| Hotline: 0983.970.780

Mù Cang Chải những mùa hoa trong sương giá

Thứ Năm 07/12/2023 , 08:57 (GMT+7)

Mù Cang Chải hôm nay vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng khát vọng, ý chí của con người đang thay đổi vùng cao từng ngày và từng giờ.

Hoa tớ dày trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Hoa tớ dày trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Tôi lên Mù Cang Chải khi mùa hoa tớ dày bắt đầu chớm nở, kiêu hãnh khoe sắc thắm giữa núi đồi vùng cao. Người Mông ở Mù Cang Chải gọi loài hoa ấy là “pằng tớ dày”, nghĩa là hoa đào rừng. Tự ngàn đời nay, cùng với ruộng bậc thang, hoa tớ dày là niềm tự hào rất lớn của một đồng bào yêu thiên nhiên và lễ hội.

Theo kinh nghiệm của người Mông, loài hoa ấy thường bắt đầu nở rộ vào giữa tháng 12 dương lịch và dâng hiến những gì đẹp đẽ nhất cho núi rừng cho đến hết tháng 1 năm sau. Năm nào tiết trời càng khắc nghiệt thì sắc hoa tớ dày lại càng thắm, giống như bản lĩnh, ý chí của người đồng bào không bao giờ chịu khuất phục trước thử thách của thiên nhiên vậy.

Mùa Đông năm nay, sắc hoa tớ dày dường như thắm hơn sau những tháng ngày Mù Cang Chải chìm trong mưa lũ. Chính quyền cùng đồng bào đang tất bật chuẩn bị cho Festival khèn Mông và đón quyết định công nhận nghệ thuật khèn Mông, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một sự kiện lớn, đã đành, nhưng nói theo cách Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên, đây còn là cột mốc đánh dấu một Mù Cang Chải đã khác nhiều so với trước. Mù Cang Chải không phải SaPa, Tam Đảo hay Đà Lạt, dù điều kiện tự nhiên có nhiều nét tương đồng. Mù Cang Chải bản sắc, an toàn và thân thiện.

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và Ngày cuối tuần cùng dân ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và Ngày cuối tuần cùng dân ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

1.

Sùng Thành Công, Chủ tịch xã trẻ tuổi, hết dẫn tôi đi đến hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm truyền thống lại sang bên mấy tổ hợp tác rèn đúc nông cục của Chế Cu Nha. Vừa khó nhọc vật lộn trên con đường vắt vẻo như sợi chỉ trên sườn núi, Công vừa chia sẻ: Có đường đi được xe máy như thế này đã là một cuộc cách mạng với Chế Cu Nha rồi anh ạ. Mấy năm trước, đường vào bản toàn phải lội bộ hết. Cũng chẳng có hợp tác xã, tổ hợp tác hay homestay, du lịch gì cả đâu. Vậy mà bây giờ Chế Cu Nha đang là điểm sáng phát triển hạ tầng giao thông và hợp tác xã, tất cả đều nhờ “Ngày cuối tuần cùng dân”.

Công cũng là người Mông nhưng quê ở trong xã Chế Tạo, nơi xa xôi nhất của Mù Cang Chải. Trước khi tăng cường về Chế Cu Nha, anh là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mù Cang Chải. Tuổi trẻ, mới chỉ mới ngoài ba mươi, lại có sức vóc, văn hóa của người đồng bào, Công được chỉ định về làm Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha vào đúng thời điểm Mù Cang Chải làm cuộc cách mạng mà ông Bí thư Huyện ủy gọi là xóa “cán bộ hai sáu”.

Ông Nông Việt Yên kể: Tháng 6 năm 2019, tôi được phân công công tác lên làm Bí thư Mù Cang Chải. Vào những dịp cuối tuần thấy anh em cán bộ tăng cường thì về nhà, anh em ở tại huyện không đi chơi với gia đình thì cũng tụ tập nhau uống rượu. Tuần nào như tuần nấy, nên mới nghĩ, Mù Cang Chải còn nghèo thế này, đời sống đồng bào còn quá nhiều khó khăn, địa hình lại xa xôi cách trở mà cán bộ cứ “hai sáu”, tức là thứ Hai đến thứ Sáu về thì chết dở. Không biết đến bao giờ Mù Cang Chải mới thoát khỏi nhóm những huyện nghèo nhất cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm mô hình nông nghiệp ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm mô hình nông nghiệp ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Suy nghĩ mãi rồi bàn bạc với anh em, bây giờ điều kiện của huyện còn nghèo như thế này, từ trung tâm huyện đi đến các xã, các bản nhiều khi mất cả ngày đường, nếu mình không tranh thủ thời gian, không xuống với dân thì khối lượng công việc cả tuần cộng lại có khi không bằng một ngày ở dưới đồng bằng. Thành thử Huyện ủy mới phát động chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân”, Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận động mỗi cán bộ đảng viên mỗi tháng ít nhất có từ 2 ngày xuống với dân, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào, vừa tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chung tay phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

“Mới đầu, cũng có nhiều ý kiến nghi ngại. Tại sao lại là Mù Cang Chải, huyện nghèo nhất của Yên Bái? Liệu có làm được không hay chỉ hô hào theo kiểu phong trào, dăm bữa nửa tháng rồi thôi? Vừa chỉ đạo vừa động viên anh em, rằng phải làm, nếu không làm làm sao biết có làm được hay không?”, Bí thư Mù Cang Chải nhớ lại những ngày đầu.

Từ quyết tâm chính trị, một công cuộc chuyển mình, thay đổi lớn trên vùng cao, đúng với tinh thần của ông Bí thư Huyện ủy đã quán triệt: Nếu nhận thức người dân không thay đổi thì các anh có xây biệt thự cho đồng bào cũng không giải quyết được vấn đề gì. Muốn người dân thay đổi thì trước hết cán bộ phải tự thay đổi mình đi đã. Trên tinh thần ấy, hằng tuần, hằng tháng, cán bộ các cơ quan Mù Cang Chải đều xuống xã, xuống bản. Cùng với đó là các phong trào “Làm hết việc chứ không chờ hết giờ”, “Mỗi ngày làm thêm một giờ, mỗi tuần làm thêm một ngày”… Những mô hình được triển khai đồng bộ đã tổng hợp sức người, sức của của toàn dân Mù Cang Chải.

Tháng Sáu năm nay, khi tổng kết 3 năm thực hiện “Ngày cuối tuần cùng dân” đã thống kê được 4.600 lượt cán bộ chủ chốt của huyện, hơn 17.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trên 50.000 lượt người dân tham gia phát động lời kêu gọi của ông Bí thư Huyện ủy.

“Hơn 90% dân số của Mù Cang Chải là người Mông. Tập quán của đồng bào rất khó thay đổi, nếu không thấy hiệu quả rõ ràng thì mình có vận động mấy dân cũng không theo. Nên cứ phải cầm tay chỉ việc, phải cùng ăn cùng ở, cùng làm. Nhưng ngay từ đầu, cả lãnh đạo tỉnh và huyện đã quán triệt: Cán bộ xuống với dân phải chủ động mang theo lương thực, thực phẩm. Lỡ có quá bữa hay người dân mời cơm thì cũng tìm cách từ chối cho khéo. Chứ giúp dân được vài việc mà ăn uống linh đình thì cũng hỏng”, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải nửa thật nửa đùa.

Nhờ cùng ăn, cùng ở, cùng làm giữa cán bộ và nhân dân, trong 3 năm, Mù Cang Chải đã làm mới, tu sửa, đổ bê tông được hơn 150km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ hơn 2.110 tấn xi măng. Xây dựng gần 100 căn nhà cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn. 30km đường điện thắp sáng, 77 mô hình tuyến đường tự quản, trồng trên 15.000 cây xanh, chủ yếu là hoa tớ dày. Cán bộ, nhân dân Mù Cang Chải còn chung tay xây dựng được 80km đường hoa, tổ chức hơn 1.400 buổi tổng vệ sinh môi trường, xây dựng hơn 1.700 công trình nhà vệ sinh, khai hoang được hơn 150ha ruộng bậc thang, danh thắng của Mù Cang Chải…

Khai hoang ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Khai hoang ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Cũng nhờ những buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa cán bộ và nhân dân vào những dịp cuối tuần mà lần đầu tiên Mù Cang Chải thành lập được 15 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã, 247 tổ hợp tác, 7 sản phẩm của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Từ huyện đến xã, đến bản. Từ các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn đến trường học. Những phong trào hưởng ứng ngày cuối tuần cùng dân ngày càng thêm phong phú. Phong trào “Cùng em đến trường”, “Ngày thứ bảy vì môi trường”, “Gia đình nói tiếng Việt”, “Vì sự tiến bộ của học sinh”… cứ dần lan tỏa trên khắp vùng cao. Vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào. Bí thư Huyện ủy khoe: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhiều lần lên Mù Cang Chải tham gia trồng cây, làm đường. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn và nhiều lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh cũng đều đặn lên Mù Cang Chải tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân”.

“Sau hơn 3 năm triển khai, nhận thấy mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ở Mù Cang Chải thực sự hiệu quả, từ năm 2021, Yên Bái đã có kế hoạch nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh”, Bí thư Nông Việt Yên hồ hởi.

2.

Trở lại với Chế Cu Nha của Chủ tịch xã trẻ tuổi Sùng Thành Công. Đời sống đồng bào người Mông ở trong lòng Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Di tích Quốc gia đặc biệt vẫn còn nhiều gian khó. Chế Cu Nha có 671 hộ dân, 3.700 nhân khẩu nhưng chỉ vỏn vẹn 195ha ruộng bậc thang, đa phần trong số đó canh tác được một vụ nên hơn 61% hộ dân vẫn thuộc diện hộ nghèo. Nhưng từ mấy năm trở lại đây, nhờ thay đổi tư duy, nhờ biết cách thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, kết hợp sản xuất với giữ gìn bản sắc, phát triển du lịch, bộ mặt đời sống nông thôn ở Chế Cu Nha đã có nhiều cải thiện.

“Vào những ngày cuối tuần, cán bộ huyện đều xuống cùng với nhân dân làm đường, trồng cây, phổ biến kinh nghiệm làm du lịch. Vận động người dân thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm, tổ hợp tác đúc rèn nông cụ... Huyện Mù Cang Chải còn có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã rồi vận động dân bản góp công gùi cát sỏi dưới suối Nậm Kim lên làm đường. Nhờ những con đường “cán bộ và nhân dân cùng làm” mà các bản xa xôi, cách trở trước đây được nối với với trung tâm xã”, Sùng Thành Công chia sẻ.

Hợp tác xã thổ cẩm truyền thống ở Chế Cu Nha. Ảnh: Hoàng Anh.

Hợp tác xã thổ cẩm truyền thống ở Chế Cu Nha. Ảnh: Hoàng Anh.

Chế Cu Nha hôm nay đã có Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, tập hợp những phụ nữ người Mông trong xã khôi phục nghề dệt, nghề vẽ hoa văn trên sáp ong bán cho khách du lịch. Có tổ hợp tác đúc rèn nông cụ không những để sản xuất mà còn đem vào các cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm. Có những mô hình homestay phục vụ du khách ngắm ruộng bậc thang và du lịch trải nghiệm… Bản Dề Thàng trở thành làng nghề dệt thổ cẩm được UBND tỉnh Yên Bái công nhận, có tổ hợp tác phát triển khèn Mông, tổ nấu rượu thóc truyền thống, tổ vẽ sáp ong...

Bà Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống ở Chế Cu Nha phấn khởi khoe: Phụ nữ người Mông Chế Cu Nha hôm nay không những biết thêu thùa, dệt sợi mà còn biết lên Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, bán hàng thủ công truyền thống của đồng bào rồi đấy.

Sùng Thành Công lại dẫn tôi ra ngọn đồi có những mảnh ruộng bậc thang vừa mới khai hoang của xã. Đó lại là thành quả của “cán bộ và nhân dân cùng làm”. Công nói, huyện có nghị quyết vận động, cùng với mức hỗ trợ từ 10 - 15 triệu đồng/ha để các xã khai hoang, mở rộng diện tích ruộng bậc thang cho bà con có thêm tư liệu sản xuất. Nhưng điều kiện tự nhiên ở Chế Cu Nha khó khăn nhất là nước. Bà con cố lắm nhưng phụ thuộc hết vào nước trời nên thêm được một mét ruộng không phải dễ gì.

“Có những hôm, Bí thư Huyện ủy dẫn cả đoàn chục người trên huyện xuống cùng với bà con leo đồi tìm đất làm ruộng. Leo mãi, leo suốt một ngày mà không tìm thêm được chỗ đất phù hợp để mở rộng diện tích. Mệt lả vì đói, khát. Nhiều người muốn bỏ về nhưng thấy Bí thư Huyện ủy xách dao đứng dậy nên lại tiếp tục đi. Cũng nhờ đó mà mở thêm được 20m2 ruộng này đấy”, Chủ tịch xã Chế Cu Nha hồ hởi khoe.

Người Mông trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Người Mông trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Lại nhớ Thào A Sơ, cán bộ văn hóa xã Mồ Dề. Một lần chở tôi đi vào bản Sáng Nhù tìm nghệ nhân khèn Mông Thào Cáng Súa. Dọc đường đi cứ chỉ trỏ nói kia là “đường ông Yên”, đây là “ruộng Bí thư Huyện ủy”,… lúc đấy nghe cũng ngờ ngợ, nay mới rõ. Cả bên La Pán Tẩn, Dế Su Phình, Lao Chải… những mô hình hợp tác xã du lịch, hợp tác xã nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đang đánh thức bản sắc văn hóa, sản vật địa phương, vì mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân đang được triển khai đồng bộ. Giàng A Dê ở La Pán Tẩn, Lý A Dờ ở Hợp tác xã đồi Mâm Xôi, Giàng A Chinh ở võng lúa Móng Ngựa…, những ngọn gió tươi trẻ, mát lành nhưng cũng đầy nhiệt huyết đang mải miết thổi trên vùng cao, thay đổi tư duy, bộ mặt của Mù Cang Chải.

3.

Có người ví von Mù Cang Chải hôm nay giống như một bức tranh đa sắc. Bức tranh đa sắc của những mùa hoa. Hoa sơn tra vào mùa xuân. Sắc lúa nhuộm kín nương đồi trên những thửa ruộng bậc thang dịp mùa vàng. Hoa tớ dày đỏ rực một mùa đông bất chấp sương giá. Và nếu ở lại lâu hơn với Mù Cang Chải một chút có thể dễ dàng cảm nhận bản sắc văn hóa, khát vọng vươn lên, ý chí của con người và vùng đất nơi đây cũng chính là một mùa hoa vậy.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thào A Chú ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải sau mùa mưa lũ. Cơn lũ quét hồi tháng Tám đã cuốn trôi hầu hết những gì gia đình Chú có, gần như chỉ còn giữ lại được mỗi người. Sau lũ, cả 7 thành viên trong gia đình phải ở nhờ nhà hàng xóm, không biết phải bắt đầu lại cuộc sống như thế nào. Nhờ sự đùm bọc của dân bản, chính quyền, bây giờ Thào A Chú đã dựng lại được căn nhà mới, trên nền đất tái định cư huyện cấp. Vẻ lạc quan, đầy sức sống lại hiện hữu trên nụ cười của vợ chồng, con cái.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên. Ảnh: Thanh Tiến. 

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên. Ảnh: Thanh Tiến. 

Hôm đến mừng Thào A Chú có nhà mới, ông Nông Việt Yên bộc bạch: Với người đồng bào vùng cao mình muốn hỗ trợ cũng phải có phương pháp đặc biệt, không phải cứ hỗ trợ tiền là xong. Thậm chí còn phải cử cán bộ cùng người dân đi mua sắm vật liệu, đi tìm đất dựng nhà và am hiểu phong tục tập quán của họ. Đồng bào còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhưng một khi họ đã tin tưởng chính quyền, tin tưởng cán bộ thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Mấy năm nay, nhờ những hoạt động gần gũi giữa chính quyền và người dân mà đồng bào thay vì ăn tết cả tháng trời như trước đã thay đổi để dành thời gian sản xuất, xuống giống kịp thời vụ, vừa tiết kiệm vừa phát triển kinh tế nâng cao đời sống đấy.

Lẽ tất nhiên, Mù Cang Chải hôm nay vẫn còn là một huyện nghèo. Không nghèo sao được khi diện tích tự nhiên của cả huyện có hơn 1.200km2 nhưng cũng chỉ có khoảng 13.800ha đất sản xuất nông nghiệp, gánh vác sứ mệnh nuôi sống hơn 64.000 dân. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng tốc độ phát triển của huyện vùng cao này trong vòng 4-5 năm trở lại đây bằng khoảng mấy chục năm trước cộng lại.

Bí thư Huyện ủy Nông Việt yên nói, đó là nhờ cả cán bộ, chính quyền và nhân dân Mù Cang Chải biết cách thay đổi, có quy hoạch và chiến lược phát triển rõ ràng, vì mục tiêu đến năm 2025 cơ bản thoát khỏi huyện nghèo, 2030 sẽ không còn nghèo nữa.

'Ngày cuối tuần cùng dân' đã trở thành hoạt động thiết thực ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến. 

"Ngày cuối tuần cùng dân" đã trở thành hoạt động thiết thực ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến. 

“Mỗi tuần, cán bộ ở Mù Cang Chải đều phải lên kế hoạch xuống với dân như thế nào để gắn với chương trình, quyết tâm hành động cụ thể. Tuần này vận động nhân dân vệ sinh môi trường, tuần sau vận động khai hoang, tuần sau nữa vận động làm du lịch… Địa bàn vùng cao quá nhiều khó khăn, nếu không có kế hoạch, mục tiêu cụ thể thì không thể làm được gì. Cũng may sau 3 năm thực hiện, “Ngày cuối tuần cùng dân” bây giờ đã trở thành hoạt động thiết thực ở Mù Cang Chải. Nhiều cán bộ lâu lâu không xuống với dân lại thấy nhớ, thấy thiếu”, ông Yên vừa nói vừa cười.

Và dù vẫn còn nghèo, còn khó khăn, nhưng sau những hoạt động như “Ngày cuối tuần cùng dân”, Mù Cang Chải hôm nay đang xây dựng để trở thành vùng đất bản sắc, an toàn và thân thiện. Quy hoạch huyện vùng cao này đã xác định du lịch là hướng đi mũi nhọn, nông nghiệp là nền tảng. Triết lý phát triển Mù Cang Chải sẽ dựa trên 3 yếu tố để thoát nghèo gồm: Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc.

Mùa lễ hội trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến. 

Mùa lễ hội trên Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến. 

Những chuyên gia tư vấn đến từ Pháp đã hỗ trợ quy hoạch Mù Cang Chải thành 5 tiểu vùng rõ rệt. Tiểu vùng 1 là khu trung tâm dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch; Tiểu vùng 2 là vùng kinh tế năng lượng, dược liệu, thủy sản, nghỉ dưỡng hồ; Tiểu vùng 3 là vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu và dự trữ sinh quyển, rừng; Tiểu vùng 4 là vùng trọng điểm phát triển du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng tự nhiên và Tiểu vùng 5 là vùng kinh tế nông lâm nghiệp đặc trưng của địa phương.

“Rút ra được những bài học từ SaPa, Tam Đảo, khi sự xâm lấn của con người đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, Mù Cang Chải chắc chắn sẽ là một vùng đất khác. An toàn, thân thiện với môi trường, phát triển hài hòa giữa kinh tế với gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc bản địa. Một vùng đất bản sắc, an toàn, thân thiện với tất cả mọi người”, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định.

"Khát vọng lớn nhất của ông với Mù Cang Chải là gì?", tôi hỏi. “Thoát nghèo và trở thành vùng đất đáng sống. Một xứ sở hạnh phúc thực sự, nhất là đối với đồng bào dân tộc ở đây”, Bí thư Mù Cang Chải thể hiện quyết tâm.

Chúng tôi rời Mù Cang Chải khi ngoài kia đất trời đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội. Festival khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào, Hội thi múa Khèn, Lễ hội giã bánh giày, Chợ phiên, Lễ hội hoa tớ dày… Đâu đó những chàng trai, cô gái người Mông đang gác lại công việc thường ngày để chuẩn bị những bộ quần áo, những điệu múa, điệu khèn rực rỡ nhất cho ngày hội vùng cao.

Sắc hoa tớ dày đang dần đỏ thắm. Nụ cười thân thiện luôn thường trực trên khuôn mặt mỗi người dân Mù Cang Chải, dẫu cho cuộc sống vẫn còn lắm gian lao, nhọc nhằn.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Diễn tập cứu hộ tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản đâm nhau

THỪA THIÊN - HUẾ Theo kịch bản tình huống giả định diễn tập, tại khu neo Chân Mây xảy ra vụ đâm tàu giữa tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế.