| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa sạt lở

Thứ Năm 06/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 200 điểm nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến hơn 2.200 hộ dân, cơ quan, đơn vị và hơn 8.500 người dân.

Xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên huy động lực lượng khắc phục tình trạng sạt lở đất sau trận mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên huy động lực lượng khắc phục tình trạng sạt lở đất sau trận mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều "điểm đen" về sạt lở đất

Với đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn các khe suối có độ dốc lớn nên những năm gần đây, mỗi khi vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thường xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất làm hư hỏng nhà cửa, các công trình công cộng, thậm chí gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Theo thống kê sơ bộ, trong gần 10 năm qua, huyện Đồng Hỷ chịu ảnh hưởng của 41 đợt thiên tai, làm 5 người chết, hơn 1.100 ngôi nhà bị hư hỏng và tốc mái, 5 ngôi nhà bị đổ, sập, 18 công trình thủy lợi bị hỏng, sạt lở khoảng 176.000 m3 đất, đá, đường giao thông...

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có các điểm nguy cơ sạt lở, sụt lún đất thuộc 4 xã vùng núi cao, cụ thể là tại tổ dân phố 7 tại thị trấn Trại Cau, xóm Kim Cương tại xã Cây Thị, xóm Đồng Chốc tại xã Nam Hòa cũng như các xã Quang Sơn, Tân Long, Hòa Bình thuộc vùng khai thác đá tầng cao.

Theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, xác định công tác phòng ngừa, ứng phó có vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mỗi đợt mưa bão hàng năm, huyện Đồng Hỷ đã tổ chức các đoàn kiểm tra phương án và công tác phòng chống thiên tai của tất cả 15 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, huyện Đồng Hỷ cũng yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án theo cấp độ rủi ro thiên tai; cập nhật, bổ sung kịp thời hiện trạng sạt lở, sụt lún đất...

“Cùng với đó, các xã, thị trấn đã tăng cường tuần tra, kiểm tra an toàn công trình nhằm phát hiện, xử lý kịp thời sự cố ngay từ sớm từ xa; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị và người dân ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả đối với từng tình huống thiên tai”, ông Vũ Quang Dũng thông tin.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Hỷ cũng yêu cầu các địa phương thuộc vùng khai thác đá tầng cao có các điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, sụt lún đất cần phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản lên phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt chú ý mức an toàn của các bãi thải, đá treo, moong khai thác tầng sâu, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản xuất trong mùa mưa bão cũng như phải có phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư xung quanh.

Trận mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua tại xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ đã làm sạt lở khoảng 1.000 m3 đất đá từ taluy dương xuống đường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trận mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua tại xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ đã làm sạt lở khoảng 1.000 m3 đất đá từ taluy dương xuống đường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước thiên tai, ông Vũ Quang Dũng cho biết, thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai. Trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu có thể xảy ra sụt lún, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời trước khi thiên tai xảy ra.

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã siết chặt quản lý, không quy hoạch đất ở tại khu vực có nguy cơ sạt lở; không cấp phép, ngăn chặn người dân tự ý làm nhà dưới taluy dương… Ngoài ra, một số địa phương cũng linh hoạt, dùng đất hạ taluy để san lấp tại chỗ, làm đường giao thông nông thôn.

“Trong năm nay, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành Khu tái định cư tập trung xóm Bản Tèn và Khu tái định cư tập trung xóm Liên Phương tại xã Văn Lăng, di chuyển 65 hộ dân sinh sống ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho hay.

Nhớ lại trận mưa lớn vào đầu tháng 5/2024 vừa qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, chỉ qua một đêm, mưa lớn đã làm sạt lở khoảng 1.000 m3 đất đá từ taluy dương xuống đường tại 3 xóm trên địa bàn xã, gây cản trở, ách tắc giao thông.

“Ngay sau đó, với phương châm ‘4 tại chỗ’, xã Văn Lang đã huy động nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở ngay trong ngày”, bà Nguyễn Thị Nguyệt cho hay.

Nhiều giải pháp nhưng không ít khó khăn

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 149 xóm, tổ dân phố của 55 xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng đến trên 2.200 hộ dân, cơ quan, đơn vị và hơn 8.500 người dân.

Hiện nay, khu vực đang sạt lở đất tại xã Quy Kỳ (huyện Định Hóa) là một trong những điểm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay. Tại đây, taluy dương cao 35 - 40m, dài hàng trăm mét gần mặt đường, đã bị sạt lở một phần, đất vùi lấp phía sau nhà bà Hoàng Thị Thắm, khiến gia đình bà phải bỏ nhà cũ, làm nhà tạm gần đó.

Đồng thời, cũng tại khu vực này, đất sạt, tràn lên tường rào của gia đình ông Bùi Xuân Tiệp và đang có dấu hiệu tiếp tục trôi, trượt xuống phía dưới. “Lo lắm! Mỗi khi mưa lớn, gia đình tôi lại phải di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng. Chúng tôi chỉ mong taluy sớm được hạ, xử lý dứt điểm khu vực có nguy cơ sạt lở này”, ông Bùi Xuân Tiệp bày tỏ.

Cũng có nhà nằm dưới taluy dương cao khoảng 50 - 60m, gia đình bà Đoàn Thị Cậy, (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) luôn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão tới. “Cách đây 2 năm, đất sạt lở vùi lấp đến ngang tường nhà nên gia đình tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ hạ taluy dương, nhưng đến nay chưa được thực hiện”, bà Cậy tâm tư.

Có nhà nằm dưới taluy đất, nhiều người dân đã phải lo lắng mỗi mùa mưa bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

Có nhà nằm dưới taluy đất, nhiều người dân đã phải lo lắng mỗi mùa mưa bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Huyện Đại Từ đã chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền, ngăn chặn người dân tự ý bạt đồi, làm nhà dưới các taluy dương. Đặc biệt, địa phương cũng không quy hoạch đất ở, khu dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở”, ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ, khẳng định.

Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp để phòng, chống sạt lở đất đã được các cơ quan chức năng, địa phương triển khai, tuy nhiên, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc hạ taluy, chuyển đất đi nơi khác. Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng khu tái định cư, di dời người dân khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cũng gặp nhiều vướng mắc.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 149 xóm, tổ dân phố của 55 xã, phường, thị trấn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 149 xóm, tổ dân phố của 55 xã, phường, thị trấn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Nếu nguyên nhân do tự nhiên, chính quyền địa phương mới có thể đánh giá nguy cơ, từ đó xây dựng phương án tái định cư. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đại Từ, người dân phần lớn tự đào, cắt tầng đất, tự tạo ra taluy dương, nguy cơ sạt lở vào nhà mình. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương chỉ cảnh báo, hỗ trợ di chuyển khẩn cấp chứ không thể bố trí tái định cư. Ngoài ra, quá trình xây dựng tái định cư cũng mất rất nhiều thời gian và một số khu tái định cư phòng chống thiên tai chưa phát huy được hết hiệu quả”, ông Trần Đăng Minh phân tích.

Qua khảo sát, nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là do địa chất, hình thái, cấu trúc đất và hoạt động của con người tác động. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn từ sự tác động của con người gây suy giảm cây rừng, hệ thống thực vật bảo vệ đất; tự ý đào đất, làm nhà dưới các taluy dương…

Đối với các điểm có nguy cơ sạt lở đất, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân như thường xuyên rà soát điểm có nguy cơ sạt lở, cảnh báo tới người dân; kịp thời sơ tán người dân khi có mưa lớn, thiên tai; san gạt, hạ thấp taluy dương; xây kè chống sạt lở; xây dựng khu tái định cư, di chuyển người dân đến nơi ở an toàn; kịp thời sơ tán người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở…

Xem thêm
Thêm những công trình giao thông biểu tượng cho quan hệ Việt - Trung

Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp.

Đồng Tháp xây dựng Đề án tiên phong về 'tam nông'

Mục tiêu đề án nhằm đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến năm 2030.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tác giả của 'quả bom bán bản quyền giống' nói về truyền thông chân chính

Lúc tôi sang trường, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tất tả từ đồng về, mặt lo âu: 'Cô đang cho gặt dòng mẹ đóng bao chờ chở về nhưng gặp mưa sẽ phải hong đây'.

Bình luận mới nhất