| Hotline: 0983.970.780

Hoạt động điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Trường Thành trái Luật Thủy lợi

Thứ Ba 18/05/2021 , 14:31 (GMT+7)

Dự án điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Cty Trường Thành không chỉ quây gần kín hồ Bầu Ngứ mà còn chưa có giấy phép hoạt động trong lòng hồ theo Luật Thủy lợi.

Người dân ngán ngẩm vì chủ dự án điện mặt trời xây dựng hàng rào thép gai, tường bê tông quanh hồ. Ảnh: K.S.

Người dân ngán ngẩm vì chủ dự án điện mặt trời xây dựng hàng rào thép gai, tường bê tông quanh hồ. Ảnh: K.S.

Liên tục bị nhắc nhở, vẫn hoạt động không phép

Dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Ngứ do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành có trụ sở nằm ở thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) làm chủ đầu tư. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Trần Huy Thiệu.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư số 285 của UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án điện mặt trời trong hồ Bầu Ngứ có quy mô công suất 50MW, với diện tích đất sử dụng 75ha, tổng mức đầu tư 1.150 tỷ đồng.

Tuy nhiên dự án này qua 2 lần điều chỉnh diện tích sử dụng đất và 1 lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư nên diện tích sử dụng đất của dự án còn hơn 73ha, trong đó diện tích vùng bán ngập của lòng hồ hơn 24ha. Còn tổng vốn đầu tư của dự án được nâng lên gần 1.500 tỷ đồng. Dự án chính thức hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.

Hệ thống hàng rào thép gai ngăn chặn người dân, gia súc vào lòng hồ. Ảnh: K.S.

Hệ thống hàng rào thép gai ngăn chặn người dân, gia súc vào lòng hồ. Ảnh: K.S.

Theo quy định hiện hành, đối với hoạt động đầu tư xây dựng và khai thác dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai, thủy lợi, pháp luật liên quan và văn bản số 1188/TCTL-ANĐ ngày 30/6/2020 của Tổng cục Thủy lợi về việc hướng dẫn quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và khai thác dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi.

Trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP. Chiếu qua hoạt động xây dựng dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cũng phải có giấy phép theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 44 Luật Thủy lợi và khoản 1 Điều 13 Nghị định 67/2018/NĐ-CP; phải bảo đảm an toàn công trình, không gây cản trở việc vận hành, không làm ảnh hưởng chất lượng nước hồ.

Do đó, ngày 5/8/2020, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận về việc chủ đầu tư dự án điện mặt trời Bầu Ngứ chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi.

Tiếp đến ngày 30/11/2020, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận tiếp tục đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT Ninh Thuận có ý kiến để UBND tỉnh chỉ đạo các nhà đầu tư, trong đó có dự án điện mặt trời trong hồ Bầu Ngứ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Trường Thành bị người dân phản ứng dữ dội vì công trình chặn mất lối xuống hồ của họ. Ảnh: K.S.

Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Trường Thành bị người dân phản ứng dữ dội vì công trình chặn mất lối xuống hồ của họ. Ảnh: K.S.

Sau đó, ngày 25/2/2021, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn số 54 yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành khẩn trương thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Đến ngày 6/4/2021, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận có văn bản gửi Sở NN-PTNT và Chi cục Thủy lợi khẳng định: Chủ đầu tư dự án chưa thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

Như vậy, qua vụ việc này, chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà đến nay sau hơn 1 năm dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Ngứ đã hòa vào lưới điện quốc gia, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận liên tục nhắc nhở song chủ đầu tư điện mặt trời hồ Bầu Ngứ là Công ty Trường Thành vẫn chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

Như vậy chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành hoạt động không đúng quy định của Luật Thủy lợi.

Điều 44 Luật Thủy lợi Luật số 08/2017/QH14, ngày 19/6/2017 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 67/2018/NĐ-CP các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như xây dựng mới, vật liệu, nhiên liệu… phải có giấy phép do Bộ NN-PTNT hoặc UBND tỉnh, thành cấp.

Lắp đặt tấm pin sai quy định

Theo hướng dẫn Tổng cục Thủy lợi thì cao trình lắp đặt tấm pin phải cao hơn mực nước lũ kiểm tra lớn nhất đối với hồ Bầu Ngứ là +53,33m và thêm độ vượt cao an toàn có tính đến tác động của sóng leo theo QCVN 04-05:2012/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia-các quy định chủ yếu về thiết kế.

Tuy nhiên Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành thực hiện dự án điện mặt trời hồ Bầu Ngứ chưa  tuân thủ theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi, thi công lắp đặt các tấm pin ở cao trình khoảng +52m. Do đó, trong mùa mưa lũ 2020, các tấm pin gần bị ngập.

Công ty Trường Thành lắp đặt các tấm pin sai quy định, gần ngập nước trong mùa mưa lũ năm 2020. Ảnh: K.S.

Công ty Trường Thành lắp đặt các tấm pin sai quy định, gần ngập nước trong mùa mưa lũ năm 2020. Ảnh: K.S.

Điều này thể hiện rõ tại Biên bản kiểm tra hiện trường dự án điện mặt trời trong hồ Bầu Ngứ vào ngày 8/1/2021 gồm các thành phần đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, UBND huyện Thuận Nam, UBND các xã Phước Dinh, Phước Nam và chủ đầu tư.

Cụ thể, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận nêu rõ trong văn bản: Khi mực nước hồ đạt mực nước dâng bình thường thì các tấm pin mặt trời cao hơn mặt nước khoảng 50cm, tức là cao trình khoảng +52m. Đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành nâng các tấm pin lên cao hơn cao trình mực nước lũ kiểm tra lớn nhất của hồ +53,33m”.

Liên quan về vấn đề này, một lãnh đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, Công ty và Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã kiến nghị chủ đầu tư nâng cao cao trình tấm pin để đảm bảo an toàn công trình lẫn hồ đập. Để làm việc này, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn, đánh giá để trên cơ sở đó trình lên Sở NN-PTNT và Công ty xin ý kiến, nâng tấm pin lên theo quy định.

“Sở NN-PTNT và Công ty yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành trước tháng 8/2021. Nhưng tính đến thời điểm này (PV- cuối tháng 4/2021) phía chủ đầu tư vẫn chưa trình bản đánh giá lên Sở NN-PTNT và Công ty”, đại diện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết.

Một góc Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ do Công ty Trường Thành làm chủ đầu tư. Ảnh: K.S.

Một góc Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ do Công ty Trường Thành làm chủ đầu tư. Ảnh: K.S.

Cuối năm 2020, tại thông báo kết luận thanh tra số 1392/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận…, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép nhiều dự án điện mặt trời. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi, nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trách nhiệm của những sai phạm thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công thương, Tài chính..., Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền gần 188,2 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra. 

Thanh tra Chính phủ khẳng định: Đối với dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thủy lợi, UBND tỉnh chỉ đạo lấy ý kiến của chủ đầu tư các công trình thủy lợi để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình thủy lợi; đồng thời rà soát các dự án có khả năng cung cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. 

Xem thêm
Trung ương chốt những cơ quan Đảng và Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động

Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với việc kết thúc hoạt động của nhiều cơ quan và hợp nhất nhiều đơn vị.

Dừa bonsai hình linh vật hút khách ngày Tết

TP.HCM Từ những gáo dừa khô, anh Đậu Thanh Tùng khéo léo 'biến hóa' thành những sản phẩm dừa bonsai hình 12 con giáp, giá từ 450.000 đồng đến 2,5 triệu đồng, hút khách ngày Tết.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chở đào, quất thuê bỏ túi tiền triệu mỗi ngày

Dù chỉ là công việc thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán, nghề chở đào quất thuê giúp người lao động có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Bình luận mới nhất