Theo bà Phạm Thị Mai Hương, Liên minh Bioversity & CIAT, "hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững là đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng cho toàn xã hội thông qua việc cung ứng thực phẩm đạt tiêu chuẩn về cả chất lượng lẫn số lượng. Đồng thời, hệ thống này tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các bên tham gia, từ người sản xuất, nhà phân phối đến người bán lẻ, qua đó củng cố nền tảng kinh tế và xã hội vững chắc".
Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa suy dinh dưỡng mà còn phòng tránh các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tiểu đường và tim mạch. Theo FAO (2022), tại Việt Nam, khoảng 30% dân số không thể chi trả cho chế độ ăn lành mạnh. Do đó, việc cải thiện chế độ ăn là chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe bền vững cho toàn dân.
Khung khái niệm hệ thống LTTP toàn cầu bao gồm các cấu phần chính như sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, tiêu thụ và xử lý chất thải. Hệ thống LTTP bền vững không chỉ đảm bảo cung cấp thực phẩm mà còn phải mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế cho các tác nhân tham gia từ nông dân đến nhà bán lẻ, và đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bà Phạm Thị Mai Hương cũng cho biết thêm, "Việt Nam đã đáp ứng tốt về mặt sản lượng lương thực, trong khi khía cạnh an toàn thực phẩm đang dần được hoàn thiện theo lộ trình. Từ đó, hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự cải thiện về đa dạng hóa và nâng cao chất lượng trong hệ thống lương thực, thực phẩm".
Chế độ ăn lành mạnh được xây dựng trên bốn yếu tố (i) sản lượng: đảm bảo cung cấp đủ năng lượng; (ii) đa dạng: đầy đủ các nhóm thực phẩm như tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; (iii) chất lượng: cung cấp dưỡng chất thiết yếu và đủ calo; (iv) an toàn thực phẩm: đảm bảo vệ sinh và không chứa các chất độc hại.
Một hệ thống LTTP lý tưởng cần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thực phẩm, đồng thời thúc đẩy phúc lợi kinh tế - xã hội và giảm áp lực lên hệ sinh thái. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan, từ nhà sản xuất, nhà bán lẻ đến cơ quan quản lý và cộng đồng.
Kết quả lý tưởng không thể đạt được nếu không có sự đánh đổi. Tuy nhiên, bằng cách hợp tác đa ngành và thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả sẽ giúp tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một hệ thống LTTP bền vững và lành mạnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Những yếu tố tác động đến hệ thống LTTP
Thứ nhất, chuỗi cung ứng thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng. Mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối, đều ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng thực phẩm.
Thứ hai là môi trường thực phẩm, đây là môi trường trung gian, quyết định khả năng tiếp cận và chi trả thực phẩm của người tiêu dùng. Sự sẵn có của thực phẩm, giá cả và tính đa dạng là những yếu tố quan trọng quyết định tính an toàn và dinh dưỡng của hệ thống LTTP.
Thứ ba, hành vi tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhận thức về sức khỏe, sở thích cá nhân và sự tiện lợi. Người tiêu dùng thường lựa chọn thực phẩm dựa trên sự sẵn có trong môi trường thực phẩm, do đó, việc tăng cường nhận thức và tạo ra một môi trường thực phẩm lành mạnh là cần thiết để cải thiện chế độ ăn.