| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả Chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021 tại Hà Nội

Thứ Sáu 09/07/2021 , 11:21 (GMT+7)

Những năm qua, các nước trên thế giới và Việt Nam đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp thực hiện chương trình 'Phúc lợi động vật', trong đó có việc quản lý chó, mèo nuôi.

Trong việc phòng chống bệnh dại cho chó, mèo, khâu tuyên truyền, cổ động giữ vai trò quan trọng.

Trong việc phòng chống bệnh dại cho chó, mèo, khâu tuyên truyền, cổ động giữ vai trò quan trọng.

Đây là loài động vật rất thông minh, thân thiện, gần gũi với con người nên được nhiều người yêu thích chọn làm vật nuôi trong nhà. Tuy nhiên loài động vật này cũng là vật chủ gây bệnh dại giữa người và động vật rất nguy hiểm, gây tử vong đối với con người nên phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Để khống chế và tiến tới thanh toán bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021”.

Theo đó mục tiêu lớn nhất nhằm khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021, nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.

 Mục tiêu đạt trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó. Tỷ lệ chó nuôi được tiêm vắc xin dại đạt trên 85% tổng đàn; trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 02 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh dại trên người; giảm 60% số người tử vong vì bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 - 2015.

Đến nay, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017- 2021 đã thu được những kết quả tích cực.

Đó là, về chỉ đạo điều hành, 63/63 tỉnh, thành phố đều quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, có sự đầu tưkinh phí cho chương trình. Về quản lý chó nuôi, có 95% số xã, phường có báo cáo danh sách hộ nuôi chó; tổng đàn chó mỗi năm là trên 7,5 triệu con, được nuôi tại trên 4,9 triệu hộ gia đình.

Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó hàng năm đạt tỷ lệ ngày càng cao, hiện đạt  49,2% (tăng 6,97% so với trung bình của giai đoạn 2012 - 2016). Nếu so sánh trong 4 năm (2017 – 2020) trung bình đạt 51,85%, cao hơn giai đoạn trước là 9,69%.

Công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa trung tâm, vùng núi. Công tác điều tra và xử lý ổ dịch dại, được sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, Cục Thú y đã xây dựng quy trình chuẩn để điều tra bệnh dại. Thực hiện tốt việc nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại. Đến nay ngành Thú y đã có đủ năng lực bảo đảm an toàn để xét nghiệm chính xác bệnh dại bằng phương pháp tiêu chuẩn.

Việc kiểm soát vận chuyển chó đã được chỉ đạo theo Luật Thú y, nhất là các tỉnh, thành phố có đường biên giới, thực hiện kiểm dịch nhập khẩu động vật, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.

Đồng thời tăng cường, nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh dại và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó việc nghiên cứu khoa học, sản xuất, đánh giá và cho phép lưu hành vắc xin phòng bệnh dại được đẩy mạnh. Hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống bệnh dại được các cơ quan chuyên ngành rất quan tâm.

Tuy nhiên đây cũng mới là những kết quả bước đầu, thời gian tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh động vật nhất là các bệnh liên quan đến con người, đặc biệt từ năm 2019 đến nay dịch bệnh Covid- 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu thì Chương trình phòng chống bệnh dại cần được tiếp tục triển khai với những giải pháp cao hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn bệnh dại giữa người và động vật.  

Một điểm tiêm phòng bệnh dại cho chó tại huyện Thanh Trì.

Một điểm tiêm phòng bệnh dại cho chó tại huyện Thanh Trì.

Hiệu quả nổi bật Chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn, việc tiêm phòng, triển khai chương trình quản lý chó nuôi nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Hàng năm đều ban hành Chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có phòng chống bệnh dại, chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Có chính sách hỗ trợ vác xin, công tiêm phòng đối với các huyện, thị xã. Thành lập các đoàn kiểm tra đi làm việc với các quận, huyện để tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Về quản lý đàn chó, mèo nuôi, hàng năm đều thống kê các hộ nuôi chó, mèo trên toàn thành phố. 100% các xã, phường, thị trấn có sổ theo dõi đàn chó, mèo.

Tại các quận, thị xã xây dựng vùng an toàn bệnh dại đã tổ chức bắt chó thả rông và xử phạt các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại. Nhiều quận, huyện tổ chức tốt việc quản lý chó nuôi thông qua phần mềm, trên hệ thống điện tử.

Công tác xây dựng vùng an toàn bệnh dại được quan tâm chú trọng, trong 03 năm (2018, 2019, 2020), Hà Nội đã xây dựng thành công vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại tại 04 quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, là điểm nhấn về quản lý chó nuôi trên địa bàn.

Từ kết quả này, thành phố đang nhân rộng, tiến tới hoàn thành Chương trình xây dụng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại tại tất cả các quận nhằm hạn chế tối đa người tử vong vì bệnh dại mà vật chủ chính gây nên là đàn chó, mèo.

Kết quả tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo tạo miễn dịch chủ động, hiện tại Hà Nội là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đứng đầu cả nước, luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên, tỷ lệ tiêm phòng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nếu như năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng là 92,54%, năm 2020 là 97,58%, riêng năm 2021 tỷ lệ tiêm phòng còn thấp mới đạt 82,88% (nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhiều khu vực bị giãn cách xã hội chưa tổ chức tiêm được).

Đạt được tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cao là có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, có chính sách hỗ trợ vắc xin, công tiêm phòng, có lực lượng thú y và làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền (nhất là xã, phường) thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không thực hiện tốt các quy định.

Từ năm 2017 đến nay đã xử lý vi phạm hành chính 992 trường hợp chủ nuôi chó không chấp hành các quy định về quản lý chó nuôi (không tiêm phòng, thả rông chó nơi công cộng, công viên không rọ mõm, không người dắt, để chó tấn công người, gây ô nhiễm môi trường ...).

Về xử lý ổ dịch bệnh dại trên người, do Hà Nội có mật độ cư dân đông, số lượng đàn chó, mèo nuôi lớn, đặc biệt các khu chung cư, khu nhà tập thể diện tích chật hẹp nhưng người dân vẫn có sở thích nuôi chó mèo, đùa vui với con vật nên không tránh được việc chó cắn, tấn công người, chó gây cản trở giao thông.

Cơ bản người dân Thủ đô chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho chó.

Cơ bản người dân Thủ đô chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho chó.

Kể cả ở các phòng khám, do chủ quan, lơ là, dụng cụ bảo hộ chưa đảm bảo nên số người bị chó cắn là điều khó tránh khỏi. Năm 2017, số người chết về bệnh dại 02 trường hợp (Quốc Oai, Ba Vì) do chó lạ cắn, có 05 người bị chó dại cắn (Bắc Từ Liêm) nhưng người bị chó cắn đã được tiêm phòng kịp thời, không có người bị tử vong.

Năm 2018 có 03 người tử vong do bệnh dại (Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn). Năm 2019, thành phố không ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bệnh dại. Năm 2020 có 01 người tử vong nhưng không rõ nguyên nhân (Cầu Giấy), từ đâu năm 2021 đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì chó dại cắn.

Đây cũng chính là hiệu quả rõ nét mà Chương trình thanh toán bệnh dại mang lại. Đối với các ổ dịch liên quan đến con người đều được cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và UBND các cấp kiểm tra, xác minh, điều tra ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Về thông tin tuyên truyền, thời gian qua có chuyển biến mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyên thông qua nhiều kênh (tập huấn đến hộ, phát thanh truyền hình, tờ rơi, bảo hiểm vật nuôi ...) đã nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện tốt viêc quản lý cho nuôi tại gia đình.

Cùng cộng đồng thực hiện tốt quy định về tiêm phòng, bảo vệ môi trường khi nuôi chó, thực hiện nghiêm chương trình phòng chống bệnh dại. Đặc biệt tại các địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại, người dân đồng thuận ủng hộ cao tạo sức lan tỏa mạnh cùng cộng động ngăn chặn bệnh dại.

Những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, việc chấp hành khai báo chó, mèo nuôi, chó mèo nhập đàn của người dân với chính quyền địa phương chưa cao, chủ yếu vẫn do cán bộ chính quyền hoặc cán bộ thú y đến thông kế qua các đợt tiêm phòng.

Việc quản lý vận chuyển lưu thông chó nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là chó nhập lậu, chó nhập về sử dụng làm thực phẩm (giết thịt). Trong quản lý an toàn thực phẩm, hiện chưa có quy trình giết mổ chó nên việc xử lý các vi phạm đối với chủ hộ giết mổ chó gặp khó khăn.

Do tập quán, thói quen của nhiều người vẫn sử dụng thịt chó, mèo làm thức ăn nên việc quản lý giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo tại các địa phương còn vướng.

 Việc nhận diện chó nuôi, nhận diện chó sau tiêm phòng đã được triển khai nhất là ở các quận nội thành, song các mẫu vòng đeo đánh dấu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý vật nuôi.

Trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại tại các quận, việc thành lập các tổ bắt giữ chó tại xã, phường, việc xử lý chó thả rông, chó ra nơi công cộng, chó tấn công người gặp nhiều khó khăn do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, văn bàn hướng dẫn chưa cụ thể.

Phương tiện và dụng cụ bắt chó, nhất là trong điều kiện tại các ngõ, xóm, nhà cao tầng còn thô sơ chủ yếu là tự nghiên cứu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người thực thi nhiệm vụ.

Đối với loài chó có trọng lượng lớn, chó cảnh, chó có giá trị kinh tế cao khi chủ nuôi vi phạm gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, nuôi nhốt trong thời gian chờ xử lý.

Ở một số vùng xa trung tâm, địa bàn rộng công tác tuyên truyền, tiêm phòng, quản lý chó thả rông còn gặp khó khăn. Một số nơi việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống bệnh dại, tiêm phòng, xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại còn thấp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Thành phố Hà Nội có 12 quận nội thành và 18 huyện, thị xã, dân số lớn, khoảng trên 10 triệu người thường xuyên học tập, lao động và sinh sống. Những năm qua tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị mới đi đôi với xu hướng nuôi chó, mèo làm "thú cưng" cũng gia tăng.

Đến nay tổng đàn chó, mèo trên địa bàn thành phố là 460 ngàn con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An). Tính từ đầu năm 2017 đến nay số lượng chó, mèo nuôi bình quân tăng khoảng trên 6 ngàn con/năm (tổng đàn năm 2017 là 423 ngàn con, năm 2021 là 460 ngàn con).

Riêng số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành có tốc độ tăng nhanh khoảng trên 2 ngàn con/năm.

(Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội)

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.