Họa sĩ Đoàn Quốc có tên đầy đủ Đoàn Cao Quốc, sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi. Họa sĩ Đoàn Quốc học Đại học Mỹ thuật TP.HCM và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2014. Họa sĩ Đoàn Quốc là thành viên Hội Mỹ thuật TP.HCM; thành viên Internationl Watercolor Society; thành lập và quản lý Vietnam Watercolor Art.
Họa sĩ Đoàn Quốc có dáng vẻ đẹp trai như một diễn viên điện ảnh đúng thị hiếu đương thời, nhưng tác phẩm của anh lại mở ra một không gian đầy rêu phong cổ kính. Đó là lý do họa sĩ Đoàn Quốc lấy tên gọi “Như một hoài niệm” cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình kéo dài từ 5/6 đến 13/6 tại May Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Với vài vật liệu khác, thì kích thước tranh lớn hoặc nhỏ không mấy quan trọng, vẽ thế nào mới quan trọng. Nhưng với màu nước, chí ít là với thói quen vẽ màu nước be bé tại Việt Nam, thì những bức tranh khổ lớn và rất lớn như cách vẽ của họa sĩ Đoàn Quốc, lại đáng chú ý. Bởi lẽ, tác phẩm của họa sĩ Đoàn Quốc làm thay đổi sự mặc định và cả sự mặc cảm bấy lâu nay của nhiều người về màu nước, thường bị đồng nghĩa là những bản phác thảo nhỏ, tốc họa, diễn họa… Còn với tranh, thường chỉ là những bức vẽ nho nhỏ, không mạnh về giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Tuy quá trình dụng bút chưa thật dài lâu, nhưng sức công bút của họa sĩ Đoàn Quốc trong màu nước thật đặc sắc và đáng nể. Nó có đủ đầy các kỹ thuật bậc thầy, để thong dong lột tả các vẻ đẹp đặc trưng của vật liệu, đồng thời, còn mang lại cho màu nước một khả thể mới, một chiều kích mới.
Xem bộ tranh “Như một hoài niệm”, thấy khá thích thú với ý niệm “như một”, nghĩa là nó giống như vậy, mà không khẳng định là vậy. Ý niệm này vừa giúp hóa giải sự mắc kẹt vào một điều cụ thể-chính xác, vừa giúp thăng hoa tinh thần hoài niệm. Đúng hơn, đây là một tân hoài niệm.
Họa sĩ Đoàn Quốc trẻ trung về tuổi đời và cả tính cách, nên không muốn bị trói buộc vào một hoài niệm cụ thể, nhưng cũng không muốn khước từ nó. Vì với quá khứ và hoài niệm, dù ta muốn phớt lờ hoặc khước từ, thì nó vẫn hiện diện trong ta, bằng cách này, hoặc cách khác. Đoàn Quốc vẽ về sự hiện diện này, đôi khi rõ ràng, đôi khi mờ ảo, đôi khi ước lệ, đôi khi biểu trưng, đôi khi hư cấu…
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: “Xem triển lãm “Như một hoài niệm”, với chất liệu màu nước, làm tôi nghĩ về sự tiến hóa của “thủy họa” trong mỹ thuật Việt Nam. Đã từ lâu, ảnh hưởng nghệ thuật Trung Hoa, những bức tranh mực nho đã xuất hiện. Tiếp đó, sự ra đời của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đem sắc màu thủy họa kết hợp với cái nhìn phương Tây, cho ra đời những bức tranh rất thú vị, điển hình là các tác giả như Nam Sơn, Thang Trần Phềnh…
Rồi dần dần, tranh màu nước không còn là chất liệu được nhiều người sử dụng, thoảng hoặc chỉ dùng trong việc phác thảo, tốc họa, diễn họa… Cho đến hôm nay, "Như một hoài niệm" của Đoàn Quốc, với nhiều kỹ thuật mới, có hay không sẽ là một “cuộc trỗi dậy” của chất liệu kỳ diệu này? Nói đến kỹ thuật thủy họa, phải nói đến việc gia giảm một cách tinh tế độ nước, sẽ cho ra một dãy gamme sắc màu vô cùng đa dạng, từ tông sáng đến tông tối mượt mà nhất”.
Với triển lãm đầu tay, họa sĩ Đoàn Quốc thổ lộ: “Nghĩ về màu nước người ta thường nghĩ về những bản phác thảo nhỏ, tốc họa, diễn họa… Còn với tranh, thường chỉ là những bức vẽ nhỏ, không mạnh về giá trị tác phẩm. Theo tôi, quan điểm này được nhìn nhận, đúc kết từ thực tế phát triển của lịch sử màu nước Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, vẫn rất ít họa sĩ dùng màu nước trên giấy để làm sáng tác chính, chỉ mặc định vật liệu này như một công cụ bổ trợ cho việc nghiên cứu (ký hoạ). Ngay trong các trường đào tạo mỹ thuật, cũng không có khoa màu nước. Để thay đổi được suy nghĩ này và để màu nước nằm đúng vị trí của nó trong dòng phát triển chung của hội họa, tôi nghĩ mình phải thay đổi từ chính các tác phẩm của mình.
Từ việc lựa chọn phong cách vẽ và đẩy tới cùng sự hoàn thiện trong chất liệu đã giúp các bức tranh màu nước tiếp cận được hiệu quả biểu đạt hoàn thiện, không khác gì những vật liệu khác. Chỉ như vậy thì màu nước hoặc bất kỳ vật liệu nào khác cũng không còn là vấn đề nữa, mà việc truyền tải được hiệu quả thị giác và những tư tưởng, ý đồ của mình thông qua các tác phẩm mới quan trọng”.