| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học giảm bớt nỗi lo dịch bệnh

Thứ Tư 20/11/2024 , 07:30 (GMT+7)

Thanh Hóa Chăn nuôi an toàn sinh học giúp nhiều chủ trang trại vơi bớt nỗi lo dịch bệnh. Đây cũng là định hướng của tỉnh Thanh Hóa nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ tại Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ tại Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Kiểm soát dịch bệnh bằng hệ thống chăn nuôi hiện đại

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Công suất mỗi năm đạt 84 nghìn lợn nái, 1,2 triệu lợn thương phẩm, 59 nghìn vịt giống, 4,7 triệu gà thương phẩm…

Thanh Hoá hiện có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn với số vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã liên kết, hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đem lại giá trị kinh tế cao; nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ.

Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đã và đang góp phần giúp ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm trên trên thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi...

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) do Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 3,8 nghìn tỷ đồng, đã thực hiện xong giai đoạn 1. Hiện nay, trang trại đang nuôi nhốt hơn 4,7 nghìn con bò, trong đó hơn 3,1 nghìn con đang khai thác sữa. Dự kiến đến tháng 12/2024, tổng đàn bò của dự án là khoảng 6 nghìn con.

Trang trại đang ứng dụng công nghệ tiến và hiện đại nhất thế giới trong chăn nuôi bò sữa như: Hệ thống quản lý đàn; quy trình quản lý dịch bệnh và thú y; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống vắt sữa tự động khép kín...

Đặc biệt, đàn bò sữa tại đây được gắn chíp điện tử và quản lý bằng phần mềm máy tính, có thể theo dõi thời điểm động dục, khả năng tiếp nhận thức ăn, cảnh báo và phát hiện bệnh viêm nhiễm, quản lý năng suất, chất lượng sữa…

Đàn bò được nuôi nhốt trong hệ thống chuồng trại hiện đại, an toàn dịch bệnh. Ảnh: QT.

Đàn bò được nuôi nhốt trong hệ thống chuồng trại hiện đại, an toàn dịch bệnh. Ảnh: QT.

Ông Lã Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi công nghệ cao, lãnh đạo công ty quán triệt đến từng nhân viên, thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh khử khuẩn khi ra, vào khu vực làm việc.

Tại khu vực chăn nuôi, chuồng trại được xây dựng theo 2 dạng gồm: Chuồng thả tự do, nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học (trấu, mùn cưa). Tại khu nuôi nhốt riêng biệt, nền chuồng được phủ bằng vật chất hữu cơ làm từ phân bò đã qua xử lý (phân bò được tách cặn bã, diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh truyền nhiễm) giúp tiết kiệm chi phí vừa an toàn dịch bệnh. 

Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu được nhập khẩu và một phần tự sản xuất, đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn. Thức ăn sau khi được phối trộn sẽ được lấy mẫu kiểm tra để kiểm soát độc tố. Trước khi cho bò ăn, công nhân phải vệ sinh máng ăn, khử khuẩn. Tuyệt đối không cho bò sử dụng lại thức ăn thừa. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi luôn có quạt thông gió, phun sương, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm phù hợp...

Cũng theo ông Nam, để chủ động phòng bệnh hiệu quả cho đàn bò, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, doanh nghiệp rất chú trọng đến công tác tiêm phòng vacxin. Cụ thể, các loại vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng được tiêm đầy đủ đối với bò tơ từ 4,5 tháng tuổi và 11 tháng tuổi; vacxin viêm da nổi cục được tiêm cho bò từ 3-4 tháng tuổi và tiêm toàn đàn định kỳ vào tháng 3 hàng năm; tiêm vacxin lở mồm long móng đối với bò tơ 2-3 tháng tuổi và tiêm toàn đàn định kỳ vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm.

Bò được nhập về trang trại của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ. Ảnh: QT.

Bò được nhập về trang trại của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ. Ảnh: QT.

Chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa đạt mức tăng trưởng cao cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt gần 300 nghìn tấn; sản lượng trứng ước đạt hơn 279 triệu quả; sản lượng sữa ước đạt 53,5 nghìn tấn. 

Trong 6 tháng năm 2024, ngành chăn nuôi Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả tích cực với giá trị sản xuất đạt hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi các loại đạt 150 nghìn tấn. Thời gian qua, chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Toàn tỉnh hiện có hơn 1 nghìn trang trại chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các huyện có thế mạnh phát triển chăn nuôi như: Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân... đồng thời tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh dại trên chó, mèo tại huyện Thạch Thành và TP. Thanh Hóa. 

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa) cho biết: “Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh, đồng thời là định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa. Nhờ có chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đàn vật nuôi được bảo vệ an toàn, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. 

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp để phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như mở các lớp tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi; khuyến khích chủ trang trại xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh cho đàn vật nuôi”.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nghìn hộ dân đang thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Qua đó, giúp nhiều nông dân ổn định, mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại các địa phương trong tỉnh người dân cũng đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP.

Ngoài ra, để đảm bảo ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển bền vững, công tác kiểm dịch động vật, quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật luôn được đẩy mạnh thực hiện và giám sát chặt chẽ; công tác tiêm phòng vacxin đạt 100% kế hoạch, thuộc tốp đầu cả nước. Năm 2023 là năm thứ 11, tỉnh không để bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.