| Hotline: 0983.970.780

Rác thải bủa vây nông thôn:

Bắc Ninh thời 'công nghiệp kiểu hoang dã' - [Bài I] Rác ngập quanh mộ tổ

Thứ Ba 25/02/2020 , 10:24 (GMT+7)

Trong một cuộc trò chuyện, GS Hoàng Đạo Kính đã gọi Bắc Ninh là tỉnh “đau khổ” vì rác bởi hàng trăm làng nghề, khu, cụm công nghiệp nhưng phần lớn là “kiểu hoang dã”…

Anh Nguyễn Văn Trường - cán bộ địa chính, môi trường của xã Hương Mạc xác nhận rằng dòng họ từng có ý kiến về chuyện mộ tổ bị rác thải vây quanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Trường - cán bộ địa chính, môi trường của xã Hương Mạc xác nhận rằng dòng họ từng có ý kiến về chuyện mộ tổ bị rác thải vây quanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả làng thành công xưởng gia công đủ thứ chất độc hại. Người dân có nhiều tiền hơn hẳn trước đây khi vẫn còn làm nông nhưng lại gây ra sự “ô nhiễm vĩ đại” bởi chất thải thường mà xả thẳng luôn ra đất, xuống cống rãnh, hồ ao hay thổi bay lên không khí. Trong loạt bài này, chúng tôi chỉ nói về vấn đề rác thải sinh hoạt thứ cộng hưởng khiến cho nhiều xóm làng ở Bắc Ninh đều bị "bôi bẩn".

Chuyện của người chết và người sống

Người đàn bà luống tuổi phải vất vả lắm mới có thể lách tấm thân nhỏ bé qua mấy đống rác to cao như những đụn rơm đang ngun ngún cháy khét lẹt, nồng nặc mùi tanh hôi để vào thắp hương cho ngôi mộ tổ. Làng Kim Thiều xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) có ba ngôi mộ tổ của hai dòng họ Nguyễn và một dòng họ Đinh mấy năm nay đều bị rác thải bao quanh như vậy.

Mùa hè, ruồi nhặng bâu đen không hở một chỗ nào trên mặt mộ, con gà, đĩa oản vừa đặt xuống là bị chúng sà kín. Mùa đông hễ thắp nến, thắp hương là chúng lại bay vào nương tìm hơi ấm. Người chết nên mãi mãi lặng câm nhưng người sống thì buộc phải lên tiếng.

Bài liên quan

Anh Nguyễn Văn Trường - cán bộ địa chính, môi trường của xã xác nhận với tôi rằng dòng họ Nguyễn Doãn đã từng có ý kiến gay gắt về chuyện này nhưng chính quyền cũng chẳng biết phải giải quyết ra sao bởi quỹ đất công ích chỉ có chỗ đó là hợp về khoảng cách.

Với dân số trên 17.000 người, xã Hương Mạc mỗi ngày thải ra khoảng 17 - 18 tấn rác. Kể từ khi bãi rác tập trung của tỉnh bị đóng cửa mấy năm về trước, 6 bãi trung chuyển của làng đáng ra chỉ là nơi để xe kéo, tập kết rác trong ngày rồi chuyển đi nghiễm nhiên trở thành điểm xử lý bằng cách phóng hỏa đốt.

Bãi rác của thôn Kim Bảng, Kim Thiều cứ 6 tháng được chuyển đi một phần sang lò của xã bên thuê đốt thì còn đỡ, chỉ to như quả đồi, còn lại bãi của 4 thôn tích trữ đã lâu năm to như ngọn núi.

Chẳng đặng đừng, xã buộc phải cho xây một lò đốt rác tạm thời trong khi chờ lò rác của thị xã quy hoạch vẫn chỉ là trên giấy dù biết rằng công văn số 3964 của Văn phòng Chính phủ đã ghi rõ: “Kiên quyết không chấp thuận đầu tư các lò đốt, bãi chôn lấp chất thải quy mô cấp thôn, xã”. Khi tôi đến, cái lò đốt rác của Hương Mạc vẫn chỉ là một bãi đất ngổn ngang không hơn, không kém…

Căn nhà kiêm luôn quán tạp hóa của bà Nguyễn Thị Hà ở ngay rìa làng những ngày này nhiều ruồi, lắm nhặng, nặng mùi quá nên ế sưng, ngay cả đứa con gái cũng bỏ về không thèm phụ giúp mẹ nữa.

Bà Hà: Mỗi ngày tôi phải đánh cỡ 10 miếng dính như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Hà: Mỗi ngày tôi phải đánh cỡ 10 miếng dính như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cứ khô ráo một tí là người ta lại đốt rác, khói trùm kín xóm làng trong suốt cả tuần lễ. Chiếc khẩu trang tôi đeo từ sáng đến trưa giờ đã phải thay một cái mới. Lợm giọng, tôi liên tục phải xúc miệng bằng nước muối mà xỉ mũi ra, cái khăn mặt cũng biến thành màu nâu vì khói.

Những hôm gió Bắc thổi hơi đốt rác vào thở không nổi, ngủ không được đành phải sơ tán vào nhà con gái ở tận giữa làng còn những ngày không đốt thì cũng chỉ ăn rồi ngồi đánh ruồi.

Mỗi ngày mất 10 miếng dính giá 20.000 đồng mà mỗi miếng mở ra chỉ khoảng nửa tiếng là đầy hàng trăm con, phải gom thành đống để mà đổ. Chúng tôi đã làm đơn tập thể cả ngõ xóm ký vào nhưng cũng chẳng thấy thay đổi gì, chán chẳng buồn đưa nữa”, bà Hà nói.

Ba miếng dính mới mở ra mà đã đầy ruồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ba miếng dính mới mở ra mà đã đầy ruồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà chị Lê Thị Thúy mỗi dịp chuẩn bị có cỗ là tối hôm trước phải phun thuốc diệt ruồi khắp trong nhà, ngoài ngõ sáng hôm sau mới có thể ăn được, mất cả triệu đồng: “Ruồi, nhặng nhiều đến mức đậu kín cái dây phơi tưởng như trĩu cả xuống. Mùa rét này, cứ vật dụng gì âm ấm là chúng bay vào đậu, ỉa bậy đầy lên ngay nên cả bộ ấm chén uống nước cũng phải đậy lồng bàn”.

Mỗi khẩu thôn Kim Thiều hàng tháng đóng 8.000 đồng tiền phí nhưng thường xuyên phải đóng thêm mà nửa năm rác mới chuyển đi được một lần, bởi thế cách xử lý chủ yếu là đốt. Làn khói cay xè, khét lẹt mù mịt xộc thẳng vào nhà khiến cho nhiều người phải nhao ra như chuột trong hang bị hun.

Bực quá, dân làng đã hò nhau khiêng mấy cái cột điện bằng bê tông ra chặn không cho xe chở rác vào buộc 2 ngày sau chính quyền xã phải điều máy vào vét đi một phần rồi đâu lại vào đấy.


Rác tràn qua mấy bức tường vây ra tận mấy mảnh ruộng gần đó, khói đốt táp chết đen cả cây cối. Khói khiến cho đứa cháu nội của bà Đinh Thị Quý mới 1 tháng tuổi nhưng đã nửa tháng ốm oặt ẹo vì viêm phổi, mới được bệnh viện cho về thở rít lên, mồm miệng lúc nào cũng khò khè rớt dãi.

Không chỉ rác trong thôn mà nhiều người thôn khác cũng thuê xe đến đổ trộm khiến dân làng phải thay nhau canh phòng mà cũng không xuể.

Trang phục thường trực của một người dân trong làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang phục thường trực của một người dân trong làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhếch nhác lò đốt rác

Thị xã Từ Sơn trước đây đã quy hoạch một nhà máy xử lý rác tập trung ở Tam Sơn nhưng hiện tại lại vấp phải quy hoạch mới nên bị dừng, các xã, các thôn đều phải tự xử lý tại chỗ. 12 xã, phường thì có 4 xã, phường vận động được người dân chấp thuận cho đặt lò đốt rác.

Tổng công suất của chúng khoảng 120 tấn/ngày, cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý rác trên địa bàn toàn thị xã (150 tấn) nhưng ngặt nỗi tâm lý cục bộ nên gần như ngăn cản không cho nơi khác được phép chở rác về xã mình.

Thêm vào đó bản thân công nghệ và sự vận hành của những lò đốt rác kiểu này cũng đang có vấn đề. Nhếch nhác và bẩn thỉu là cảm quan của tôi khi đến thăm lò đốt rác ở xã Phù Khê. Lò này trước vốn quy hoạch cho xã Hương Mạc nhưng do không giải phóng mặt bằng được nên được di về đây.

Anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch xã cho biết khi chưa có lò rác chất cao có ngọn, không di chuyển đi đâu được, tràn hết ra đường khiến cho bao nhiêu dịch vụ ăn uống ở Phù Khê đều phải đóng cửa, dân sống rất khổ sở vì mùi hôi thối quanh năm.

Chuẩn bị cho rác vào lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị cho rác vào lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vị trí lò đốt rác hiện nay trước kia vốn là bãi trung chuyển được tận dụng kiểu tình thế bởi khoảng cách của nó tới trường học, khu dân cư chỉ khoảng 300m trong khi yêu cầu theo quy định tối thiểu phải là 500m.

Lúc đầu, lò có công suất cỡ 12 tấn/ngày, sau lại lắp thêm một cái lớn hơn công suất 16 tấn/ngày. Hiện, cái lò lớn đang trục trặc khiến lượng rác tồn nhiều, nước đen chảy ra mùi nồng nặc cộng hưởng thêm với mùi khét lẹt bốc lên từ ống khói của cái lò nhỏ.

Kết quả của dự án đánh giá hiện trạng môi trường Từ Sơn năm 2018 cho thấy nồng độ khí SO2 trung bình tại thị xã là 63 microgram/m3 nhưng tại khu dân cư gần lò đốt rác ở Phù Khê chỉ số này vọt lên tới 133 microgram/m3. Khí NO2 cũng tăng cao bất thường. Rất tiếc, dự án lại không quan trắc được hai chỉ số furan, dioxin (chất độc màu da cam) - những loại khí độc phát sinh khi đốt rác thải nhựa không đúng cách ở nhiệt độ thấp.

Một người dân bịt mũi đạp vội xe qua lò đốt rác Châu Khê. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân bịt mũi đạp vội xe qua lò đốt rác Châu Khê. Ảnh: Dương Đình Tường.

Toàn dân đeo khẩu trang khi chưa có dịch Covid-19

Toàn cảnh bãi rác thôn Yên Lãng cháy suốt 2 tháng. Video: Nhật Quang/Đình Tường.

Khi chưa có dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), học sinh ở xã Yên Trung (Yên Phong, Bắc Ninh) đã phải đeo khẩu trang suốt lượt, cửa lớp thường xuyên phải đóng im ỉm mà vẫn ôm ngực ho rũ rượi vì khói rác xộc vào.

Một giáo viên của trường Tiểu học Yên Trung 2 xin được giấu tên nói với tôi rằng hễ hôm nào làng đốt rác là tất cả quần áo phơi bên ngoài đều ám khét mùi khói, người đau ê ẩm, họng khô cứng dù vẫn đeo khẩu trang, ngay cả ở trong nhà.

Học sinh ở xã Yên Trung phải đeo khẩu trang vì khói đốt rác tràn vào lớp. Ảnh: CTV.

Học sinh ở xã Yên Trung phải đeo khẩu trang vì khói đốt rác tràn vào lớp. Ảnh: CTV.

Cô và trò ở xã Yên Trung đều đeo khẩu trang để chống khói rác. Ảnh: CTV.

Cô và trò ở xã Yên Trung đều đeo khẩu trang để chống khói rác. Ảnh: CTV.

Trên lớp khói tỏa khắp các hành lang như hơi của một nồi cơm đang sôi. Khoảng cách từ bãi rác tới trường khoảng 500m nhưng không có một bụi tre, lùm cây nào ngăn cản nên cứ thế bốc thẳng vào. Khi đi học còn bình thường, khỏe mạnh đến lớp ngồi một buổi ngấm khói rác là về sốt, ho, ốm luôn nên hôm sau có lớp vắng tới 10 em khiến cho phụ huynh bức xúc kiến nghị nhất tề không cho con đi học nữa.

Núi rác của thôn Yên Lãng. xã Yên Trung âm ỉ cháy trong suốt 2 tháng ròng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Núi rác của thôn Yên Lãng. xã Yên Trung âm ỉ cháy trong suốt 2 tháng ròng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ Ngọc Di - cựu trưởng thôn Yên Lãng, xã Yên Trung đứng bên núi rác mới của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ Ngọc Di - cựu trưởng thôn Yên Lãng, xã Yên Trung đứng bên núi rác mới của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ Ngọc Di - cựu trưởng thôn Yên Lãng, xã Yên Trung bảo trên địa bàn có 3 trường học vừa rồi cả dân lẫn học sinh đều bị tra tấn 2 tháng trời bởi khói rác. Bãi rác của làng rộng khoảng 1 mẫu tồn đọng mấy năm nên số lượng lên đến cả trăm, cả ngàn tấn khi bị đã đốt cháy bùng bùng như ngọn một quả núi lửa, khói che khuất cả mặt trời. Khi các thầy cô, phụ huynh kêu quá xã mới chỉ đạo thuê một chiếc xe bồn về phun nước dập lửa.  

Đáng lẽ phải thuê thêm máy xúc múc rác ra rồi mới chữa cháy nhưng họ không làm thế, chỉ tưới nước lên trên nên phun bao nhiêu xe bên dưới vẫn âm ỉ, không tắt được. Núi rác của làng 2 tháng mới cháy hết thành than rồi tự tắt để lại một di sản là bãi xỉ khổng lồ, đen sì nằm giữa cánh đồng bên cạnh bãi rác mới lại đang bùng bùng cháy. (Còn nữa)

Xem thêm
Xuất nhập khẩu đạt mốc gần 800 tỷ USD

Xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…