| Hotline: 0983.970.780

Rác thải bủa vây nông thôn:

Bắc Ninh thời 'công nghiệp kiểu hoang dã' - [Bài II] 'Vỡ trận' rác thải

Thứ Tư 26/02/2020 , 10:57 (GMT+7)

Những ngày này, trời nồm ẩm làm cho làn khói đốt rác không thể thoát được lên trời mà xộc thẳng vào làng, không bỏ sót bất cứ buồng phổi của ai

Trưởng thôn Ấp Đồn nói về sự ảnh hưởng của việc đốt rác với sức khỏe người dân và sản xuất. Video: Nhật Quang/Đình Tường.

Những con số đầy ám ảnh

Từ cuốn sổ theo dõi mà chị Nguyễn Thị Bích Hằng-Trạm phó Trạm Y tế Yên Trung (Yên Phong, Bắc Ninh) đưa cho, tôi thống kê tháng 1 năm 2020 có 247 trường hợp đi khám thì 139 người bị viêm họng, phế quản, viêm mũi. Phần có thể đây là giai đoạn chuyển mùa, phần có thể là do suốt ngày họ bị hun bởi khói đốt rác.

Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi nhiều người không có thẻ bảo hiểm y tế nên sẽ không đến trạm mà đi khám ở các tuyến trên hoặc khám bên ngoài, không thể thống kê được.

Một bãi rác thôn thường xuyên bị đốt nên cháy nham nhở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một bãi rác thôn thường xuyên bị đốt nên cháy nham nhở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Yên Trung là một trọng điểm nhức nhối về rác kể từ khi khu công nghiệp Yên Phong I được xây dựng mà nhất nhà máy khổng lồ của Sam Sung đi vào hoạt động, lượng công nhân tứ xứ đổ về đông gần gấp đôi dân sở tại (Toàn xã có 14.000 dân nhưng người trọ có trên 20.000-PV).

Lượng công nhân lớn cùng các ngành nghề dịch vụ nở rộ của bà con đã thải ra lượng rác ước tính mỗi ngày đến mấy chục tấn.

Trên giấy tờ chúng được xử lý tại chỗ bằng hóa chất rồi chôn lấp hợp vệ sinh còn trên thực tế thì duy nhất bằng phương pháp đốt khiến cho người dân phải lĩnh đủ.

Ruồi bám đen trên tường một bãi rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ruồi bám đen trên tường một bãi rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuộc họp nào của xã, thôn cũng nóng rẫy nội dung bàn về ô nhiễm môi trường nhưng đến phần giải pháp thì đành chịu vì nó vượt quá thẩm quyền của họ.

Nhiều khi đội thu gom của thôn mấy ngày không đi khiến cho các túi rác, bọc rác vun trước mỗi cổng nhà cao đến cả mét, hôi thối khiến cho người dân phải chở đi vứt vạ, vứt vật. Hàng trăm tấn rác ngập ngụa khắp trục đường liên huyện 295 đoạn ngang làng Trần Xá.

Người lái xe máy qua đây vừa phải bịt mũi, bịt mồm vì mùi xú uế vừa phải tránh các đống rác vứt ngổn ngang trong khi mắt thường xuyên bị che mất tầm nhìn bởi khói bụi. Bởi thế mà cách đây không lâu một người đã đâm thẳng vào đầu ô tô chết ngay tại chỗ.

Sau rất nhiều tai nạn, sự phàn nàn của dân, cái bãi tai tiếng này mới đây cũng được xã đầu tư 70 triệu đồng để làm hàng rào  tôn ngăn rác không tràn ra đường mà chỉ đổ bậy, đốt bậy ở trong phạm vi được quây lại đó thôi.

Những điều dân không dám mơ

Tôi cùng với anh Nguyễn Mạnh Hiếu-Trưởng thôn Ấp Đồn ra bãi rác của làng. Ngày xưa nó chỉ bé cỡ một sào giờ đã nở rộng đến cả mẫu mà vẫn tràn hết cả ra đường, cao ngang mái của những ngôi nhà 2-3 tầng, lúc nào cũng nghi ngút khói, ruồi nhặng bay vo ve như đàn ong vỡ tổ.

Với 400 hộ dân, trên 1.800 nhân khẩu của làng lại phải cõng thêm chừng 5-6.000 công nhân ở trọ, 14 con ngõ của Ấp Đồn sáng chiều tấp nập những chuyến xe công nông đầy phè, nặc nè chở rác ra vào bãi.  

Anh Hiếu, Trưởng thôn Ấp Đồn, đang kiểm tra bãi rác của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hiếu, Trưởng thôn Ấp Đồn, đang kiểm tra bãi rác của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nước đen từ bãi rác chảy ra rỉ rả suốt ngày đêm tràn vào hệ thống thủy nông khiến cho mỗi lần bơm lên tạo thành đám bọt to như đụn rơm, đụn ra. Làn nước độc ấy dẫn vào ao nuôi cá, cá chết, vào ruộng cấy lúa, lúa lốp, mất mùa. Làng có chừng 30 ha ruộng nhưng phần lớn giờ cũng chỉ cấy được mỗi vụ xuân còn vụ mùa gần như bỏ trắng bởi thế.

Hàng chục năm công nghiệp về làng đồng hành cùng với môi trường xuống cấp, ảnh hưởng ngày càng rõ nét hơn mà đập vào mắt hàng ngày là vấn nạn rác. Tổ dân phòng của thôn Ấp Đồn thường xuyên phải lùng sục, kiểm tra khắp các trục đường để bắt những kẻ đổ trộm rác.

Có những rác thải đổ trộm bắt nguồn từ công tác bảo trì, sửa chữa rồi xây dựng mới trong các nhà máy, cánh nhận thầu làm ẩu thuê người chuyển đi, thôi thì đủ loại nhựa sống, nhựa chết, sợi nọ, sợi kia, bông cách âm, cách nhiệt...

Những núi rác che lấp hết các công trình cao tầng ở xã Yên Trung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những núi rác che lấp hết các công trình cao tầng ở xã Yên Trung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hiếu bảo, có thể cảm nhận những ảnh hưởng trực tiếp của môi trường ô nhiễm lên sức khỏe của dân làng luôn chứ chẳng cần phải có những máy móc hiện đại nào để đo đạc cả. Bản thân gia đình anh có 4 khẩu thì 2 người lúc nào mũi cũng trong tình trạng ngạt vì xoang nặng.

“Đa phần các cụ tre trẻ chưa đến 60 tuổi, cứ trong 3 người mất thì ít nhất phải có 1 dính K còn những người già không kể. Đàn ông trong làng thường mắc ung thư gan, phụ nữ thì ung thư vú. Vừa mới hôm kia, tôi phải viết điếu văn cho đám ma của ông Lê Văn Th mất vì ung thư tuyến giáp khi mới 62 tuổi.

Bao năm rồi những lời hứa giải quyết vấn đề rác này nhưng không hề có sự thay đổi mà tình hình mỗi lúc lại thêm tệ. Những gì dân làng nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy hàng ngày khiến cho họ càng thêm bức xúc…”.

Cũng như hầu hết các gia đình trong xóm, nhà trưởng thôn có 50 phòng trọ trong đó 30 cái mới. Với giá mỗi cái xây mất 100 triệu đồng,  phải 8-10 năm mới hòa vốn tuy nhiên vì chẳng có nghề gì khác khả dĩ hơn nên vẫn phải đâm đầu.

Được một chút kinh tế khi công nghiệp về nhưng cái mất quá lớn, mất môi trường, mất an ninh, mất an toàn giao thông...nên dân chúng đùa nhau một cách ngậm ngùi rằng chỉ mong sao cho đến Tết để công nhân về hết đi cho làng yên tĩnh một thời gian.

Còn lũy tre xanh, còn không khí mát lành, còn đồng ruộng tốt tươi, còn cuộc sống tuy hơi khó khăn mà yên vui như xưa là điều không bao giờ họ dám mơ tới.  

Lúng túng trong đối phó

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh trên địa tỉnh bàn mỗi ngày phát sinh khoảng 870 tấn chất thải sinh hoạt được tập kết ở 550 điểm tại các thôn (phần lớn là được xử lý bằng cách đốt-PV). Cộng hưởng vào đó là lượng rác công nghiệp mỗi ngày phát 1.030 tấn trong đó khoảng 370 tấn là chất thải nguy hại.

Một bãi rác đã đầy tràn đang bị đốt để cho xẹp xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một bãi rác đã đầy tràn đang bị đốt để cho xẹp xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Đức Thọ-Phó Chi cục Chi cục Bảo vệ Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết năm 2014 UBND tỉnh có chủ trương đóng cửa bãi rác Đồng Ngo ở ngay đầu thành phố vì quá tải, quy hoạch một địa điểm mới nhưng mấy năm rồi vẫn chưa xong. Riêng thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình có nhà máy xử lý rác tập trung còn các huyện khác không có.

Lúng túng, một số địa phương tự mày mò đầu tư khoảng 5 lò đốt rác cỡ nhỏ công suất 300-500kg/h đến nay cơ bản đã dừng hoạt động bởi không hiệu quả kinh tế, không đảm bảo chất lượng đốt, thường xuyên hư hỏng.

6 lò đốt rác công suất cỡ vừa công suất 1.500-2.000kg/h đủ quy mô xử lý cho 1-2 xã được đầu tư theo dạng xã hội hóa cũng chỉ hoạt động cầm chừng.  

Đối với những điểm tập kết của các thôn trong huyện, thị chưa có nơi xử lý tập trung thì Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phải tăng cường phun chế phẩm sinh học rồi…đánh đống vào, để đấy. 

Người mót rác đang đứng trên đỉnh

Người mót rác đang đứng trên đỉnh "núi rác" bốc khói che khuất cả đỉnh núi thật đằng sau. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Tôi có hỏi ông Thọ rằng phải chăng Bắc Ninh đang bị vỡ trận rác thải vì mấy năm rồi mà không quy hoạch được khu xử lý tập trung cho cả tỉnh.

Nếu xử lý tập trung, công nghệ dù có kém một chút thì cái ô nhiễm cũng chỉ trên dạng điểm nhưng bây giờ thôn nào cũng tự xử lý bằng cách đốt thành ra ô nhiễm trên diện rộng.

Đốt rác lộ thiên như thế liệu các chất thải nhựa có phát thải ra khí dioxin? Ông không trả lời thẳng vào vấn đề vỡ trận rác mà chỉ nói nạn đốt rác lộ thiên như thế không phải do chỉ đạo mà hoàn toàn bởi dân tự phát.

Dioxin thường phát sinh trong trình đốt nhựa, túi nylon ở nhiệt độ thấp dưới 900 độ C nên đốt rác lộ thiên cũng như lò đốt không đủ chuẩn đều tiềm ẩn nguy cơ phát thải. Tuy nhiên từ trước đến nay Bắc Ninh chưa hề tiến hành nghiên cứu nào về chất độc này nhưng năm nay Sở đang trình đề cương đánh giá về các chất tồn dư khó phân hủy như dioxin, thuốc bảo vệ thực vật, dự kiến cuối năm sẽ có kết quả. 

Còn các loại rác thải khác, năm 2017 Sở có đề án hỗ trợ xử lý chất thải "vô chủ" tồn đọng từ lâu ở các làng nghề theo đó tỉnh sẽ bỏ tất tiền ra để xử lý rác thải rắn còn nước thải sẽ bỏ 80%, doanh nghiệp bỏ 20% để xử lý.

Dẫu vậy, đến nay hầu hết các địa phương vẫn đang trong quá trình thành lập dự án, chỉ mỗi dự án được triển khai là xử lý nước thải của làng nghề Phong Khê với công suất 5.000m3. 

Trong thời gian tới Bắc Ninh cũng định hướng sẽ đầu tư 3  lò đốt công nghệ cao phát điện để xử lý rác cho toàn tỉnh nhưng để đi vào hoạt động chắc cũng phải chờ tới năm 2021. (Còn nữa)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.