| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Thứ Sáu 29/11/2024 , 22:43 (GMT+7)

Lâm Đồng Đến nay, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế với chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng (ngồi giữa) thông tin, giải đáp những vấn đề đại diện các tỉnh, thành phố quan tâm. Ảnh: PC.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng (ngồi giữa) thông tin, giải đáp những vấn đề đại diện các tỉnh, thành phố quan tâm. Ảnh: PC.

Ngày 29/11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội nghị phổ biến quy định, cơ chế chính sách, sản xuất, đầu tư, thương mại sản phẩm chăn nuôi phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN-PTNT; các hội, hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi, Thú y các tỉnh, thành phố…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (theo Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ), ngành chăn nuôi đã và đang duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn như diễn biến dịch bệnh phức tạp, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị ở một số khu vực, thương mại hóa toàn cầu… nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng 5,7%; đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.

Trong 10 tháng năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức cao hơn giá thành sản xuất, thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn và đàn gia cầm của nước ta duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ 2023 (đàn lợn tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 2,6%).

“Ngành chăn nuôi nước ta không chỉ chuyển dịch từ quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn mà còn chuyển dịch theo khu vực địa lý, từ khu vực đồng bằng đến các vùng đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PC.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PC.

Với dư địa, tiềm năng thị trường, ngành chăn nuôi đã và đang thu hút được sự quan tâm đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp lớn trong nước như: Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, GreenFeed, Trường Hải, Hòa Phát... và các doanh nghiệp FDI như: CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest... tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; mang đặc thù chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã chú trọng và tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Sau khi Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua vào năm 2018, có hiệu lực vào năm 2020, các Nghị định, thông tư hướng dẫn luật đã hoàn thiện cùng với chiến lược phát triển chăn nuôi đã được ban hành vào ngày 6/10/2020.

Để có nguồn lực thực hiện chiến lược, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp các đơn vị trong bộ xây dựng và trình Chính phủ ký quyết định ban hành 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.

Đặc biệt, ngày 1/8/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, nội dung về đất chăn nuôi tập trung đã được đưa vào phân loại đất và 6 điều liên quan trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024).

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế với chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng. Nguồn lực từ 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược, từ Nghị định chính sách và tư liệu sản xuất là đất đai đã sẵn sàng là thời điểm và là cơ hội vàng để chuyển đổi ngành theo hướng phát triển bền vững hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Ngành chăn nuôi đã và đang duy trì đà tăng trưởng ổn định. Ảnh: MH.

Ngành chăn nuôi đã và đang duy trì đà tăng trưởng ổn định. Ảnh: MH.

Tại hội nghị, đại diện tổ chức IFC đã trình bày kết quả triển khai chương trình xây dựng chuỗi cơ sở an toàn dịch sinh học và kiểm soát dịch bệnh ngành chăn nuôi lợn Việt Nam hướng tới xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện IFC cho biết, trong giai đoạn 2021-2024, IFC đã hỗ trợ một số công ty tham gia chương trình hoàn thiện tài liệu mẫu sổ tay an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh, bản cập nhật lần thứ 3/2023, bổ sung yêu cầu đối với cơ sở giết mổ và SOP về kế hoạch dự phòng và điều chỉnh quy định về danh mục bệnh mục tiêu cần giám sát. Trong đó, PRRS là bệnh do các chuỗi cơ sở tự lựa chọn.

Bên cạnh đó, cung cấp tài liệu mẫu “khung hoạt động và sổ tay an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh”, thực hiện đào tạo cho các công ty, tập đoàn về khung chương trình và phương pháp xây dựng tài liệu an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh áp dụng cho chuỗi cơ sở.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng tài liệu an toàn sinh học và kiểm soát dịch đối với 6 chuỗi cơ sở của các tập đoàn, công ty bao gồm Masan, De Heus, Dabaco, Amafarm, BAF, GreenFeed. Tiếp tục hỗ trợ các chuỗi cơ sở xây dựng hợp đồng xét nghiệm mẫu sạch bệnh và hợp đồng xác minh độc lập.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!