| Hotline: 0983.970.780

Quan chức Bộ TN-MT: Đến mộ tổ tôi ở quê cũng bị đổ rác đây này!

Thứ Hai 02/03/2020 , 12:34 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) chia sẻ góc nhìn với NNVN về vấn đề nhiều tỉnh thành đang ngập trong rác…

Sạch trong nhà, trong làng mình thôi còn đổ đâu thì đổ

Báo NNVN vừa có loạt bài "Rác thải bủa vây nông thôn" phản ánh tình hình ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải ở các làng quê tỉnh Bắc Ninh, Nam Định. Nhìn từ chính làng quê mình thì ông thấy thế nào?

Môi trường nông thôn nhiều nơi giờ đây quá tệ, rác muốn đổ ở đâu thì đổ. Ngay cả sát mộ tổ của dòng họ tôi ở thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũng có một bãi rác to đùng. Ông anh họ tôi là trưởng thôn mà nói dân cũng không nghe dù mộ tổ đấy còn là mộ tổ của làng, hơn nửa dân trong làng cùng thờ. 

Vừa rồi Bắc Ninh bị coi là “vỡ trận” về rác khi bãi rác chung của tỉnh đóng cửa mấy năm nay, phần lớn các huyện không có bãi rác tập trung mà thôn nào tập kết rác tại chỗ rồi đốt lộ thiên. Việc đốt như vậy liệu có sản sinh ra các loại khí độc?

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT). Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT). Ảnh: Dương Đình Tường.

Khí dioxin và furan chỉ phát sinh khi đốt ở nhiệt độ 400 - 800oC. Bởi thế phải xem nhiệt độ đốt lộ thiên có ở trong ngưỡng đó không và thành phần rác có clo như nhựa PVC, như các loại muối vô cơ để sinh ra dioxin hay không. Tất nhiên đốt rác lộ thiên thì dioxin và furan chỉ là một vấn đề bởi bởi còn phát sinh ra nhiều khí độc hại khác. Đốt rác tự phát là vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương đâu mà để xảy ra “vỡ trận” như nhà báo nói(?!).

Rác rưởi bừa bãi như thế là do lối sống hay do văn hóa, thưa ông?

Không hẳn thế bởi đơn giản là không có chỗ đổ hợp vệ sinh. Dù các làng có tổ chức đội ngũ thu gom rác nhưng không biết đổ đâu nên tìm được chỗ nào xa dân tí là trút bừa xuống, đổ mương, đổ bụi tre, đổ rìa đê…

Trách nhiệm lúc này thuộc về chính quyền nhưng cũng không phải cấp xã mà phải là huyện, tỉnh trở lên. Thực ra người dân Bắc Ninh đời sống cũng cao, trả tiền mà thu gom cho tốt thì họ hoàn toàn chấp nhận. Hơn thế Bắc Ninh có truyền thống làng xã vững bền nên bảo nhau cũng dễ.

Thiếu nơi xử lý hợp vệ sinh nên người ta đành phải giữ sạch ở trong nhà, trong làng mình thôi, còn lại đổ đâu thì đổ. Không thể đổ sang làng khác được nên đành phải đổ ra rìa làng, mà quê tôi rìa hai làng nằm đúng ở mộ tổ của dòng họ tôi nên bị đổ rác là vì thế. Vấn đề ở chỗ xã muốn đầu tư chỗ xử lý rác cũng không được mà phải trách nhiệm của thị xã hay tỉnh quy hoạch chung cho toàn bộ địa bàn thay vì để cho từng xã, từng làng.

Một ngôi mộ tổ bị rác thải vây quanh ở làng Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Dương Đình Tường.

Một ngôi mộ tổ bị rác thải vây quanh ở làng Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Dương Đình Tường.

Thử hỏi thị xã đã quy hoạch và triển khai chỗ chôn lấp, xử lý rác tập trung chưa hay chỉ phân lô bán nền? Đất Từ Sơn giờ đắt nhất tỉnh nên phân lô bán nền hay quy hoạch khu công nghiệp thì rất nhanh, nhưng khu xử lý rác thử hỏi có được quan tâm từ sớm? Nói đi thì phải nói lại, 63 tỉnh thành có mấy nơi chủ động được việc này đâu. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những đầu tầu kinh tế, chính trị của cả nước, thậm chí Đà Nẵng là thành phố đáng sống cũng đang bê bối về rác…

Xếp hàng dài chờ đầu tư vào rác

Chúng ta hiện đang có những chính sách cụ thể gì cho việc khuyến khích xử lý rác thưa ông?

Các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng được quy định trong Nghị định số 19/2015/NĐ-CP như đất đai, thuế… Còn việc ưu đãi trên thực tế tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương. Như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh theo tôi không nhất thiết phải có nhiều ưu đãi mà chỉ cần phân bổ đủ nguồn rác là doanh nghiệp sẽ đầu tư ngay, kể cả những công nghệ có chi phí cao như điện rác thay vì chôn lấp là chính như hiện nay.

Với lượng rác cực lớn như ở Hà Nội khoảng trên 6.000 tấn/ngày, TP Hồ Chí Minh khoảng gần 9.000 tấn/ngày, với chi phí xử lý ngân sách trả khoảng 400 - 500 ngàn đồng/tấn thì đảm bảo có lãi nếu được phân bổ lượng rác nhất định, ví dụ trên 1.000 tấn/ngày. Còn với nhiều tỉnh khác, mỗi dự án xử lý rác tuỳ quy mô phục vụ chỉ nhận được lượng rác ít, chỉ vài chục vài trăm tấn, phí xử lý lại thấp hơn Hà Nội, TP.HCM thì nếu không có ưu đãi đặc biệt sẽ khó thu hút đầu tư, đặc biệt công nghệ điện rác do khó hoàn vốn chứ chưa nói lỗ.

Một lò đốt rác cấp xã ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một lò đốt rác cấp xã ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên tôi không hiểu tại sao một hàng dài các nhà đầu tư xin được xử lý rác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong 5 - 10 năm qua mà vẫn không có nhà máy đốt rác nào quy mô cả. Nhiều nhà đầu tư đến giới thiệu công nghệ với Bộ TN-MT, nhiều công nghệ đã được Bộ KH-CN thẩm định, nhưng thẩm quyền quyết hay không lại của tỉnh, thành. Thậm chí khi đã được duyệt để triển khai thì lại vướng nhiều vấn đề phát sinh tuỳ vào bối cảnh mỗi địa phương. Ví dụ ở Hà Nội có dự án đốt rác ở huyện Đông Anh đã khởi động rồi nhưng lại vướng quy hoạch, phải kêu lên tận Chính phủ nhưng vẫn chưa được giải quyết để hoạt động.

Dự án điện rác được hi vọng là mô hình thí điểm thành công ở Cần Thơ vẫn còn một số trục trặc, không phải do công nghệ mà ở việc đàm phán dự án, cách thức quản lý. Địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp là xử lý rác đã qua phân loại nhưng khi doanh nghiệp xây xong nhà máy rồi mà vẫn chưa tổ chức được hệ thống phân loại rác tại nguồn, chưa kể việc xử lý tro xỉ còn lại thì lại thuộc trách nhiệm của chính quyền Cần Thơ. Rác chưa phân loại tại nguồn nếu xử lý sẽ phải bổ sung thêm hệ thống phân loại tại nhà máy hoặc phải đốt tốn nhiều nhiên liệu hơn nên chi phí xử lý sẽ khác, rồi tro xỉ lò đốt là chất thải nguy hại sẽ xử lý ở đâu, đặc biệt kinh phí xử lý rất cao, do vậy ngân sách trả sẽ đội lên so với dự kiến ban đầu. Mà cơ chế của mình khi có sự thay đổi về kinh phí như thế thường duyệt lên duyệt xuống, nào Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Tỉnh ủy…, không biết bao giờ mới xong.

Đừng để các xã hiểu là xã nào cũng phải có trạm xử lý chất thải

Xưa chúng ta cứ nghĩ nông thôn là sạch đẹp nhưng giờ đây nhiều nơi ngập rác với những công nghệ đốt thô sơ rồi xỉ tro vùi lấp ngay xuống ao hồ, ý kiến của ông ra sao về chuyện này?

Các đây vài năm, có trào lưu đầu tư tràn lan lò đốt thô sơ cỡ nhỏ ở cấp xã ở một số địa phương. Bộ TN-MT đã tham mưu Chính phủ có văn bản dừng việc đầu tư lò đốt quy mô nhỏ như vậy và ngay sau đó ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61 trong đó không cho phép đầu tư lò đốt dưới 300 kg/h.

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT). Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT). Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg điều chỉnh chiến lược quản lý chất thải rắn, Chính phủ yêu cầu các tỉnh khuyến khích việc xử lý rác ở quy mô liên vùng liên tỉnh. Một tỉnh lớn nên chỉ có một vài cơ sở xử lý rác còn không ít nhất mỗi huyện cũng nên đầu tư một trạm xử lý rác trung tâm. Càng ít cơ sở xử lý càng tốt để không bị ô nhiễm tràn lan. Một vài điểm xử lý lớn thì quản lý dễ mà về sau nâng cấp, thay đổi công nghệ cũng dễ chứ kiểu mỗi xã một lò đốt rác như cách làm trước đây chẳng mấy chốc mà lại phải bỏ hết đi để đầu tư tiếp.

Ở Nhật Bản, nhà máy xử lý rác ngay tại khu dân cư vì công nghệ của họ sạch, bảo vệ môi trường tốt lắm. Ta sau này may ra chỉ có những nhà máy xử lý rác cấp tỉnh mới có thể đầu tư được những công nghệ tương đương như vậy chứ trạm huyện, liên huyện chỉ có thể đạt những quy chuẩn ở mức vừa thôi. Ngoài đốt rác ra chúng ta phải nghiên cứu những công nghệ khác.

Cho rác vào lò tại một lò rác cấp xã ở tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cho rác vào lò tại một lò rác cấp xã ở tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã có một giai đoạn xây dựng nông thôn mới là cuộc chạy đua, nơi nào có hạ tầng xử lý chất thải là đạt thêm một tiêu chí nên mạnh xã nào xã đấy làm, bị cắt đoạn không có chiến lược xử lý chung cho cả tỉnh. Bởi vậy chương trình nông thôn mới phải nghiên cứu lại tiêu chí môi trường, đừng để các xã hiểu là xã nào cũng phải có trạm xử lý chất thải, dẫn đến mỗi xã có một lò đốt thô sơ hoặc một bãi rác nhỏ không hợp vệ sinh. 

Mỗi tỉnh phải có chiến lược chung về rác thải, cách đi như thế có thể chậm cán đích nông thôn mới nhưng bền vững. Chính vì các tỉnh hiện đang còn loay hoay tìm phương án nên rác sinh hoạt nông thôn mới có tình trạng ô nhiễm như hiện nay.

Vậy phải chăng có sự châm chước trong việc chấm điểm tiêu chí môi trường, thưa ông?

Cái này rất khó nói. Tôi chỉ biết vì áp lực thành tích nông thôn mới mà xã nào cũng phải nghĩ ra đủ cách để xử lý rác thải nhưng không mấy nơi đạt chuẩn. Tôi chưa thấy vai trò tổng thể của tỉnh, thành trong câu chuyện này.

Nhiều địa phương cũng nhận thức rằng không nên đặt bãi rác, lò đốt rác dàn trải khắp nơi như thế nhưng quy hoạch ở đâu cũng gặp dân cản trở thành ra phải mỗi xã một bãi rác, một lò đốt rác, thậm chí còn là mỗi thôn một cái?

Phân loại trước khi cho vào lò rác thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phân loại trước khi cho vào lò rác thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việc của tỉnh, thành là phải thuyết phục dân, tuỳ thuộc vào đặc trưng địa phương, công tác dân vận rất quan trọng. Thứ nữa là phải sử dụng nhiều công nghệ chứ cứ chôn lấp mãi, ô nhiễm mùi, nước rỉ từ bãi rác nếu không quản lý tốt thì sẽ rất nặng nề, xử lý rất khó. Tỷ lệ chôn lấp rác hiện nay của ta vẫn còn rất cao, chính vì thế Chính phủ mới định hướng là đốt rác, đặc biệt đốt rác phát điện. Việc đốt rác kiểm soát tốt sẽ không gây nhiều ô nhiễm như chôn lấp mà vấn đề chỉ còn là khí hay khói thải cần kiểm soát.

Ở ta có nghiên cứu nào về tác hại của khói lò đốt rác không thưa ông?

Để nghiên cứu được một cách bài bản thì phải có phòng thì nghiệm độc học. Việt Nam chưa xây dựng phòng thí nghiệm độc học nên với mục đích chính là làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn phải tham khảo từ nghiên cứu của các nước mà thôi.

Phân loại rác tại nguồn chưa hề thành công, chỉ toàn thất bại

Ý kiến của ông như thế nào về chuyện phân loại rác tại nguồn?   

Bắt đầu có một số chuyên gia cũng như cán bộ địa phương, đặc biệt có chuyên gia đã về hưu trước là người tiên phong nghiên cứu và triển khai phân loại rác tại nguồn cho rằng cần xem lại việc phân loại rác tại nguồn. Ví dụ điển hình như TP Hồ Chí Minh, đưa thành đề án, chương trình thực hiện gần 20 năm rồi ở một số quận huyện, tốn cỡ hàng ngàn tỉ nhưng vẫn chưa thành công, thậm chí theo thông tin không chính thức là có ý kiến xem xét dừng lại.

Số tiền ấy mà đầu tư luôn nhà máy xử lý theo hướng không cần phân loại hoặc phân loại tại cơ sở xử lý hay trạm trung chuyển liệu có phải là việc đáng suy ngẫm? Như Hà Nội chỉ thí điểm phân loại rác trên diện hẹp ở một vài phường do tổ chức Jica của Nhật tài trợ, hết dự án rồi cũng thôi.   

Thực ra phân loại rác tại nguồn là tốt nhưng rất khó và rất tốn kém kinh phí cũng như thời gian trong khi vấn đề xử lý rác lại cấp thiết trước mắt. Từ giờ đến lúc thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn thì chúng ta sẽ xử lý rác ra sao? Một là vẫn phải đầu tư công nghệ xử lý không yêu cầu phân loại tại nguồn hay đầu tư trước nhà máy yêu cầu phân loại và chờ 5 - 10 năm thậm chí lâu hơn khi phân loại tại nguồn thành công mới hoạt động hoặc cứ ngồi chờ khi nào phân loại thành công mới đầu tư?…

Thay đổi ý thức của 95 triệu dân hay là đầu tư nghiên cứu công nghệ phân loại tại nơi trung chuyển hoặc tại nhà máy xử lý thì khả thi và kịp thời hơn? Thực tế trên thế giới số nước thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn rất ít, đều là những nước phát triển, ý thức cao, chấp nhận chi phí lớn.

Đàn bò ăn rác tại bãi rác của thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lò đốt của địa phương này đã bị hỏng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn bò ăn rác tại bãi rác của thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lò đốt của địa phương này đã bị hỏng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đó là nói về vĩ mô, còn vi mô thì trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc để đất nước bừa bãi rác ra sao?

Tất nhiên, ý thức của từng cá nhân là rất quan trọng, là điều kiện đủ cho mọi việc trong đó có quản lý rác, nhưng đây là vấn đề của công tác tuyên truyền.

Tôi nói một ví dụ ngoài lề về vấn đề rác thải nhựa đại dương đang rất nóng trên thế giới và Việt Nam. Chúng ta cẩn trọng vì việc này không khéo sẽ trở nên tuyên truyền quá mức cần thiết. Nhiều thông tin tuyên truyền không đúng. 

Vấn đề không phải sản xuất, sử dụng và thải nhựa nhiều hay ít mà là vấn đề trọng tâm là việc rác nhựa xả bừa bãi ra biển hại cho môi trường và sinh vật biển cần phải ngăn chặn. Nhiều nước phát triển còn sử dụng nhựa nhiều hơn chúng ta.

Theo đại diện của Hiệp hội Tái chế nhựa Việt Nam, một thông tin báo chí cần phải đính chính là Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển, mấy triệu tấn đổ ra biển hàng năm. Đấy là thông tin sai bởi theo tính toán của Hiệp hội nếu có mấy triệu tấn nhựa đổ ra biển thì từ bờ ra đến ngoài biển mấy chục mét có lớp nhựa dày cả mét suốt hơn ba ngàn km bờ biển Việt Nam.

Về nguyên lý, hầu hết rác thải từ sông đổ ra biển sẽ chỉ loanh quanh trong vòng 20 - 30km rồi sẽ bị sóng biển đánh trả lại bờ gần hết và tụ lại khoảng vài chục mét quanh bờ. Nhiều bãi biển ta thấy nhiều rác nhựa nếu không được dọn dẹp thường xuyên là vì vậy. Còn những rác thải nhựa lang thang trên đại dương chủ yếu là từ tàu bè, không trôi được vào bờ. Cái đó thuộc về lĩnh vực hàng hải nên phải tuyên truyền để sao không vứt rác xuống biển. Vấn đề còn lại là hạt vi nhựa thì lại là trách nhiệm của nhà sản xuất các sản phẩm sử dụng vi nhựa, không thể đổ cho dân.

Tại sao các tổ chức quốc tế lại thống kê Việt Nam thải ra môi trường mấy triệu tấn nhựa mỗi năm? Bởi họ không có số liệu tái chế nhựa, nghiễm nhiên suy ra tiêu dùng bao nhiêu sẽ thải ra bấy nhiêu. Phải xem lại động cơ của họ. Thực tế, Việt Nam tái chế nhựa rất nhiều, đặc biệt các làng nghề, do vậy số liệu tái chế không được thống kê đầy đủ, công khai. Theo một nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại tỉnh Đồng Nai, rác họ nhận được sạch đến mức độ sợi tóc, mẩu xương còn hiếm do được dân đồng nát nhặt hết huống hồ ni lông, nhựa, chỉ còn toàn chất trơ thậm chí đốt còn không đốt được.

Bên cạnh đó, rác nhựa thải ra nếu không được thu gom tái chế thì cũng theo rác sinh hoạt mà vào bãi chôn lấp hay nhà máy xử lý, trừ trường hợp đổ bừa bãi ven sông suối như ở nông thôn, nhưng con số không thể cao như thế được.

Bãi rác của thị trấn Xuân Trường trước khi được cải tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bãi rác của thị trấn Xuân Trường trước khi được cải tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bãi rác của thị trấn Xuân Trường sau khi được cải tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bãi rác của thị trấn Xuân Trường sau khi được cải tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quay lại trách nhiệm của cá nhân, tôi cho rằng người dân chỉ cần có trách nhiệm để rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi, kể cả rác nhựa, đóng đầy đủ phí vệ sinh hiện nay và tiến tới tương lai đóng đầy đủ phí xử lý rác thải theo cơ chế giá để nhà nước không phải bao cấp. Ngoài ra, nếu chủ trương phân loại rác tại nguồn vẫn tiếp tục quyết tâm triển khai thì mọi người hãy hưởng ứng một cách lâu dài, bền vững.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.