| Hotline: 0983.970.780

Hồ Đầm Vạc Vĩnh Phúc liên tục bị 'xẻ thịt', chính quyền có dấu hiệu bất lực?

Thứ Sáu 14/09/2018 , 09:28 (GMT+7)

Trước những sai phạm và việc cố tình chây ỳ không thực hiện biện pháp khắc phục của Công ty Tây Hồ, dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có phải vì doanh nghiệp này tiếp tục chờ UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch...

Hồ Đầm Vạc vẫn được ví von là “lá phổi xanh” của TP Vĩnh Yên. Tuy nhiên, kể từ khi Dự án Khu du lịch – Dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Tây Hồ (phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đi vào hoạt động, “lá phổi xanh” thành phố liên tục bị xâm hại.

16-15-15_dm_1
Khách sạn được xây dựng ngay mép hồ của Cty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Tây Hồ

Những sai phạm của chủ đầu tư dự án đã bị phát hiện, lập biên bản xử phạt và yêu cầu xử lý nhưng phía chủ đầu tư tỏ ra “bất chấp” còn cơ quan chức năng tỏ rõ một số dấu hiệu bất lực.
 

Liên tục điều chỉnh quy hoạch, biến đất hồ thành đất ở

Theo tìm hiểu của PV, Khu du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc được phê duyệt từ năm 2006, trên diện tích 77.311,6m2 với các hạng mục chính gồm “khách sạn, vui chơi, giải trí và thể dục thể thao…”.

Đến năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch 2,6ha đất của dự án từ chức năng là khu khách sạn, vui chơi, giải trí và thể dục thể thao sang làm đất biệt thự nhà vườn. Ngay lập tức, Công ty Tây Hồ phân lô bán diện tích trên.

Đến năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục ký Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 “V/v phê duyệt điều chỉnh QHCTXD tỷ lệ 1/500 Khu đất dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc”. Căn cứ quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục “tạo điều kiện” để chủ đầu tư biến gần 1,2ha hồ cảnh quan thành đất ở. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trên gặp phải sự phản ứng từ phía người dân, đặc biệt là những hộ dân mua nhà trước đó. Người dân có đơn chỉ ra những sai phạm trong quá trình điều chỉnh dự án. Cụ thể là quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại công văn số 3728/UBND-NC1 “V/v điều chỉnh QHCT 1/500 Khu dịch vụ nhà ở sinh thái Đầm Vạc tại phường Tích Sơn”, yêu cầu: Chủ đầu tư dự án phải có thỏa thuận với các hộ dân trong khu vực dự án để được đồng thuận với việc điều chỉnh quy hoạch (có biên bản thỏa thuận cụ thể).

15-39-22_ty_ho_1
Dự án của DN Tây Hồ mọc trên Đầm Vạc

Trên cơ sở biên bản thỏa thuận của các hộ dân, giao Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND tỉnh việc chuyển mục đích sử dụng đất và giao Sở Tài chính tính toán lại tiền sử dụng đất tại khu vực điều chỉnh quy hoạch lần này, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định làm cơ sở cho chủ đầu tư điều chỉnh dự án theo quy định để tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch chi tiết.

Tại buổi họp ngày 14/8/2014, các hộ dân đều không đồng ý với việc lấp hồ cảnh quan trước nhà họ để biến thành những căn hộ. Các hộ dân cũng đã có đơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hủy bỏ quyết định cho công ty lấp hồ nói trên. Đồng thời, người dân kiến nghị, thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn bộ quá trình thực hiện dự án, thanh tra việc đổ đất lấn chiếm trái phép Đầm Vạc và xây dựng các công trình trái phép trên đất lấn chiếm, thanh tra việc triển khai tiến độ dự án.

Trước sức ép của người dân, ngày 3/3/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 504/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 nói trên…Tuy nhiên, đến năm 2015, tại văn bản số 6393/UBND-NC1 ngày 9/10/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho chủ đầu tư đổi tên dự án thành “Khu dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc”, tức là mất hẳn phần “Dịch vụ và vui chơi giải trí”.

16-15-15_dm_2
Nhiều biệt thự mọc lên ở đây

Chưa hết, đến ngày 16/6/2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại ban hành Quyết định số 2003/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giao đất theo quy hoạch Dự án dựa trên Tờ trình số 250/TTr-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù tại điểm b, khoản 2 của Quyết định này nêu rất rõ việc “Sử dụng đất đúng mục đích, vị trí, ranh giới được giao”, tuy nhiên, trong quá trình trình triển khai tiếp dự án, DN Tây Hồ lại tiếp tục vi phạm.

Theo tìm hiểu của NNVN, dự án hiện tại bao gồm hệ thống khách sạn Westlake Hotel, khu biệt thự nhà ở, hàng quán… được xây dựng giữa Đầm Vạc.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường dự án thì thấy, hệ thống khách sạn Westlake Hotel nằm giữa mặt Đầm Vạc đang được hoàn thiện phần phụ trợ; khu biệt thự đã hoàn thiện; hàng chục chòi lá với diện tích vài trăm mét vuông ngay trước mặt khách sạn mới được dựng lên và nhiều công nhân đang hối hả thi công. Hàng trăm mét vuông mặt nước được san lấp để xây chòi lá chính là khu vực người dân địa phương đang phản ánh Công ty Tây Hồ tiếp tục lấn chiếm, xây dựng. Ngoài ra, xung quanh của khách sạn, nhiều hạng mục xây dựng có dấu hiệu cơi nới ra mặt đầm…
 

Thách thức hay cố tình chây ỳ?

Suốt nhiều năm liền thực hiện dự án, để dựng khách sạn, biệt thự nhà vườn, Công ty Tây Hồ đã xây kè đá kiên cố dài hàng trăm mét lấn chiếm trái phép. Trên diện tích đấy, cây cối được trồng mới, nhiều biệt thự, nhà hàng… thậm chí khách sạn cũng được xây dựng.

Trước những vi phạm của doanh nghiệp này, UBND TP Vĩnh Yên đã phát hiện và tiến hành lập bản xử phạt hành chính chủ đầu tư trong hoạt động xây dựng. Cụ thể, như biên bản số 01/BB-VPHC lập ngày 18/8/2017 ghi rõ: Cty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Tây Hồ đã có hành vi vi phạm hành chính xây dựng công trình sai quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng (xây dựng kè hồ không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500). Đồng thời, tại biên bản trên, UBND TP Vĩnh Yên đã yêu cầu Công ty Tây Hồ chấm dứt ngay hành vi vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp này phải phá dỡ công trình vi phạm và trả lại hiện trạng mặt nước cho hồ Đầm Vạc.

Tiếp đó, ngày 24/8/2017, tại văn bản số 3037/QĐ-XPVPHC, UBND TP Vĩnh Yên do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Sơn ký đã quyết định xử phạt hành chính đối với Cty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Tây Hồ với số tiền 45 triệu đồng. Về biện pháp khắc phục hậu quả, UBND thành phố Vĩnh Yên buộc chủ đầu tư phá dỡ công trình vi phạm. Đáng chú ý, Quyết định xử phạt cho phép chủ đầu tư thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày, kể từ ngày nhận quyết định…

15-39-22_ty_ho_3
15-39-22_ty_ho_4
Biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của Cty Tây Hồ

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với PV NNVN, đại diện UBND TP Vĩnh Yên cho biết, từ khi có quyết định xử phạt cho đến nay, Công ty Tây Hồ vẫn không khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng mặt nước cho hồ Đầm Vạc, cố tình “chây ỳ” không phá dỡ công trình vi phạm… Cụ thể, ông Hoàng Đình Thuật, Chánh văn phòng UBND TP Vĩnh Yên khẳng định: “Sai phạm của Công ty Tây Hồ đã từng bị xử phạt 1 lần nhưng đến bây giờ chưa khắc phục hậu quả. Ngoài ra, sau khi bị xử phạt công ty này có mời Sở Xây dựng, mời các hộ dân có ý kiến phản đối, UBND phường Tích Sơn, UBND TP Vĩnh Yên họp một lần với mục đích báo cáo UBND tỉnh xin điều chỉnh quy hoạch”.

Cũng theo ông Thuật, việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án tỉnh Vĩnh Phúc đã làm đúng, nhưng Công ty Tây Hồ đã thực hiện sai vì quy hoạch không cho như thế. Chánh văn phòng UBND thành phố Vĩnh Yên khẳng định thêm: Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch 5 - 6 lần rồi.

Trước những sai phạm và việc cố tình chây ỳ không thực hiện biện pháp khắc phục của Công ty Tây Hồ, dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có phải vì doanh nghiệp này tiếp tục chờ UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm nữa hay không? Và việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục thay đổi quy hoạch cho Công ty Tây Hồ kể từ khi dự án triển khai đến nay liệu có quá “ưu ái” cho doanh nghiệp này?

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.