền, nhân dân phải cùng vào cuộc nhưng thực tế phải nói rằng nhân dân đang gây khó khăn cho Nhà nước chứ không phải là Nhà nước không có biện pháp. Làm thế nào cho dân nhận thức được để phân loại rác tại nhà, đổ rác đúng nơi quy định, chấp nhận cho đặt các khu xử lý rác mới giải quyết được chuyện này…  

Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bắc Ninh tiếp lời, trước đây toàn bộ rác thải của các huyện, thị đều được thu gom chuyển lên bãi Đồng Ngo ngay đầu thành phố gây ra ô nhiễm nặng nề buộc phải đóng cửa.

Sau đó, Bắc Ninh quy hoạch một khu xử lý tập trung khác ở xã Phù Lãng huyện Quế Võ. Thời gian đầu rác của các huyện, thị đều được chuyển cả về đây nhưng do dân sở tại phản đối, chỉ cho xử lý rác của thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ nên đành phải thôi.

Chính vì thế Tỉnh ủy Bắc Ninh mới quyết định là mỗi huyện phải đầu tư một khu xử lý riêng. Hiện đã có 5 huyện, thị có khu xử lý, chỉ còn lại Yên Phong, Tiên Du và thị xã Từ Sơn từ khâu lập quy hoạch đến khâu lấy đất đều bị dân phản đối.

Sáng mùng 1 Tết dân còn kéo lên tận Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh để kiện. Như Yên Phong đã giải phóng mặt bằng xong nhưng đến khi khởi công, do đường vào bãi lại nằm ở xã bên cạnh là Dũng Liệt nên bị dân xã đó phản đối.

Một bãi rác của làng ở Bắc Ninh tràn ngập rác và khói đốt rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một bãi rác của làng ở Bắc Ninh tràn ngập rác và khói đốt rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì 3 huyện, thị này không triển khai được khu xử lý tập trung nên rác bắt đầu ứ ở các điểm tập kết của khoảng 200 thôn trong vòng 5-6 năm nay.

Nếu như chuyển lượng rác đó về điểm xử lý ở Phù Lãng thì dân biết lại phản đối rác ứ luôn cả thành phố Bắc Ninh lẫn huyện Quế Võ. Thỉnh thoảng tỉnh cũng cho phép chuyển rác ba nơi kia về đây vào những thời điểm “nhạy cảm” như lễ, Tết để đỡ những bức xúc trong dân.

Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho tỉnh đề án tổng thể môi trường giai đoạn 2019-2025. Về lâu dài Bắc Ninh quy hoạch 3 khu xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện, hiện nhà máy tại Phù Lãng đã khởi công, nhà máy tại Lương Tài cũng đã thuyết phục được dân.

Lúc đầu dân Lương Tài chỉ đồng ý xử lý rác cho mỗi huyện mình, chúng tôi phải  nói rõ nếu chỉ xử lý rác thải của huyện thì công nghệ đốt thông thường còn nếu chấp nhận cho đưa rác từ địa phương khác đến thì sẽ được công nghệ hiện đại đốt rác phát điện.

Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi còn đưa dân vào tham quan nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ, cuối cùng họ mới đồng ý. Nhà máy thứ ba ở huyện Thuận Thành, bản thân lò hiện nay ở đây theo kiểu đốt thông thường cũng đã tốt rồi cho nên khi đề nghị được mở rộng, làm đốt rác phát điện dân đồng ý ngay.

Ba nhà máy này dự kiến 2021-2022 sẽ đi vào hoạt động, công suất tối thiểu 300 tấn/ngày/nhà máy nên sẽ đủ năng lực xử lý rác cho cả tỉnh.

Trong khi chờ các nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động thì lượng rác tồn đọng hiện nay xử lý như thế nào? Đề án cho phép ba huyện, thị còn lại đầu tư các lò đốt quy mô cụm xã. Họ cũng đã chọn các vị trí để dựng lò thế nhưng khi triển khai thì dân liền phản đối.

Cụ thể, huyện Tiên Du mới đang đầu tư được một nhà máy ở xã Tri Phương còn các xã khác dân vẫn chưa đồng thuận, huyện Yên Phong cũng vậy. Thị xã Từ Sơn có 4-5 lò cỡ vừa, tổng công suất khoảng 190 tấn/ngày trong khi lượng rác ở đây chỉ khoảng 140-150 tấn/ngày nhưng dân chỗ có lò không cho phường, xã bên đưa rác sang xử lý.

Xử lý tập trung kiểu liên xã không được mà xử lý rác trong xã thôi cũng tiếp tục phản đối nốt, không cho đặt ở thôn mình mà phải thôn khác cơ… Bởi thế, vấn đề ở đây không phải là tiền, là công nghệ mà chỉ vướng mỗi chuyện làm sao để thuyết phục dân đồng ý cho đặt lò đốt.

Không thể đổ lỗi cho mỗi người dân

Tôi không lạ gì những cái lò đốt rác của Từ Sơn vì vẫn nghe dân ca thán chuyện khói, bụi, bẩn khá nhiều nên mới hỏi ông Hùng vấn đề quan trắc khí dioxin/furan định kỳ thế nào, kết quả ra sao?

Ông trả lời: Khi thẩm định công nghệ của những lò này đều có quan trắc, thành lập hội đồng khoa học đánh giá đạt mới cho hoạt động bởi vì nó liên quan đến chuyện tỉnh phải trả tiền xử lý rác cho doanh nghiệp sau này với mức mỗi 1 tấn khoảng 400-450.000 đồng.

Còn chuyện quan trắc định kỳ dioxin/furan của các lò này không thể dùng ngân sách mà phải do các chủ lò thực hiện.

Với Bắc Ninh, người dân chỉ phải đóng tiền xử lý rác từ nhà đến điểm tập kết ở thôn còn kinh phí chuyển đến nhà máy và tiền xử lý thì Nhà nước chi, mỗi năm khoảng 150 tỉ đồng. Giờ mà dân đồng ý cho đặt các lò đốt là sạch ngay.

Một người dân chở rác ra đổ ở bãi của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân chở rác ra đổ ở bãi của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Tôi phản biện với ông Hùng rằng, không thể đổ lỗi tất cả cho người dân như thế được bởi vấn đề môi trường cần cả hệ thống chính trị mà đứng đầu là lãnh đạo cao nhất cùng với dân phải vào cuộc.

Trách nhiệm của dân là để rác đúng nơi quy định còn xử lý hợp vệ sinh hay không là của chính quyền.

Thứ nữa, khi dân chưa tin tưởng vào công nghệ xử lý rác thì họ sẽ phản đối đến cùng bởi trên giấy tờ nói an toàn nhưng đưa vào vận hành có khi lại gây ô nhiễm và đã có nhiều bài học cho chuyện này.

Bởi vậy phải làm sao để thoả mãn yêu cầu của dân và giải thích cho dân hiểu, thuyết phục dân bằng công nghệ an toàn, bằng lời hứa có đảm bảo…

Ông trả lời rằng khi dân nghe đến dự án xử lý rác về quê mình là đã phản đối rồi, chưa cần biết công nghệ như thế nào.

Với các nhà máy đốt rác phát điện của Bắc Ninh thuận lợi là dân còn đồng ý chứ như Vĩnh Phúc và Hải Dương dân đều chối hết dù đó là công nghệ tốt nhất hiện nay. Một khi có tiền lệ nơi này đã phản đối được thì nơi khác cũng học theo…

Làm lò đốt cỡ nhỏ thì không ai chịu!

Tôi quay sang hỏi ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh rằng chương trình nông thôn mới là một cơ hội tốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng trách nhiệm của ngành đầu mối ở đâu khi để nhiều nơi xử lý môi trường kiểu manh mún, khiến cho nhiều làng quê bị vấy bẩn?

Ông trả lời rằng 19 tiêu chí trong nông thôn mới liên quan đến tất cả các ngành, tiêu chí của ngành nào thì ngành đó phải có trách nhiệm. Bởi thế, vấn đề môi trường vẫn thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về chuyện rác thải bừa bãi không thể đổ hết lỗi cho dân được mà phải từ hai phía, dân và chính quyền: “Phân loại, mang thùng rác hai ngăn, một hữu cơ, một vô cơ để trước cửa nhưng trong nhà chỉ có một thùng thì vẫn vứt lẫn lộn chứ làm sao phân được?

Bảo dân vậy chứ bản thân cán bộ về nhà có phân loại được rác đâu. Thực tế, kiểu thùng rác hai ngăn đó rất bẩn, nặng mùi, lắm ruồi muỗi nên thí điểm vậy thôi chứ theo tôi không hiệu quả. Nên thu gom về nhà máy rồi phân loại để xử lý thì hợp hơn.

Còn về 3 huyện, thị chưa có khu xử lý rác tập trung, cứ để rác lung tung, bẩn thỉu thế thì dân chịu, đổ rác tràn cả ra đường, đốt rác khói tuôn vào làng dân vẫn chấp, tuy nhiên bảo làm lò đốt cỡ nhỏ thì không ai chịu.

Trong lúc chờ đợi các nhà máy đốt rác phát điện hiện đại đi vào hoạt động thì trước mắt phải khoanh ô nhiễm lại một chỗ để không lan ra cho cả cộng đồng. Đốt bằng lò nhỏ có thể khói ô nhiễm một vài hôm, một vài tháng, kể cả hàng năm để chờ công nghệ mới (lò đốt rác phát điện hoàn thành) rồi lại sạch thì tại sao không đồng ý? Nó cũng giống như làm nhà, đường giao thông muốn sạch thì phải chấp nhận bẩn một vài hôm, một vài tháng chứ?”.

Một người dân đi bới rác ở bãi của làng tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân đi bới rác ở bãi của làng tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Hưởng: “Ngoài vấn đề rác thải còn cả nước thải nữa. Trừ thành phố, thị xã thu gom được nước thải còn nông thôn thì vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ vì thiếu tiền để đầu tư. Kể cả những chỗ đã làm được hệ thống thu gom nhưng do công nghệ kém, mùa mưa nước thải lại đổ ra kênh, ra sông hết".

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.