Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với lực lượng của Bộ CA tăng cường, đã bắt giữ 400 đối tượng và đang từng bước sàng lọc, xử lý.
SẼ XỬ LÝ NGHIÊM
Trao đổi với PV NNVN, Thượng tá Nguyễn Văn Châu, Trưởng công an TX. Thuận An khẳng định như vậy, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi đang tạm giữ 400 đối tượng gây rối, đập phá tài sản của các công ty đóng trên địa bàn.
Trong số này, chỉ có một số ít là công nhân bị kích động, đa số còn người bên ngoài. Chúng tôi đang sàng lọc và sẽ đề xuất xử lý thật nặng những đối tượng lợi dụng để cướp phá tài sản. Không chỉ bị đập phá, có không ít công ty còn bị những đối tượng này tràn vào “dọn” sạch tài sản nữa”.
Cũng theo ông Châu, trong lúc tình hình phức tạp, lực lượng chức năng đã giải cứu và đưa về nơi an toàn hơn 600 chuyên gia người Đài Loan, Trung Quốc đang bị kẹt trong các công ty. “Mấy ngày nay, chúng tôi huy động 100% quân số, cả ngày lẫn đêm. Hiện nay, chúng tôi vẫn tăng cường lực lượng chốt chặn 24/24, sẵn sàng xử lý nhanh nhất có thể”.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương ngày 15/5, toàn tỉnh đã có 460 công ty ở Bình Dương bị đập phá nhà xưởng, cửa kính, cổng… Trong đó trên 15 công ty bị đốt phá nhà xưởng và xe ô tô, container hàng hóa. Đã có trên 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương khi làm nhiệm vụ, chủ yếu do các đối tượng quá khích dùng gạch đá ném.
DOANH NGHIỆP, CÔNG NHÂN ĐỀU THIỆT
Theo cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai, cơ quan này hiện đang tạm giữ hình sự hơn 300 đối tượng tham gia đập phá, trộm cắp, chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng tại các công ty, nhà máy ở các KCN: Biên Hòa 2, Amata, Nhơn Trạch, Tam Phước, Hố Nai, Sông Mây… Được sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát cơ động (Bộ Công an), Công an tỉnh đã kiểm soát được tình hình, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn. |
Rời cơ quan công an TX Thuận An, tôi đi một vòng vào các khu nhà trọ công nhân trên đường Nguyễn Văn Tiết, KP Bình Hòa, P.Lái Thiêu, nơi có hàng ngàn công nhân đang ở trọ. Hầu hết họ là công nhân các công ty trong KCN Việt Nam – Singapore 1 (VSIP 1).
Tại đây, có nhiều phòng trọ đóng cửa, hỏi ra mới biết, do công ty bị tàn phá khá nặng, sẽ phải nghỉ lâu, cũng có thể nghỉ luôn, nên họ đã về quê. Số khác cũng đang được công ty cho nghỉ, nhưng họ vẫn ở lại, chờ ngày công ty gọi đi làm.
Gặp cô công nhân công ty Vi-Chang (Đài Loan) tên Thơm, quê Thanh Hóa, tôi hỏi: “Bữa trước có tham gia biểu tình không?”. Thơm đáp: “Dạ có, nhưng tụi em chỉ đi vậy thôi chứ không đập phá bất cứ thứ gì, cũng không xông vào công ty. Em thấy, nhóm đập phá từ bên ngoài nhập vào đoàn chứ không phải công nhân. Họ mặc đồ thường, nhiều người đội nón lưỡi trai, xăm mình nữa. Họ đi xe máy, chở 2, chở 3 và có người cầm cả mã tấu”.
Lan cho biết, cả 2 vợ chồng chị làm chung một công ty, hiện công ty đã bị thiêu rụi, giờ chưa biết làm gì để sống. Đi các khu nhà trọ khác, rất nhiều công nhân xác nhận có tham gia biểu tình, nhưng họ không hề đập phá, kích động.
Tình hình tại KCN VSIP đã được lập lại, nhưng lực lượng công an vẫn đang chốt giữ, sẵn sàng xử lý mọi trường hợp gây rối
“Tụi em đi làm kiếm sống, dại gì đi phá phách để vào tù. Tụi em đâu phải không biết, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam không liên quan đến các doanh nghiệp, nhà máy. Lúc thấy họ đập phá dữ dội quá, tụi em bảo nhau về hết, đâu có đi tiếp nữa đâu”, cô công nhân tên Khương nói.
Được biết, cả 2 vợ chồng Khương đều làm cho công ty Ikama ở KCN VSIP1. Hiện 14 ngàn công nhân của công ty đang mất việc vì công ty bị thiêu cháy gần như toàn bộ!