| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình: 30% công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả

Thứ Tư 29/05/2019 , 15:56 (GMT+7)

Ngày 29/5, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi đánh giá tình hình hoạt động của công trình cấp nước sinh hoạt xã Quy Mỹ, huyện Tân Lạc và công tác nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn.

Công trình cấp nước xuống cấp nặng nề

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, công trình cấp nước sinh hoạt xã Quy Mỹ, huyện Tân Lạc được đầu tư xây dựng năm 2007, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008 bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, công trình được đầu tư xây dựng xong và bàn giao lại cho UBND xã Quy Mỹ để khai thác, quản lý, vận hành. UBND xã Quy Mỹ đã thành lập tổ quản lý vận hành và lắp đặt 300 đồng hồ, tiến hành thu giá nước với 3.000 đồng/m3.

Ông Đỗ Văn Thành (thứ 2 từ phải vào), yêu cầu rà soát, đánh giá lại các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên trong quá trình vận hành, do khai thác lâu ngày nên hệ thống đã bị xuống cấp nặng nề làm cho công trình hỏng hóc nhiều, nước bị thất thoát lớn, đường điện thường xuyên bị đứt. Ngoài ra, tổ quản lý vận hành chưa xây dựng được quy chế quản lý và thu phí sử dụng nước dẫn đến mức giá trị thu được chỉ đủ để trả tiền điện, tổ vận hành không có lương và không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình. Việc máy bơm nước bị hỏng không được sửa chữa dẫn đến việc công trình không phát huy được hết công suất so với thiết kế và yêu cầu được đề ra, chất lượng nước cũng không được kiểm tra.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quy Mỹ được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 2815/QĐ–UBND ngày 20/11/2007. Công trình có công suất thiết kế là 104m3/ngày – đêm, có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 4/5 xóm với 359 hộ dân, tổng mức đầu tư là 1.117.219.000 đồng, diện tích đất xây dựng là 300m2.

Về quy mô đầu tư, công trình xây dựng hệ thống cấp nước bằng bơm dẫn gồm công trình thu nước (giếng thu); trạm bơm cấp nước gồm 2 máy bơm chìm và đường ống cấp nước thô, bể chứa nước sạch 65m3, công trình phụ trợ, hệ thống đường ống phân phối nước với tổng chiều dài khoảng 9.347m bằng đường ống thép và đường ống nhựa HDPE các loại, hệ thống điện từ trạm biến áp kéo dài đến trạm bơm và khu xử lý có chiều dài 880m.

Nhà quản lý vận hành đã bị xuống cấp nặng nề do không có người trông coi.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, hiện nay 2 máy bơm chìm tại công trình thu nước đã bị hỏng, đường ống từ bể hút vào nhà trạm bơm đã bị mất, đường dây vào máy bơm và tủ điện cũng đã bị mất cắp khiến cho công trình không hoạt động được.

Bể chứa nước sạch 65m3 vẫn còn tốt nhưng một số các van lại bị rò rỉ mạnh. Nhà quản lý vận hành đã bị hỏng hết cánh cửa và các thiết bị điện bên trong, không có cán bộ trông coi dẫn đến người dân chăn thả gia súc vào trong khuôn viên nhà quản lý và phá hỏng các thiết bị bên trong.

Các công trình phụ trợ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số tuyến đường ống đã bị phá hỏng. Hệ thống điện tử trạm biến áp kéo dài đến trạm bơm và khu xử lý có chiều dài 880m do ảnh hưởng của lũ bão đã làm đổ cột điện và bị đứt đường dây, nhiều đoạn đường dây cũng bị mất cắp.
 

Công tác nước sạch còn nhiều khó khăn

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 303 công trình cấp nước tập trung và các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Theo rà soát thống kê, trong tổng số 303 công trình này chỉ có trên 70% công trình đang hoạt động hiệu quả, 30% số công trình còn lại hoạt động chưa hiệu quả.

Việc không có cán bộ trông coi dẫn đến người dân chăn thả gia súc vào trong khuôn viên nhà quản lý và phá hỏng các thiết bị bên trong.

Thực tế trên toàn tỉnh cho thấy việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước nông thôn còn kém hiệu quả. Số lượng công trình hoạt động bền vững chiếm tỉ lệ nhỏ, số lượng công trình hoạt động trung bình và kém hiệu quả chiếm tỉ lệ lớn; đặc biệt có một số công trình không hoạt động, ở trong tình trạng đắp chiếu khá lâu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, tổng mức huy động vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng nước, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước còn hạn chế, quy mô xây dựng chưa được đồng bộ dẫn đến việc đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay có 2 mô hình quản lý là doanh nghiệp và cộng đồng nhưng chủ yếu là mô hình do cộng đồng quản lý (99%), các công trình sau khi thi công xong chủ yếu bàn giao lại cho đơn bị hưởng lợi (UBND xã) tự quản lý, khai thác và sử dụng. Đa số các địa phương chưa thành lập được tổ quản lý vận hành, chưa xây dựng quy chế quản lý và chưa có phương án thu tiền sử dụng nước, do vậy các công trình không thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ, cá biệt còn có địa phương giao cho xóm tự quản lý, vận hành không có cơ chế kiểm tra, giám sát do đó công trình nhanh bị xuống cấp, không phát huy được hiệu quả, chất lượng nước không đảm bảo.

Hệ thống phân phối nước bằng đường ống nhựa HDPE.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình rà soát, đánh giá lại các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn lực để trong vòng 5 năm tới phải duy tu bảo dưỡng các công trình bị xuống cấp; bên cạnh đó cũng cần quy định giá nước và thông qua các kênh truyền thông, tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.