Người đàn bà xứ đạo
Cả ông Trần Quyết Định và bà Trần Thị Mỵ đều là những con chiên ngoan đạo của giáo xứ Nguyệt Lãng, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bà kể, hai nhà gần nhau, đi làm cùng trong đội thực nghiệm của hợp tác xã, bà đã yêu thầm ông nhưng không dám nói ra. Năm 1977 ông đi bộ đội, ở làng nhiều người ngỏ lời bà đều lắc đầu bởi trái tim đã trót trao cho một người.
Lúc nhận được giấy báo tử của ông, bà như người mất hồn để rồi lại hồi sinh khi thấy ông khoác ba lô trở về, dù chỉ là một thân xác gầy đen và ốm yếu. Bà quyết định lấy ông để đồng hành cùng chồng trong suốt 28 năm đi đòi thủ tục được làm người còn sống.
Năm 1977 ông Trần Quyết Định lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới Campuchia. Năm 1978, trong một trận đánh khốc liệt ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ông bị thương vào đùi còn lê chân, kê súng chiến đấu tiếp cho đến khi bị thương vào đầu mê man đi. Những vết thương nghiêm trọng khiến ông phải chuyển viện nhiều lần nhưng bác sĩ chỉ gắp ra được một mảnh đạn, còn một mảnh to gần chạm động mạch ở chân vẫn còn nằm lại, gây ảnh hưởng đến việc vận động.
Năm 1979 ông được cấp giấy ra viện nhưng không biết lấy giấy cung cấp tài chính mà cũng chẳng thấy đơn vị đến đón nên phải tự đi tìm. Tiền không có, ông phải đi nhờ tàu xe rồi đi bộ, ngủ đường, ngủ chợ, xin được thì ăn, còn không thì nhịn đói. Ông đã đi bao nhiêu ngày như thế mà không tìm thấy đơn vị nên đành phải lần hồi đi nhờ tàu xe rồi ăn xin để trở về quê vào ngày 31/9/1979.
Ông lặng người đi khi thấy ảnh của mình trên bàn thờ. Bố mẹ ông đã ôm chầm lấy ông mà khóc: “Tao tưởng mày chết rồi chứ?” rồi họ chìa ra cái giấy báo tử ghi rõ hi sinh tại biên giới Tây Nam ngày 10/7/1978. Kể từ khi ông khoác ba lô lù lù về làng người ta đã cắt chế độ liệt sĩ của gia đình. Ốm yếu không làm được gì, ông lại xin mẹ cho vào Tây Ninh để tìm đơn vị. Nhà đông tới 7 anh em, thường xuyên túng thiếu nhưng mấy hôm liền ông Định thấy người hàng xóm cứ đến thì thào chuyện gì đó với mẹ mình. Cuối cùng thì mẹ cũng giúi cho ông ít tiền nhờ bán chỉ vàng duy nhất trong nhà làm lộ phí.
Trên đường đi tìm đơn vị, xe xóc làm ông choáng ngất đến mấy lần. Khi vào đến Tây Ninh nghe bảo đơn vị đã chuyển sang Campuchia ông cũng định sang để tìm nhưng một đồng hương đã ngăn lại: “Chú biết đơn vị ở đâu mà đi tìm? Vả lại dù có biết đi chăng nữa thì bọn Pôn Pốt cũng không cho chú còn sống mà trở về đâu”. Người đồng hương tốt bụng đó đã cho ông ít tiền cùng lương thực để tìm đường về quê.
Ông Định đã lên huyện rồi lên tỉnh trình giấy ra viện nhưng cán bộ cứ khăng khăng đòi phải có giấy xuất ngũ, thứ mà chỉ đơn vị mới cấp được nên đành phải quay về. Trình độ lớp 7 của ông không nói lý được với họ. Về làng, ông phải sống trong sự nghi kị là đào ngũ. Hộ khẩu bị cắt, chế độ chính sách lại không có gì, vợ con đói nghèo nhưng suốt 10 năm ông vẫn không lo nổi thủ tục của một người còn sống để hưởng những quyền lợi đáng phải nhận.
Cơ cực quá, ông lại vào Nam và được người bác ở TP Hồ Chí Minh dẫn xuống nghĩa trang liệt sĩ xã Thạch Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tìm ngôi mộ số 2, hàng 5 có khắc họ tên, quê quán của chính mình. Thắp một nén hương cho người nằm dưới mộ, ông khấn nôm na rằng: “Đồng đội ơi, anh nằm xuống đây rồi thì phù hộ cho tôi nhé” rồi trở về Thái Bình.
Bài ký gây chấn động dư luận
Cậu ruột của ông Định là Trần Đình Ngoạn khi ấy đang làm cán bộ ở huyện Vũ Thư bỗng nhớ ra có người học trò của mình năm xưa giờ là nhà văn Minh Chuyên-phóng viên báo Thái Bình liền nhờ cậy. Tập hồ sơ dày cộm gồm 18 thứ giấy tờ với 24 chữ ký và 24 dấu đỏ, riêng hai tờ đơn xin làm thủ tục phục viên và giám định thương tật có tới năm, sáu cơ quan giới thiệu lòng vòng được chuyển tới cho nhà văn Minh Chuyên. Năm 1988 báo Văn nghệ đăng bài ký “Thủ tục làm người còn sống” nói về trường hợp của ông Định đã gây nên một cơn địa chấn trong dư luận.
Sau bài báo cán bộ ở trên mới về kiểm tra, hỏi ông, bố ông, vợ ông rồi quy kết ông là đào ngũ. Bà Mỵ-người đàn bà quê mới học hết lớp 5 ấy liền biện hộ: “Chồng em đi bộ đội, đơn vị như cha mẹ, quân nhân như con cái. Lúc chồng em bị thương rồi xuất viện đơn vị không đến đón thì anh ấy biết còn đi đâu ngoài về quê? Bởi thế bảo chồng em thất lạc đơn vị còn nghe được, chứ bảo đào ngũ là không đúng”. Xác minh lên, xác minh xuống khiến ông Định phải đợi đến 19 năm kể từ lúc có bài báo “Thủ tục làm người còn sống”, 28 năm từ lúc bị thương mới được đi giám định thương tật và được công nhận là thương binh 4/4. Ngày hai bận ông phải uống cả nhúm những viên thuốc to, nhỏ, đủ màu sắc. Trước đây vết thương cứ trái gió trở trời mới đau, còn giờ thì đau liên miên khiến cho việc đi lễ nhà thờ cách chừng 400 m ông cũng không thể đi bộ được, phải leo lên xe đạp điện…
Đẻ đứa con đầu bà Mỵ mỗi bữa nấu cơm theo tỷ lệ 1 bát gạo 1 bát bột khoai lang. Đẻ đứa con thứ hai thì còn đói hơn, mỗi bữa bà nấu 1 xoong khoai lang mới có 1 bát gạo. Đẻ đứa thứ ba bị phạt 5 tạ thóc bà phải làm đơn trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn người ta mới rút xuống còn 2 tạ. Đẻ đứa thứ tư bà lại bị phạt tiếp 2 tạ thóc nữa. Đẻ đứa thứ năm thì chính sách của nhà nước đã cởi mở hơn nên bà không bị phạt.
Để nuôi đàn con và người chồng ốm yếu, ngoài cấy 1 mẫu ruộng bà phải đi vỡ hoang ngoài sông để trồng lúa hom. Khi chúng đã nhơ nhỡ bà thành lập một tổ cấy thuê đi cấy khắp xã. Đứa con đầu, con thứ hai, con thứ ba của họ phải nghỉ học sớm, vào Nam đi rửa bát rồi lần hồi bán đồ ăn, bán sơn, hiện kinh tế đã khá, còn con thứ tư làm cắt tóc tại quê, con út đang đi học làm linh mục.
Ngày ngày vợ chồng bà đi lễ nhà thờ hai lần sáng và tối. Lúc nào quỳ dưới chân tượng Chúa bà cũng xin cho gia đình được bằng an, khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn và sẽ cảm tạ bằng những việc làm bác ái. Bởi thế khi đứa con út mới lên ba, vào năm 1996 bà nhận nuôi bà Phạm Thị Gái-một người mù lòa, ngụ cư ở làng để cảm tạ ơn Chúa đã che chở cho chồng mình từ cõi chết trở về.