| Hotline: 0983.970.780

Hoa tớ dày bung sắc, hút du khách giữa mùa đông giá lạnh

Chủ Nhật 31/12/2023 , 08:18 (GMT+7)

YÊN BÁI Hoa tớ dày uống sương, ngậm gió của những ngày mùa đông vùng cao rét buốt để rồi bừng lên khoe sắc đỏ hồng rực rỡ trên các dãy núi, dọc con đường vào bản.

Hoa tớ dày bung sắc hồng thắm giữa những ngày đông giá rét ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Hoa tớ dày bung sắc hồng thắm giữa những ngày đông giá rét ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời tiết càng lạnh giá, hoa càng bung sắc thắm

Khi các đỉnh núi cao ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) xuất hiện băng giá cũng là lúc những cánh rừng, dãy núi ở huyện vùng cao này được nhuộm kín sắc hồng của hoa tớ dày. Đến với vùng rẻo cao này vào những ngày cuối tháng 12 và dịp Tết Dương lịch năm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải dài cao vút đến lưng trời. Đặc biệt du khách còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp thuần khiết của một loài hoa rừng mang tên Tớ dày phủ ngập tràn các triền núi.

Chúng tôi leo núi ngắm hoa cùng anh Giàng A Lù (phóng viên của Đài huyện), một người đã gắn bó hơn 40 năm với mảnh đất Mù Cang Chải, am hiểu từng ngóc ngách địa bàn và văn hóa đồng bào Mông. Chiếc xe máy của anh Lù đưa chúng tôi vượt con đường dốc chừng hơn 2 cây số, cả đoạn đường dốc đứng, được đổ bê tông rộng hơn 1m, lên đỉnh Trống Páo Sang thuộc xã La Pán Tẩn chiêm ngưỡng những vạt rừng cây tớ dày đang nở hoa.

Từ trên đỉnh núi có thể chiêm ngưỡng cả cánh rừng phủ đầy sắc hồng của hoa tớ dày. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ trên đỉnh núi có thể chiêm ngưỡng cả cánh rừng phủ đầy sắc hồng của hoa tớ dày. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo anh Lù, tớ dày là loài hoa thân gỗ, người Mông gọi “Pằng tớ dày” có nghĩa “hoa đào rừng”, đây là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông nơi đây, và đang dần trở thành một sản phẩm du lịch mới. Hai năm gần đây, huyện đã tổ chức lễ hội Hoa Tớ dày để tôn vinh, quảng bà loài hoa này với mục đích thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải trong dịp Tết Dương lịch hàng năm.

Trong thời tiết giá rét khắc nghiệt những ngày giữa mùa đông vùng rẻo cao, từng cánh rừng cây tớ dày bung nở như nhuộm hồng núi đồi Mù Cang Chải. Từ đỉnh núi nhìn xuống, thấp thoáng bên những mái nhà trên sườn núi của đồng bào Mông và dọc theo những con đường mòn quanh các bản Nả Dề Thàng, Tà Chí Lừ, Trống Tông... là một không gian đỏ hồng sắc hoa.

Bông hoa tớ dày có 5 cánh, giống như những chiếc chuông nhỏ rung rinh theo gió. Ảnh: Thanh Tiến.

Bông hoa tớ dày có 5 cánh, giống như những chiếc chuông nhỏ rung rinh theo gió. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi bông hoa như những chiếc chuông nhỏ, nở xen kẽ nhau thành chùm xinh xắn rung rinh theo gió. Hoa tớ dày cánh mỏng manh, có nhụy dài đỏ mang một màu hồng phớt hoặc hồng thẫm. Khi mặt trời lên cao ánh nắng soi rọi khắp không gian, khiến những bông hoa có màu đậm và thắm sắc hơn. Giữa gió núi mây ngàn, những chùm hoa rực rỡ như vẫy gọi mùa xuân về với bản làng, làm tăng thêm vẻ đẹp cho miền danh thắng ruộng bậc thang.

Ông Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, hoa Tớ dày được coi như khí chất của người Mông, mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.000 đến 1.600m so với mực nước biển. Loài cây này không mọc dưới tán cây khác, thân cây khá lớn, có những cây cổ thụ cao 20 - 30m, tán vươn rộng, mọc rải rác khắp sườn núi. Thân cây có thể làm vật liệu thiết yếu cho người dân, vỏ cây dày và dai, được người dân bản sử dụng làm đai cuốn của chiếc khèn Mông.

Hoa tớ dày đại diện cho khí chất của người Mông. Ảnh: Thanh Tiến.

Hoa tớ dày đại diện cho khí chất của người Mông. Ảnh: Thanh Tiến.

Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính những cư dân nơi đây. Uống sương, ngậm gió của những ngày mùa đông vùng cao rét buốt để rồi bừng lên khoe sắc đỏ hồng rực rỡ trên nương đồi, trên sườn non, dọc con đường vào bản và ngay bên hiên nhà. Đồng bào Mông bản địa coi đây là biểu tượng báo hiệu cho một mùa vụ mới. Khi hoa nở như xua tan những nặng nề, mệt nhọc của năm cũ để chào đón năm mới với những điều tốt đẹp và may mắn hơn lan tỏa đến từng nhà, từng người.

Hoa tớ dày thu hút khách du lịch

Là một trong những hộ dân sinh sống ở giữa đỉnh núi ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn nơi được coi là thủ phủ của loài hoa Tớ dày. Cứ mỗi mùa hoa nở có rất nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh. Để cho du khách có chỗ ngồi ngắm hoa và "check-in", gia đình bà Giàng Thị Dở đã tu sửa, xây dựng lại nhà cửa khang trang, trồng hoa tam giác mạch, tô tạo các điểm chụp ảnh ngay tại nhà và cạnh những cây hoa đào rừng cho du khách chụp ảnh vẻ đẹp của loài hoa này.

Mỗi mùa hoa đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan chụp ảnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi mùa hoa đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan chụp ảnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Giàng Thị Dở ở bản Trống Páo Sang xã La Pán Tẩn chia sẻ, hoa tớ dày nở đỏ rực quanh nhà mỗi dịp xuân đến, đây cũng là mùa đôi lứa tìm hiểu, yêu nhau, là lúc trai gái trong bản thay váy áo mới, vui xuân. Nhìn thấy hoa tớ dày nở, các gia đình người Mông dù làm việc gì ở đâu cũng trở về nhà để đón Tết, sum vầy bên nhau, cùng sẻ chia những thành công và khó khăn trong năm cũ. Đồng thời mong ước cho một năm mới mạnh khỏe, thành công, được mùa. Những năm gần đây, để phục vụ khách du lịch, gia đình đã chỉnh trang lại nhà cửa sạch sẽ, mở thêm dịch vụ bán hàng, tạo điểm dừng chân cho du khách thưởng ngoạn.

Những ai đã một lần đặt chân đến Mù Cang Chải, đặc biệt vào thời điểm giữa mùa hoa bung sắc hồng trong một không gian rộng lớn chắc hẳn sẽ có được khoảnh khắc tuyệt diệu không thể nào quên. Giữa giá rét, sắc hoa như xua tan đi cái mệt nhọc của một năm lao động vất vả, hoa nở cũng báo hiệu những điều tốt đẹp lan tỏa đến từng nhà, từng người.

Chị Nguyễn Thu Trang - du khách đến từ thành phố Yên Bái vui vẻ cho biết, vài năm gần đây năm nào chị cũng dành thời gian đến Mù Cang Chải vào dịp mùa hoa tớ dày nở. Giữa thời tiết rét buốt, được ngắm và chụp ảnh bên những chùm hoa rực rỡ, mọi căng thẳng, mệt mỏi trong năm cũ như được xua tan. Đây cũng là lúc để thư giãn, tiếp thêm năng lượng cho một năm mới với những dự định mới.

Chị Nguyễn Thu Trang - khách du lịch chụp ảnh bên rặng hoa tớ dày. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Nguyễn Thu Trang - khách du lịch chụp ảnh bên rặng hoa tớ dày. Ảnh: Thanh Tiến.

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Lê Trọng Khang cho biết, thấy được lợi thế cây tớ dày sinh trưởng tốt ở vùng đất này, là cây đặc trưng của vùng đất du lịch, từ năm 2020 huyện đã phát động mỗi gia đình, cán bộ, công chức trồng, chăm sóc ít nhất 5 cây tớ dày. Mỗi xã, trường học trồng 500 cây tớ dày trở lên, dọc hành lang tuyến quốc lộ 32 qua thị trấn huyện đã được trồng kín loài hoa này cùng hoa đào phai.

Tại các địa điểm cắm mốc Di sản quốc gia “Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” đều được trồng hoa tớ dày, nhất là các xã Khao Mang, Mồ Dề, Lao Chải, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình...  Bên cạnh đó, huyện đã làm tốt việc chỉ dẫn địa lý, tổ chức các đội xe ôm, bãi tham quan, để du khách thuận tiện đến các cánh rừng có hoa để thưởng lãm. Khi gắn kết tốt du lịch với bản sắc văn hóa, Mù Cang Chải không những sẽ thu hút được khách du lịch đến huyện quanh năm, không phụ thuộc vào mùa lúa như trước đây mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.