| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/03/2019 , 10:42 (GMT+7)

10:42 - 19/03/2019

Hệ lụy từ gian lận thi cử

Hoàn tất quá trình thanh tra vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, đã cho ra con số đáng giật mình: 140 bài thi của 64 thí sinh được xác nhận có can thiệp sửa điểm, bài thi tăng nhiều nhất là 9,25 điểm, còn thí sinh có tổng điểm ba môn được tăng nhiều nhất là 26,45 điểm.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định, coi kết quả này là điểm chính thức của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các trường đại học xem xét lại trường hợp các thí sinh có liên quan.

Ảnh minh họa

Sự thật phơi bày, có không ít thí sinh đã trở thành sinh viên các trường đại học danh giá, do sự khuất tất của những người trực tiếp tham gia vào quá trình mua bán điểm. Làm trong sạch trường thi là chuyện cần thiết, để gìn giữ môi trường giáo dục tử tế.

Thế nhưng, phải đắn đo khi công khai danh sách thí sinh được nâng điểm cũng như xử lý việc ngồi nhầm chỗ của các em. Bởi lẽ, xét cho cùng, các thí sinh được nâng điểm vẫn là nạn nhân của một đường dây mờ ám.

Các thí sinh độ tuổi 17, 18 thì làm sao biết được phụ huynh và thầy cô đã có những cái bắt tay trong bóng tối, và bài thi của họ đã bị những chiêu trò ma mãnh chi phối. Đành rằng, các thí sinh được nâng điểm đã gián tiếp cướp đi cơ hội đặt chân vào giảng đường của nhiều bạn bè đồng trang lứa, nhưng chính họ cũng bẽ bàng khi hành vi ma mãnh trong thi cử bị phanh phui.

Bây giờ, nếu công khai kết quả chấm thẩm định, các thí sinh được nâng điểm sẽ phải hủy bỏ tư cách sinh viên và gánh chịu những áp lực tâm lý khủng khiếp. Hệ lụy thật nằm ngoài tiên liệu của gia đình và xã hội. Sai phạm thì đã rõ, người nào làm thì người nấy đối mặt với sự chế tài của pháp luật, không nên truy kích những bạn trẻ đang ngơ ngác vào đời. Kết quả chấm thẩm định, hãy dùng làm bằng chứng xử lý hành vi biến chất những người vì lợi ích riêng tư đã nhúng tay làm lệch lạc điểm số mỗi bài thi.

Còn các thí sinh được nâng điểm, hãy xem như họ gặp được vận may tình cờ, nếu họ không nỗ lực trau dồi thì sẽ trả giá trên con đường phía trước! Một thí sinh trúng tuyển đại học mà không có trình độ tương xứng, thì chẳng thể nào cầm được tấm bằng cử nhân trong tương lai.

Muốn chống gian lận trong thi cử, thì giải pháp kỹ thuật không quá khó, nhưng yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Khi quan niệm sùng bái thành tích và động cơ chạy chọt danh vọng vẫn còn, thì chưa thể thanh trừng tận gốc rể vấn nạn gian lận thi cử. Nhìn thật thấu đáo, thì gian lận thi cử chỉ là khởi đầu của những dích dắc gian lận khác. Nếu tuyển dụng và đề bạt thực sự minh bạch, thì gian lận thi cử cũng không có ý nghĩa gì, và mỗi cá nhân sẽ dựa trên năng lực của mình để tiến thân và cống hiến cho cộng đồng.