Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp
Bộ NN-PTNT, Liên hợp quốc tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (LTTG) lần thứ 44; cũng nhân sự kiện này Bộ NN-PTNT đã công bố và triển khai Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến hành Ký Thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Việt Nam; và Khởi động Chương trình chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam”.
Sự kiện do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam kiêm quyền Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc đã chủ trì sự kiện quan trọng này.
Ngày Lương thực Thế giới 2024 với chủ đề: “Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn” là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những cam kết toàn cầu đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận LTTP phù hợp cho tất cả mọi người, thông qua các hệ thống LTTP được chuyển đổi bền vững và công bằng.
Lương thực thực phẩm là nhu cầu cơ bản quan trọng thứ 3 của con người, sau không khí và nước uống. Tuy vậy, không phải tất cả mọi người trên thế giới ngày nay đều có thể tiếp cận được LTTP để có một cuộc sống khỏe mạnh. Hiện tại, có khoảng 733 triệu người đang thiếu đói, chủ yếu do xung đột, thời tiết cực đoan, bất bình đẳng và suy thoái kinh tế.
Hơn 2,8 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. FAO là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và là tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong vận động và ủng hộ việc hiện thực hóa quyền tiếp cận thực phẩm cho các quốc gia thông qua những hỗ trợ kỹ thuật về chính sách và luật pháp, tăng cường cơ chế quản lý và giám sát, phát triển năng lực, và thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan.
“Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng thực phẩm, bởi đây là điều cần thiết cho nguồn dinh dưỡng hợp lý, cũng như việc đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm, khả năng tiếp cận và chi trả cho thực phẩm của tất cả mọi người", ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu.
Trong suốt tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp với những gì đạt được cho đến nay ngoài nỗ lực của chính Việt Nam, cũng có một phần to lớn đóng góp tích cực của các đối tác, bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp Việt Nam cần có những hành động cụ thể hơn để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển ngành cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nhân Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44, Bộ NN-PTNT đã công bố “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình toàn cầu hóa và giải quyết các thách thức của nông nghiệp toàn cầu; đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới và huy động nguồn lực con người, công nghệ, tài chính, thu hút đầu tư từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đề án đã đề ra các giải pháp và nhiệm vụ ưu tiên cụ thể mà công tác hợp tác quốc tế của Bộ cần phải phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các Bộ, ngành có liên quan để triển khai từ nay đến năm 2030 và định hướng đến 2050, góp phần thực hiện các chiến lược, kế hoạch và các cam kết của ngành được chính phủ giao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chung tay hợp tác với các đối tác quốc tế một cách toàn diện các vấn đề về thương mại, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ và đào tạo, truyền thông theo tinh thần đa dạng hóa đối tác, làm bạn với tất cả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả”.
Kết nối đa ngành trong chuyển đổi hệ thống LTTP
Hệ thống LTTP của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu gồm: Tiếp tục chuyển đổi thành quốc gia cung ứng LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu; Thích ứng thông minh với khí hậu, bảo vệ tài nguyên, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; và Cung cấp nguồn sinh kế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Triển khai các hoạt động của “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” (Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023), được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, cũng trong sự kiện, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các Bộ: Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và hơn 30 đối tác trong nước, quốc tế cùng nhau ký thoả thuận “Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiêm, bền vững tại Việt Nam”. Việc thành lập Đối tác cũng chính là một trong các nhiệm vụ đã được đề ra trong “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Các mục tiêu chính của Đối tác bao gồm: Xây dựng cơ chế kết nối đa ngành nhằm phát huy được thế mạnh của từng đối tác trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm; tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, đầu tư, nghiên cứu và triển khai các hoạt động chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm; huy động nguồn lực phát triển hệ thống cung ứng đầu vào, phát triển sản xuất, phát triển hệ thống chế biến và phân phối, thúc đẩy thực hành tiêu dùng có trách nhiệm, đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân Việt Nam.
Nhân dịp thỏa thuận đối tác được ký kết, để đặt nền móng đầu tiên cho các hoạt động của đối tác, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi động chương trình “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam”. Chương trình sẽ tập trung cho các mục tiêu: Xây dựng cơ chế đối tác chiến lược cho công cuộc chuyển đổi hệ thống LTTP; Tái định hình cơ cấu tài chính nông nghiệp quốc gia theo hướng bền vững, công bằng và có khả năng chống chịu, tăng hiệu quả chi phí của dòng tiền được xúc tiến...
Chia sẻ về tầm quan trọng của Chương trình và các giải pháp thực hiện, ông Patrick Haverman, Quyền Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), thay mặt các cơ quan Liên hợp quốc tham gia Chương trình chung chia sẻ, chương trình hợp tác này sẽ thiết lập một chuẩn mực cho sự đổi mới trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp - không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn khu vực.
“Tôi hy vọng rằng quan hệ đối tác chuyển đổi hệ thống LTTP sẽ cất cánh và đóng vai trò là một nền tảng hiệu quả, đoàn kết chuyên môn, nguồn lực tài chính, nỗ lực và quyết tâm của tất cả các đối tác để chuyển đổi hệ thống thực phẩm của Việt Nam một cách bền vững, có trách nhiệm và minh bạch", Đại diện UNDP Việt Nam chia sẻ.
Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng một lần nữa nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững.