Ngày đàng sàng khôn
Thêm một dịp xách va-li lên đường, thêm một hành trình ngắn ngày bên ngoài không gian đất nước mang hình chữ S thân yêu. Đi để trao đổi công việc, gặp gỡ đối tác. Đi để quan sát, ngắm nhìn thế giới bao la, với bao điều mới lạ, nơi những đất nước đang ngày ngày vươn đến đỉnh cao phát triển. Đi để chiêm nghiệm, nhìn lại mình trong dòng chảy cuồn cuộn đổi thay. Đi để thêm một lần được học hỏi, trải nghiệm. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” kia mà.
Từ “trông thấy” đến “quan sát”
Mỗi điểm đến dường như đều gắn với những điều “trông thấy”. Nhưng “trông thấy” được khác với “quan sát” được. “Trông thấy” thường mang tính thụ động, trong khi đó, “quan sát” có tính chủ động, có thể kết hợp các giác quan. “Trông thấy” bằng mắt, nên điều gì to lớn dễ nhìn ra hơn, trong khi đó, “quan sát” thì vừa khám phá những điều hữu hình, vừa cảm nhận những điều vô hình.
Vừa quan sát những điều hiện tại, vừa lần ngược trở lại chặng đường đã qua, để có cái nhìn xuyên suốt, thay vì chỉ dừng lại một thời điểm. Mọi chuyện xảy ra đều có tính quy luật “nguyên nhân - hệ quả”, những gì trông thấy được trong hiện tại chỉ là kết quả từ những nguyên nhân sâu xa nào đó trong quá khứ.
Khoa học và cuộc sống
Chuyến thăm một vài viện, trường hàng đầu có nhiều năm hợp tác với Việt Nam ghi nhận được nhiều điều. “Tinh thần khoa học vì xã hội” thể hiện xuyên suốt qua thông điệp “Science meets life”.
Những chuyên đề khai mở tư duy mới. Những sản phẩm nghiên cứu là lời giải cho những vấn đề nông nghiệp đang đặt ra, không chỉ có tính địa phương, tính quốc gia, mà còn cả tính khu vực, tính toàn cầu. Những chương trình hợp tác quốc tế luôn tích hợp đa ngành, từ khoa học công nghệ cho đến khoa học xã hội nhân văn, bao hàm đa dạng vấn đề liên quan đến tác động môi trường, biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ số, tăng trưởng xanh…
Nghe kể rằng, nguồn thu từ chuyển giao đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao luôn nhiều hơn nguồn thu từ học phí. Nhìn vào các sản phẩm khoa học công nghệ và quy trình làm việc, lại thêm trăn trở về định hướng hoạt động, tinh thần khoa học, cấu trúc quản trị hệ sinh thái khoa học công nghệ trong nông nghiệp của ta.
Niềm vui trong công việc
Quan sát thái độ làm việc từ lãnh đạo cho đến nhân viên ở những nơi đến thăm, dù thời gian ngắn ngủi, nhưng luôn bị cuốn hút bởi sự chỉn chu, cởi mở, nhiệt thành. Hình như đó là kết quả từ tinh thần tận hiến của những người vừa truyền cảm hứng trên bục giảng, vừa miệt mài ngày đêm trong phòng thí nghiệm.
Cách thức phân chia thời lượng của những người thuyết trình, giới thiệu nội dung cho khách, thể hiện phương pháp làm việc không nặng tính thứ bậc hành chính, học hàm, học vị. Những người đến từ nhiều đất nước khác nhau vẫn có thể thấu hiểu nhau, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa.
Thế mới nhớ đến khái niệm “dân chủ hóa” trong môi trường giáo dục và học thuật là như thế nào. Hình như cũng chính khái niệm đó, tinh thần làm việc vì đam mê, tinh thần tận hiến được cởi trói và trở thành sự tự giác ở mỗi người.
Quy mô nhỏ, sáng tạo lớn
Phòng thí nghiệm có quy mô không phải là lớn lắm lại gợi lên nhiều điều liên tưởng. Vẫn với những chai lọ chứa đựng dung dịch, những dụng cụ đo lường, phân tích các chỉ số, nhưng từ môi trường, không gian có phần khiêm tốn đó, liên tục cho ra đời những sản phẩm vượt trội. Không dừng lại ở nghiên cứu, phòng thí nghiệm còn là một vườn ươm khởi nghiệp.
Những sản phẩm nghiên cứu là sự kết hợp từ những ý tưởng của doanh nghiệp cùng với sự đam mê của các nhà khoa học. Không những tạo ra sản phẩm, vườn ươm còn giúp doanh nghiệp phân tích cảm xúc của người tiêu dùng, thiết kế mẫu mã bao bì chuyển tải được giá trị sản phẩm.
Đồ uống được thử nghiệm không chỉ là đồ uống mà là hương vị của rừng cho cuộc sống. Hàng trăm sản phẩm “dinh dưỡng” từ những hạt muối kết hợp với các loại thảo dược trên các kệ hàng thật ấn tượng. Muối không còn là một loại gia vị tổng hợp mà đã trở thành dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp. Nể phục thay sức sáng tạo của con người!
Nguồn vốn xã hội
Sự kết hợp chức năng nghiên cứu với chức năng ươm tạo khởi nghiệp dựa trên tinh thần hợp tác có tính cộng sinh. Sức sống của nền kinh tế đất nước xuất phát từ những doanh nghiệp khởi nghiệp từ trong các viện, trường. Đó là kết quả từ tư duy kiến tạo đổi mới sáng tạo, là một phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tất cả đến từ niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm với đất nước, bổn phận với các thế hệ tương lai. Những phẩm chất của nhà khoa học thể hiện khi giải quyết những thách thức từ cuộc sống. Những phẩm chất của người giảng dạy thể hiện qua cách truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho người học, góp phần hình thành nhân lực cho đất nước. Năng lực xã hội, từ mỗi tổ chức trong xã hội, quyết định sự phát triển của đất nước.
Văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân
Đến thăm và trao đổi chương trình hợp tác với một vài doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng lại có bao điều phải nghiền ngẫm và nhìn lại mình. Đất nước họ đã phát triển từ trăm năm trước nên nhiều doanh nghiệp đã nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Những dây chuyền đều được chuẩn hóa, tự động hóa, số hóa. Những cánh tay rô-bốt nhịp nhàng vận hành theo những phần mềm được cài đặt sẵn. Những sản phẩm gắn nhãn sinh thái được phân phối ra khắp thế giới.
Mỗi doanh nghiệp đều có một thông điệp riêng, nhưng đều hội tụ với giá trị chung vì chất lượng sống của con người thông qua nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng. Đó là tinh thần văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà trước hết vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cấu trúc xã hội
Mỗi một tổ chức giống như tế bào của xã hội. Mọi cá nhân không phân biệt vị trí đều có vai trò quan trọng như nhau. Tất cả được gắn chặt bằng một cấu trúc không thể bị phá vỡ. Nhìn cấu trúc một tổ chức có thể nhìn rộng ra cấu trúc một xã hội.
Từ sứ mạng của một ngôi trường, một viện nghiên cứu, một doanh nghiệp, một hiệp hội ngành hàng đều có thể quan sát được sức mạnh của cấu trúc xã hội. Những mắt xích liền lạc nhau, những giá trị được giao thoa nhau, những tinh hoa được chuyển hóa cho nhau. Giá trị tăng thêm không phải theo cấp số cộng, mà là cấp số nhân.
Giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng
Trên hành trình khám phá, đến đâu cũng quan sát được xu hướng tăng trưởng xanh, không còn là khẩu hiệu, là dự báo tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Tăng trưởng xanh thông qua hoạt động của các nông trại và doanh nghiệp nông nghiệp. Tăng trưởng xanh thông qua những sản phẩm trên các kệ hàng được dán nhãn hữu cơ (organic), sinh thái, sinh học (bio),… trong các chỉ dấu truy xuất nguồn gốc, thông tin quy trình tạo ra sản phẩm. Tăng trưởng xanh đi vào các bài giảng trong các trường đại học, trong các đề tài nghiên cứu từ các viện khoa học. Tăng trưởng xanh trở thành điều kiện đàm phán mở cửa thị trường và tài trợ hợp tác quốc tế.
Cuối cùng, tăng trưởng xanh, từ tư duy đã biến thành hành động, từ người tiêu dùng quay lại định hướng cho người sản xuất, từ đào tạo nhân lực đến nghiên cứu khoa học, từ chính sách đến nhất quán trong thực thi chính sách.
Thêm tự tin, biết tự hào
Trên hành trình khám phá, đến đâu cũng có thể quan sát được những điều mới lạ, nhưng không rơi vào cái bẫy “tuyệt đối hóa” mọi điều cho dù ưu việt đến đâu. Một quốc gia dù hùng mạnh nhất cũng có những điểm yếu nhất định.
Một đất nước, dù giàu có nhất, cũng có lúc rơi vào khủng hoảng. Một xã hội văn minh nhất cũng không phải không có những điều cần hoàn thiện. Quan trọng hơn là thông qua quan sát để biết mình hơn, biết người hơn, để định vị được mình đang đứng ở đâu, ở cấp độ nào so với thế giới.
Không thể bó hẹp tầm nhìn không gian đất nước trong một thế giới luôn có ảnh hưởng lẫn nhau, tác động với nhau, liên kết mật thiết với nhau. Không thể tự bằng lòng với những gì đã làm, những thành tựu đạt được. Tự hào nhưng không tự bằng lòng, vì tự bằng lòng là dập tắt khát vọng trong mỗi người, mỗi tổ chức.
Từ sản phẩm, thương phẩm đến tinh phẩm
Nền nông nghiệp đất nước đang trong tiến trình chuyển đổi tư duy, nhiều điều cần phải tiếp cận mới hơn, khác hơn trong xu thế toàn cầu hóa, tri thức hóa, công nghệ hóa, xanh hóa. Thị trường thế giới rộng mở nhưng để nông sản của nhà nông, sản phẩm của doanh nghiệp được tin dùng, đòi hỏi yêu cầu chuẩn hóa mọi quy trình.
Muốn tối đa hóa được lợi nhuận cho doanh nghiệp và tối đa hóa lợi ích cho đất nước, cần phải tiếp cận khác đi, tư duy khác đi, nhất là cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Người sản xuất và người kinh doanh cần phân biệt sự khác nhau giữa “sản phẩm” và “thương phẩm”. Không thể “bán sản phẩm chúng ta có thể làm ra”, mà cần “bán sản phẩm thị trường cần”. Rồi từ việc đáp ứng sản phẩm thị trường cần, mới hướng đến “tinh phẩm”, tích hợp đa giá trị đặc sắc, độc đáo trong nền kinh tế trải nghiệm.
Điều không thay đổi là sự thay đổi
Những khái niệm hằng ngày được nhắc đến tưởng chừng đã hiểu tường, biết tận, tưởng như bất biến, nhưng giờ đã được cập nhật trong dòng chảy của sự thay đổi. Cũng là đào tạo nhân lực nhưng không phải truyền thụ kiến thức một chiều mà mở ra không gian tư duy mới. Cũng là nghiên cứu khoa học nhưng vừa giải quyết những đòi hỏi từ cuộc sống, tiếp cận đồng bộ các bộ môn và có thể thị trường hóa bằng sản phẩm vượt trội.
Cũng là sản xuất nhưng đã thể hiện trách nhiệm với môi trường, với người tiêu dùng. Cũng là kinh doanh nhưng thấm đẫm trách nhiệm với xã hội. Cũng là quản lý nhưng đã chuyển thành tư duy quản trị dựa trên tư duy mở, kích hoạt sự tham gia của cả xã hội, cơ chế tạo động lực để phát huy đổi mới sáng tạo, nhân văn và có trách nhiệm với môi trường toàn cầu.
Khi người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn
Ông bà mình đã đúc rút: “Đi một buổi chợ, học một mớ khôn”. Mà thật vậy, đến khảo sát một ngôi chợ nông sản thuộc nhóm đầu thế giới mới hình dung cặn kẽ hơn về những thách thức để đưa hàng hóa từ ruộng vườn ra thế giới. Thị trường toàn cầu còn hơn “trăm người bán, vạn người mua”, sản phẩm mình làm ra được, thì thế giới cũng làm ra được, sản vật mình xem là ngon, thì thế giới có khi tạo ra các loại giống còn ngon hơn, bắt mắt hơn.
Khái niệm “ngon” giờ không còn đủ sức cạnh tranh, trước xu thế tiêu dùng có trách nhiệm. Hàng hóa phải được “dán tem” truy xuất nguồn gốc tận nông trại, mỗi bước trong chuỗi ngành hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin bằng mã QR CODE. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm mua sản phẩm, mà còn quan tâm nhiều hơn đến cách thức, quy trình, xuất xứ… của sản phẩm được tạo ra.
Và hành trình phía trước…
Khép lại hành trình ngắn ngày nhưng rất dài cảm xúc. Hành trình hôm nay mở ra hành trình phía trước. Một lần nữa nhớ đến tựa một quyển sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”. Tất cả vì tình yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn!