Tranh sơn mài vẫn là một dòng chảy sáng tạo đáng chú ý, nên Hội Mỹ thuật TP.HCM thành lập Câu lạc bộ Sơn mài truyền thống và đăng cai triển lãm tranh sơn mài hàng năm. Với 85 họa sĩ tham gia (riêng họa sĩ Nguyễn Hoài Hương có hai tác phẩm) thì cuộc triển lãm “Sơn mài 2024” cho thấy giới mỹ thuật ở đô thị phương Nam rất xem trọng tranh sơn mài.
“Sơn mài 2024” khá phong phú về đề tài, nhưng nổi bật nhất là những tác phẩm miêu tả sự bình yên và thơ mộng của làng quê đang hiện hữu hoặc làng quê trong ký ức. Vì vậy, “Sơn mài 2024” đem lại cho công chúng một thế giới sự tĩnh lặng dịu mát giữa nhịp sống hối hả đua chen.
Có thể nói, tranh sơn mài được phát triển từ sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam. Kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ và tranh sơn mài Việt Nam. Chúng ta có hội họa sơn mài là nhờ truyền thống nghề sơn của cha ông để lại. Trong đời sống văn hóa Việt, tình yêu sơn ta khi âm ỉ, lúc tỏa sáng, thăng hoa nhưng thời nào cũng được người dân Việt Nam say mê, gìn giữ.
Danh họa Tô Ngọc Vân từng khái quát, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, sơn ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng sơn ta, đổi tên nhũn nhặn là sơn mài.
Hiện nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến. Do sơn ta có hạn chế là dễ gây tác động phụ cho người sử dụng (bị “sơn ăn”). Ngoài ra, khi dùng sơn ta, tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Khi thời tiết có độ ẩm cao thì sơn càng nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo (độ ẩm thấp) thì sơn rất lâu khô.
Các họa sĩ yêu thích tranh sơn mài cho rằng, một bức sơn ta cũng mất cả tháng mới hoàn thiện được, tùy vào kỹ thuật và độ dày lớp lang của sơn. Sơn ta khô cần có độ ẩm trong không khí cao vì vậy chỉ vẽ được vào từng mùa. Hanh khô là sơn bị cháy mặt, bên trên đen lại se mặt nhưng dưới vẫn bùng nhùng.
Trong khi đó, sơn công nghiệp khô nhờ thoáng gió nên về tính vật lý sẽ nhanh hơn sơn ta. Tuy nhiên cũng còn tùy vào kỹ thuật của họa sĩ. Vẽ lớp lang, nhiều lớp vẫn mất nhiều thời gian như sơn ta. Tuy vậy, với các kỹ thuật mới, nếu dùng trong sơn công nghiệp lại có phần đáp ứng được yêu cầu thể hiện tốt hơn sơn ta.
Do vậy, sơn ta ít được sử dụng dần. Khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh. Nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay có độ ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng.
Ưu điểm của tranh sơn mài dùng chất liệu sơn ta là sự công phu trong quá trình làm tranh và tạo độ sâu hơn cho mỗi tác phẩm.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Thị Hằng, sơn mài Việt Nam vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt. Nhiều họa sĩ trẻ vẫn đam mê theo đuổi sơn mài- công việc nặng nhọc, đòi hỏi sự bền bỉ nhưng có khả năng tạo hứng thú say mê cho họ. Tính chất “mở” trong ứng dụng các kỹ thuật vẽ sơn mài lôi cuốn những họa sĩ ưa khám phá.
Mỗi người nghệ sĩ khi đến với sơn mài, với tạng chất, cá tính riêng biệt lại có những thủ pháp kỹ thuật khác nhau, tạo ra những phong cách cá nhân đậm nét. Ngày nay, bảng màu sơn mài đã có tới hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của họa sĩ. Những màu sắc mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống tạo ra nét tươi mới cho nghệ thuật sơn mài.
Sơn mài phù hợp với tâm hồn Á Đông, vốn mạnh về diễn đạt đời sống bên trong con người nghệ sĩ. Từ những sự hỗn độn của thế giới hỗn mang tới vẻ đẹp tĩnh lặng đậm chất thiền đều có thể được biểu đạt bằng chất liệu đặc biệt này. Không còn những giới hạn về chất liệu, con đường của sơn mài còn rộng, còn dài, là miền đất màu mỡ nhưng cũng đầy thử thách cho những ai quyết tâm chinh phục.