| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thứ Năm 28/11/2024 , 06:23 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Người dân xã Vạn Trạch chủ động trong việc phun hoa chất tiêu độc khử trùng ở khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Người dân xã Vạn Trạch chủ động trong việc phun hoa chất tiêu độc khử trùng ở khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, những năm gần đây, địa phương chú trọng đến công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng bệnh từ xa, từ sớm. Qua đó, tăng hiệu quả trong chăn nuôi và hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh.

Cho đến nay, huyện Bố Trạch đã có 3 xã là Sơn Lộc, Đồng Trạch và Vạn Trạch đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã. Ông Nguyễn Cẩm Long cho biết, những xã được cấp chứng nhận được tập huấn cho người dân, được hỗ trợ vacxin tiêm phòng và hóa chất phun tiêu độc khử trùng.

Xã Vạn Trạch, một địa phương vừa được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong năm nay. Địa phương này đã chú trọng đến nhiệm vụ phát triển chăn nuôi trong những năm gần đây. Hiện, xã Vạn Trạch có đàn trâu bò trên 1.000 con, đàn lợn khoảng 7.000 con và trên 63.000 con gia cầm. 

Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch trao đổi, địa phương đã củng cố lực lượng cán bộ thú y bán chuyên trách có 12 người ở 12 thôn của xã. Đó là những người có chuyên môn thú y đang kinh doanh dịch vụ thú y trên địa bàn. Xã cũng đã thành lập ban phòng chống dịch bệnh có lãnh đạo xã, các trưởng thôn, lực lượng thú y với trên 30 người.

Nhờ vậy, xã Vạn Trạch đã chủ động trong việc thực hiện các đợt tiên phòng vacxin trong năm khá thuận lợi. Hàng năm, Vạn Trạch luôn phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, đàn lợn và tiêm phòng bệnh dại đều đạt 100% kế hoạch. Nhờ vậy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được ngăn chặn, không để xảy ra.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã là giải pháp phòng chống dịch bệnh từ xa, từ sớm ở huyện Bố Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã là giải pháp phòng chống dịch bệnh từ xa, từ sớm ở huyện Bố Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Gia đình anh Trần Chức (thôn Đồng, xã Vạn Trạch), có khu gia trại nuôi lợn, với mỗi lứa có từ 35 - 40 con lợn thịt. Để việc chăn nuôi được ổn định, anh đã phối hợp cùng cán bộ thú y cơ sở thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đàn lợn như tiêm các loại vắcxin, phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại.

“Nhờ vậy, việc chăn nuôi hàng năm rất suôn sẻ và cho gia đình có thu nhập cao. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả bà con có chăn nuôi dù số lượng vài con cũng rất chú trọng đến việc an toàn dịch bệnh. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường từ đàn vật nuôi, bà con đều nhanh chóng báo cán bộ thú y đến kiểm tra chứ không giấu diếm”, anh Chức chia sẻ.

Không phát triển đàn bò, gia đình ông Nguyễn Văn Những (thôn Nam), chỉ nuôi hai con bò đực để cày kéo. Hai con bò to, khỏe là nhờ ông chăm sóc tốt và thực hiện đầy đủ các quy trình phòng chống dịch bệnh.

Ông Những nói với chúng tôi, những khi hay tin địa phương khác có dịch bệnh viêm da nổi cục hay lở mồm long móng trên đàn gia súc là cán bộ thôn cùng cán bộ thú y đến nhắc bà con thường xuyên vệ sinh khu chuồng trại, nhận thuốc về tự phun tiêu độc khử trùng ở khu nuôi nhốt bò hoặc rải vôi bột để khử khuẩn.

“Những lúc như vậy là bà con ở trong ngõ đều cùng làm và hỗ trợ nhau làm. Vì vậy mà dịch bệnh ít khi xảy ra lắm. Môi trường xung quanh chuồng trại cũng được dọn sạch sẽ để tránh ô nhiễm trong cộng đồng”, ông Những nói thêm.

Ông Hoàng Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Bố Trạch cho hay: “Ngoài việc phối hợp thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thì hệ thống thú y cơ sở cũng đã được củng cố, đào tạo và đi vào hoạt động hiệu quả”.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.