| Hotline: 0983.970.780

Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên và một dòng họ khoa bảng

Thứ Hai 01/12/2014 , 15:33 (GMT+7)

Sử sách ghi danh Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên vừa là bậc trụ cột triều đình vừa khai khoa cho dòng họ đời nối đời khoa bảng. 

Đó chính là tài sản tinh thần rất quý báu của một dòng họ danh gia vọng tộc trong lịch sử nước ta.

Dòng họ 5 vị đỗ đại khoa

Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học của 4 làng khoa bảng thời phong kiến, nơi phát tích của nhiều bậc đại khoa (Tiến sỹ Hán học). Mỗ là Tây Mỗ và Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), La là La Khê và La Cả (Hà Đông), Canh là Vân Canh (Hoài Đức) và Xuân Phương (Nam Từ Liêm). Còn Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Với hơn 800 năm lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam (1075-1919), dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết có 5 tiến sỹ được khắc tên trong bảng vàng, bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Chân dung Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên

Người khai khoa cho truyền thống khoa bảng là Nguyễn Như Uyên, đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi này không có hàng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đỗ đầu là Phạm Bá (người thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Thứ hai là Nguyễn Như Uyên. Từ đây, hậu duệ Nguyễn Như Uyên đời nối đời tiếp dòng khoa bảng, đầy nhà một sân quế hòe, vinh danh gia tộc.

Các đời sau, có Nguyễn Xuân Nham đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1499), làm quan tới chức Hình Bộ cấp sự trung, Thừa Chánh sứ ty.

Nguyễn Khiêm Quang đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1523), làm quan tới chức Mậu Lâm Lang phụng trí đại phu, Lạng Sơn sứ tán trị, Thừa Chánh sứ ty, Tham chính.

Nguyễn Nhật Tráng đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (năm 1589), tức Hoàng giáp, làm quan tới chức Đô cấp sự trung, Tá lý công thần. Khi mất được vua phong là Bỉnh Trung Đại vương.


Hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên và truyền thống khoa bảng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết, Hà Nội”

Ngày 27/11, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên và truyền thống khoa bảng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết, Hà Nội”. 16 bản tham luận của nhiều nhà khoa học đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp, công lao và đóng góp của danh nhân Nguyễn Như Uyên cùng truyền thống khoa bảng của dòng họ.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đề nghị xem xét việc đặt tên đường phố Nguyễn Như Uyên tại quê nhà để vinh danh truyền thống khoa bảng của dòng họ, làm gương cho đời sau tiếp nối…

Nguyễn Vinh Thịnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1659) làm quan tới chức Thẩm hình viện, Giám sát ngự sử.

Ngoài ra, dòng họ Nguyễn Như Uyên còn có 18 người đỗ trung khoa (cử nhân, tú tài Hán học). TS Nguyễn Hữu Mùi, Phó Viện trưởng Viện Hán Nôm, đánh giá: “Một dòng họ với 23 người đỗ khoa trường ở mức đại khoa và trung khoa là thành tựu rất đáng ghi nhận.

Đây là niềm tự hào không phải dòng họ nào ở nước ta cũng đạt được. Đó chính là tài sản tinh thần rất quý báu của một dòng họ danh gia vọng tộc - một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở nước ta trong lịch sử”.

Đại thần trụ cột triều đình

Không chỉ là người khai khoa một dòng họ tiến sỹ, với tài kinh bang tế thế, Nguyễn Như Uyên còn là đại thần trụ cột triều đình, có nhiều công lao giúp vua trị nước. Lê Thánh Tông nổi danh sử sách là đấng minh quân, với 38 năm trị quốc, xung quanh nhà vua nhiều bề tôi giỏi, hàng nguyên lão đại thần có Nguyễn Xí, những trí thức trẻ có Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh,... Nguyễn Như Uyên là một trong số đó.

Trong những thành tựu vẻ vang mà vua Lê Thánh Tông xây dựng như giữ yên biên thùy, mở mang bờ cõi, xây dựng luật Hồng Đức, vẽ bản đồ Hồng Đức, đào tạo các bậc hiền tài - “nguyên khí quốc gia”... Nguyễn Như Uyên đều có công lao.

Mười năm sau khi thi đỗ, năm 1479, tù trưởng xứ Bồn Man là Cầm Công làm phản, xui người Lão Qua sang đánh nước ta. Vua Lê Thánh Tông điều động quân sĩ chinh phạt... Nguyễn Như Uyên được vua phong chức Ký lục có nhiệm vụ theo dõi ghi chép: “Trên từ tướng soái, dưới xuống quân lính, người nào chăm chỉ được việc hay lười biếng... Kẻ nào nhút nhát, hết thảy phải ghi cho rõ để tâu lên”. 5 đạo quân ra trận đã toàn thắng trở về.

Với kiến thức uyên thâm của mình, Nguyễn Như Uyên được vua phong làm Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng); Nhập thị Kinh Diên (được vào cung giảng sách cho vua).

Hiện chưa rõ Nguyễn Như Uyên mất năm nào, chỉ biết cuối đời ông làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ). Khi về trí sĩ (nghỉ hưu), ông được phong tước Thái Bảo, Liêm Quận Công.

Đến nay hậu duệ của Nguyễn Như Uyên đã phát triển đến đời thứ 22 ở địa bàn 3 phường: Yên Hoà, Nghĩa Đô, Quan Hoa (quận Cầu Giấy) gồm 17 chi họ với hơn 1.000 suất đinh. Đó là chưa kể một số nhánh ly hương lên lập nghiệp ở Sơn Tây (Hà Nội), Lâm Thao (Phú Thọ)… Năm 2012, nhà thờ họ Nguyễn Như Uyên ở làng Cót đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Tính chuyện đột phá, vật Việt Nam tìm đến chuyên gia Mỹ

Nhằm tạo đột phá về thành tích và phương pháp huấn luyện, đội tuyển vật Việt Nam đang hướng đến chuyên gia người Mỹ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.