Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) nằm trong số huyện nghèo của cả nước, là huyện vùng cao, có địa hình đồi núi dốc, đất sản xuất nông nghiệp không tập trung, ruộng nước chủ yếu là ruộng bậc thang ở các sườn đồi núi.
Phần lớn các kênh mương do người dân tự mở, không được kiên cố nên hao phí nước, dẫn đến những diện tích ruộng ở phía cuối mương thiếu nước thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Một số diện tích sau khi gieo cấy, thời tiết ít mưa lại khô hạn nên giảm năng xuất, thậm chí không được thu hoạch. Do đó, tình trạng thiếu lượng thực, phải trông chờ nguồn gạo cứu đói của Nhà nước diễn ra trong thời gian dài.
Câu tục ngữ của người xưa “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã được chứng minh rõ hơn trong câu chuyện lương thực ở Mù Cang Chải. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, nâng cấp đã cung cấp đủ nước tưới cho hàng nghìn ha lúa, trong đó có nhiều diện tích có thể gieo cấy 2 vụ, năng suất ổn định.
Tại xã La Pán Tẩn, vùng lõi của Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, trước đây tất cả diện tích chỉ sản xuất được vụ mùa dựa vào nguồn nước tưới tự nhiên. Trong giai đoạn từ 2011 – 2020, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình xây dựng NTM hàng loạt công trình thủy lợi trong xã được đầu tư nâng cấp. Đến nay, trong xã có 39 công trình, chủ động nước tưới cho hơn 200 ha lúa trong vụ mùa và hơn 60 ha vụ đông xuân.
Ông Giàng Chứ Ly ở bản Hán Xung chia sẻ, năm 2017 công trình thủy lợi Đề Chớ Chúa được đầu tư nâng cấp bằng đường ống nhựa, cung cấp đủ nước tưới cho 25 ha ruộng vụ mùa, còn vụ đông xuân do nguồn nước ít hơn nên chỉ gieo cấy được 16 ha, một số diện tích còn lại người dân trồng thêm rau màu.
“Gia đình tôi có có 7 sào ruộng, những năm trước, ruộng nhà tôi thiếu nước lắm, có năm chỉ cấy được một nửa, sau khi cấy cũng thường cạn nước nên năng suất thấp, có vụ chỉ được 3-4 tạ thóc. Từ khi Nhà nước đầu tư kiên cố toàn bộ đường ống dẫn nước nên toàn bộ diện tích đã có nước cấy 2 vụ, riêng vụ mùa năm nay gia đình tôi thu được hơn 1 tấn thóc, lương thực dư giả còn có để chăn nuôi đàn gà.” Ông Ly cho biết thêm.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng đầu tư nguồn lực thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM cho huyện vùng cao này. Hiện nay, toàn huyện có gần 700 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng chiều dài hơn 1.000km, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho hơn 4.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 1.800 ha gieo cấy 2 vụ/năm.
Ông Sùng A Chua – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, trên 80% diện tích đất nông nghiệp của huyện là ruộng bậc thang. Ngày trước cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và việc trồng lúa nương, nhưng do canh tác trên đất dốc thường xuyên bị xói mòn, rửa trôi, nhanh bạc màu, cho nên năng suất thấp. Hiện nay, các công trình thủy lợi trong huyện được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đã góp phần phát triển hạ tầng nông thôn. Địa hình có độ dốc lớn nên đa phần là các công trình có quy mô nhỏ, nhiều công trình chỉ phục vụ tưới tiêu cho 1 - 2 ha đất nông nghiệp.
Việc khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất lúa mà còn chủ động nước tưới cho cây ăn quả, rau màu và nuôi cá. Từ đó, phong trào khai hoang ruộng nước được người dân tích cực hưởng ứng. Bà con từng bước thay đổi truyền thống canh tác từ trồng lúa nương sang gieo cấy lúa nước. Nhiều diện tích lúa chỉ gieo cấy 1 vụ do phải trông chờ nguồn nước tự nhiên, nhưng nay có thể gieo cấy 2 vụ, sản lượng lương thực hàng năm tăng lên gần 50.000 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.