Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, hơn 10 năm qua, Bình Định áp dụng chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho đồng đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã miền núi nhằm làm thay đổi tập quán canh tác, tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có cuộc sống ổn định.
“Sản xuất giống lúa lai bà con có thu nhập tăng thêm trên cùng 1 đơn vị diện tích canh tác, ngoài ra, sản xuất lúa lai còn giải quyết tốt vấn đề lương thực tại chỗ, góp phần ngăn chặn nạn phát rừng làm nương rẫy. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa nước còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, từ đó tạo sinh kế giúp người dân vùng cao có cuộc sống ổn định hơn”, ông Cang chia sẻ.
Đến năm 2020, Bình Định dừng thực hiện chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tuy nhiên, hiện các huyện miền núi vẫn tiếp tục duy trì bởi lợi ích mang lại cho thấy hiệu quả thiết thực.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định), hiện huyện này vẫn tiếp tục hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hình thức ngân sách huyện chi một nửa, người dân đối ứng một nửa vốn.
“Mỗi năm huyện chi ra khoảng 3,7 tỷ đồng để mua giống lúa lai hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sản xuất 2 vụ đông xuân và hè thu theo hình thức nói trên. Vụ đông xuân 2020-2021 huyện mua hơn 24.700kg giống lúa lai gồm các giống TH 3-3, TH 3-5 hỗ trợ cho 2.263 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sản xuất, năng suất lúa lai đạt hơn 70 tạ/ha”, ông Lâm cho hay.