| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang: Các xã về đích tập trung tăng thu nhập

Thứ Hai 21/11/2016 , 14:10 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Hậu Giang có 1 đơn vị hành chính cấp huyện là TX Ngã Bảy và 12 xã về đích nông thôn mới (NTM). Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ trên, các xã đang tiếp tục củng cố các tiêu chí.

Đặc biệt, việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập được chú trọng.

Chúng tôi ghé thăm xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp), một trong những xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của Hậu Giang. Bộ mặt nông thôn Thạnh Hòa so với thời điểm về đích cuối năm 2014 đã có những biến chuyển không ngờ. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã hoàn thiện hơn.

16-59-08_1
Chanh không hạt đang giúp người dân thu lợi nhuận khá
 

Dọc các tuyến lộ nông thôn 2,5 – 3,5m trên địa bàn, bà con chỉnh trang nhà cửa, trồng cây xanh tạo vẻ mỹ quan tươi mới cho các tuyến dân cư. Điều gây ngạc nhiên là những căn nhà tường khang trang nuối tiếp nhau tạo sự nổi bật của một vùng nông thôn “sang trọng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết khi Chương trình NTM được triển khai, cấp trên đã chọn xã làm điểm nên tập trung đầu tư, chỉ đạo. Cùng với đó có sự ủng hộ của người dân đã đi đến thành công. Đó là cả một quá trình.

"Đến nay, chúng tôi vẫn phải giữ vững và củng cố các tiêu chí. Tập trung nhiều hơn vào các tiêu chí tác động trực tiếp tới người dân như phát triển sản xuất. Thời gian chúng tôi mới đạt chuẩn NTM, thu nhập trung bình đầu người chỉ đạt khoảng 29 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên trên 33 triệu", ông Sơn nói.

Sau khi về đích, xã NTM Thạnh Hòa được Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hậu Giang hỗ trợ 10.000 cây chanh không hạt giúp người dân phát triển sản xuất. Tiếp nhận cây giống, xã đã chia cho 160 hộ dân trồng thay thế cho các vườn chanh truyền thống cằn cỗi. Đến nay, chanh không hạt đã cho thu hoạch, nhiều hộ dân có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

 Ghé nhà ông Phan Quốc Tuấn (ấp Phú Xuân) một trong những hộ dân được hỗ trợ chanh giống. Trong tâm trạng phấn khởi vì đã thu được gần 100 triệu đồng tiền bánh chanh, ông Tuấn khoe mỗi tháng gia đình ông hái chanh 3 lần. Ngày hôm qua mới hái một đợt chanh được 860 kg. Mặc dù giá đang thấp cũng có gần 5 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng mơ ước ở nông thôn.

Theo ông Tuấn, trên diện tích đất trước ông trồng quýt nhưng do cây đã trồng lâu năm và dịch bệnh hoành hành nên thu chẳng được là bao. Cuối năm 2014, hai anh em ông được hỗ trợ 700 cây chanh giống, trồng trên 1 ha. Bên cạnh đó, ông cũng như bà con được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật cây có múi nên thành công.

Anh em ông đã thu hoạch chanh được hơn nửa năm. Ước tính hết năm nay ông kiếm không dưới 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng quýt, lại cho thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, vào những tháng nghịch vụ, nắng nóng chanh không hạt có giá trên 30.000 đồng/kg nên bà con thu nhập khá.

Thêm vào đó, chanh không hạt tỏ ra ượt trội về khả năng chống chịu dịch bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết nên dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Đây đang là một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu của địa phương giúp người dân tăng thu nhập.

Một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng áp dụng mô hình trên để hỗ trợ các nông hộ vượt khó. Tiêu biểu tại thị xã NTM Ngã Bảy. Phòng Kinh tế TX đã nhận thấy những ưu điểm của cây chanh không hạt nên đã hỗ trợ giống cho nhiều hộ trên địa bàn.

Tại xã Hiệp Lợi, mỗi hộ nghèo nhận 100 cây chanh/1 công đất. Phòng Kinh tế còn mở nhiều lớp dạy nghề để người dân nắm vững kỹ thuật canh tác. Cán bộ khuyến nông xã còn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc chanh nên hiệu quả khá cao.

Anh Trần Văn Khoa là một trong những hộ nghèo tại ấp Láng Sen A (xã Hiệp Lợi). Gia đình anh không có đất canh tác. Đầu năm 2015, khi được hỗ trợ 150 cây chanh không hạt, anh ngỏ lời mượn anh mình gần 2 công đất để trồng. Đến nay, cây chanh đã bắt đầu có trái, anh rất vui mừng.

 “Tôi vừa hái được mấy lứa chanh đầu tiên. Tuy không nhiều nhưng mỗi lần cũng được hơn chục kg. Bán kiếm đồng ra đồng vào trong sinh hoạt gia đình. Cũng nhờ chính quyền hỗ trợ mới có vườn chanh này”, vợ anh Khoa cười tươi, chia sẻ với chúng tôi.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.