Họa sĩ Tào Tuấn Linh tốt nghiệp Khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng vào năm 2005. Sau đó, anh tiếp tục theo học ngành thiết kế hình ảnh tại New Zealand. Họa sĩ Tào Tuấn Linh từng giảng dạy mỹ thuật công nghiệp ở Trường Đại học Hòa Bình và FPT Arena. Từ năm 2023 đến nay, họa sĩ Tào Tuấn Linh chuyên tâm vẽ tranh.
Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “The mute” (im lặng) của họa sĩ Tào Tuấn Linh diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 24/11 tại Annam Gallery, TP.HCM. 27 tác phẩm sơn mài là sự nỗ lực của họa sĩ Tào Tuấn Linh nhằm phơi bày những khoảnh khắc mà nơi ấy tiếng nói của sự câm lặng mạnh mẽ hơn hết thảy mọi ngôn từ và bản chất của cuộc đấu tranh hiện sinh được tiếp diễn rõ ràng.
Triển lãm “The mute” dẫn dắt người xem qua hành trình khám phá chiều sâu của sự tĩnh mịch còn lại sau khi tất cả những thanh âm, cả ngọt ngào êm đềm lẫn ồn ào man dại, đã tắt lịm. Một khoảng vô ngôn, một sự câm tuyệt đối của cả con người và thế giới, và bên trong khoảng câm đó, những tiếng gào thét mới thực sự bắt đầu. Trong mỗi tác phẩm của họa sĩ Tào Tuấn Linh, các hình hài méo mó, các gam màu đối lập đều là biểu tượng cho cuộc giằng xé nội tâm tai quái không ngừng nghỉ mà con người phải trải qua khi đối mặt với những xô bồ chộn rộn của dòng đời xuôi ngược.
Sơn mài vốn là chất liệu truyền thống của nền mỹ thuật Việt Nam, nên tranh sơn mài đòi hỏi mỗi thế hệ họa sĩ phải liên tục sáng tạo để có được ngôn ngữ riêng. Bằng sự hiểu biết của một người có thời gian nghiên cứu và giảng dạy mỹ thuật, họa sĩ Tào Tuấn Linh rất tỉ mỉ với từng chi tiết sơn mài.
Đa phần các tác phẩm sơn mài trong triển lãm “The Mute” được họa sĩ Tào Tuấn Linh sáng tác theo trường phái biểu hiện. Trong cảm quan của họa sĩ Tào Tuấn Linh, chủ nghĩa biểu hiện chính là việc “phá vỡ” và “tái cấu trúc” thực tại để phản ánh những khoảnh khắc, những cảm xúc ngỡ chỉ thoáng qua nhưng lại dai dẳng, ám ảnh. Ngôn ngữ của sơn mài, với tính ngẫu hứng và khó chi phối, dường như tương đồng với sự biểu hiện này. Đồng thời, sơn mài cũng thử thách người nghệ sĩ, bởi chất liệu đặc thù này đòi hỏi nhiều thời gian, sự nhẫn nại và bền bỉ để hiểu, để nắm bắt và khám phá các cách thể hiện mới, để vượt qua khuôn thước của sơn mài truyền thống.
Quá trình sáng tác của họa sĩ Tào Tuấn Linh không chỉ còn là việc hoàn thiện từng tác phẩm, mà còn là quá trình mở rộng biên độ thẩm mỹ, tìm kiếm tiếng nói riêng của chính mình trong thế giới ngôn ngữ sơn mài chung. Đồng thời, họa sĩ Tào Tuấn Linh cố gắng đi đến tận cùng của sự tự do trong biểu đạt nghệ thuật. “The mute” không hề im lặng mà cất lên những thanh âm mới mẻ và mang dấu vết thân phận trong nhịp sống bộn bề.
Với triển lãm đầu tiên được nhiều đồng nghiệp chờ đợi, họa sĩ Tào Tuấn Linh chia sẻ: “Trong thế giới nghệ thuật của tôi, hội họa biểu hiện là nỗ lực nắm bắt và lưu giữ những khoảnh khắc và cảm xúc nhất thời. Ngôn ngữ của sơn mài, với tính ngẫu hứng và khó chi phối, dường như tương đồng với sự biểu hiện mà tôi muốn biểu đạt. Đồng thời, sơn mài thử thách người sáng tác bởi quá trình làm tranh đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và học hỏi không ngừng. Tất cả những điều đó đã thúc đẩy tôi thử nghiệm với chất liệu này”.