| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng, cày xới như thế nào?

[Kỳ 6] Chủ các dự án điện mặt trời 'quây' công trình thủy lợi là ai?

Thứ Ba 06/04/2021 , 09:14 (GMT+7)

Chủ dự án điện mặt trời quây bao hồ thủy lợi, ảnh hưởng đến nông nghiệp, an toàn hồ chứa đang bị tỉnh Ninh Thuân yêu cầu khắc phục là ai?

Chúng tôi xin được nhắc lại trước năm 2019, khi chưa có dự án điện mặt trời, hồ Bầu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp của hàng chục cư dân địa phương.

Chủ đầu tư điện mặt trời hồ Bầu Ngứ xây hàng rào kiên cố để chặn gia súc và người dân địa phương ra vào. 

Chủ đầu tư điện mặt trời hồ Bầu Ngứ xây hàng rào kiên cố để chặn gia súc và người dân địa phương ra vào. 

Nhờ đó, bà con nơi đây phát triển chăn nuôi gia súc rất thuận lợi. Nhà nào nuôi ít cũng vài chục con cừu, còn nhiều lên đến 300-400 con. Không những thế, bà con sống gần hồ đều tận dùng nguồn nước được xem “quý hơn vàng” ở vùng khô hạn nhất nước để bơm lên sản xuất rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mỗi năm họ sản xuất được 2 vụ, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên mọi thứ bình yên bỗng phút chốc tan biến khi dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Ngứ triển khai đã ngang nhiên “độc chiếm” lòng hồ Bầu Ngứ.

Theo người dân, thời gian đầu xây dựng công trình điện mặt trời, chủ đầu tư cho thiết lập hàng rào bao quanh để bảo vệ tài sản. Con đường chính đi vào hồ lúc bấy giờ cũng được công ty cho làm hàng rào thép mỏng để hạn chế sự ra vào của người không phận sự và vật nuôi.

Đến khoảng năm 2020, chủ đầu tư đã cho bê tông hóa toàn bộ tường rào bao quanh và xây dựng cổng chắn khang trang, cắt cử người bảo vệ. Cũng kể từ đó, lòng hồ Bầu Ngứ biến thành vùng cấm đối với gia súc, cư dân địa phương.

Hậu quả của hệ lụy là người chăn nuôi đành bán bán vật nuôi, ruộng vườn khô khát, chỉ còn trông chờ vào nước trời khi mưa mới có thể sản xuất.

Người dân ở Bầu Ngứ đành bất lực khi không thể vào hồ như lúc trước bởi tường rào được xây dựng kiên cố xung quanh.

Người dân ở Bầu Ngứ đành bất lực khi không thể vào hồ như lúc trước bởi tường rào được xây dựng kiên cố xung quanh.

Theo tìm hiểu chúng tôi, dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Ngứ do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư.

Dự án có công suất thiết kế ở vào khoảng 50MW với diện tích 73 ha, trong đó diện tích vùng bán ngập của lòng hồ hơn 24 ha; tổng vốn đầu tư của dự án trên 1.500 tỷ đồng. Dự án chính thức hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.

Theo thông tin công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành có trụ sở nằm ở thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Người đại diện pháp luật đối với công ty này là ông Trần Huy Thiệu.

Ngoài ra, ông Thiệu còn là người đại diện các doanh nghiệp như Nhà máy Thủy điện Suối Sập II - Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành tại huyện Phù Yên; Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành; Công ty TNHH Đầu tư Xây lắp Trường Thành và Chi nhánh Hợp tác xã dịch vụ Tổng hợp Tú Lệ.

Theo ghi nhận chúng tôi, trong lĩnh vực điện, ngoài dự án điện mặt trời trong Bầu Ngứ, chủ đầu tư này còn sở hữu 2 dự án Thủy điện Ngòi Hút 2, công suất 48 MW, tại tỉnh Yên Bái, tổng mức đầu tư 1,5 nghìn tỷ được thực hiện từ năm 2008 và đi và hoạt động vào tháng 12/2014.

Và nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A (Yên Bái), công suất 8,4 MW, có tổng mức đầu tư là 292 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 12/2016.

Các tấm pin lắp đặt của dự án điện mặt trời trong lòng hồ Suối Lớn tại vị trí trước lối tiêu thoát lũ.

Các tấm pin lắp đặt của dự án điện mặt trời trong lòng hồ Suối Lớn tại vị trí trước lối tiêu thoát lũ.

Còn đối với dự án điện mặt trời trong hồ Suối Lớn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam có quy mô công suất thiết kế 450 MW, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 553 ha. Trong đó, diện tích thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Suối Lớn hơn 38 ha. Dự án được triển khai từ tháng 2/2020, đến tháng 10/2020, công trình đã hoàn thành và đi vào khai thác. Điều đáng nói dự án này các tấm pin lắp sai cao trình quy định tại khu vực gây ảnh hưởng đến sự an toàn hồ chứa, nhất là việc tiêu thoát lũ vào mùa mưa.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có địa chỉ thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), người đại diện là ông Nguyễn Tâm Thịnh.

Theo tìm hiểu chúng tôi, ngoài đại diện chủ đầu tư dự án điện mặt trời trong lòng hồ Suối Lớn, ông Thịnh còn đại diện nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp điện “khủng” nằm rải từ Bắc đến Nam.

Phía trên vai phải của hồ Suối Lớn, một công trình đang xây dựng.

Phía trên vai phải của hồ Suối Lớn, một công trình đang xây dựng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Trung Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Công ty Cổ phần điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh; Sàn giao dịch Bất động sản - Công ty Cổ phần Trung Nam; Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Gia Lai - Xã Trang; Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghệ Thông tin Đà Nẵng; Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam; Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná; Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná; Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam; Wimberly Allison Tong – Goo.Inc; Công ty Cổ phần Đầu tư - Du lịch Bình Tiên; Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1; Công ty TNHH Công nghệ Trung Nam Meritronics; Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 2 và Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 3.

Theo điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều dự án dùng đất nông nghiệp làm điện mặt trời áp mái, núp bóng nông nghiệp làm điện mặt trời, trang trại chỉ là hình thức.

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đời sống nông thôn, quy hoạch phát triển nông nghiệp cũng đang bị phá vỡ và những hệ lụy của điện mặt trời với việc xử tẩy rửa các tấm pin mặt trời, xử lý các tấm pin mặt trời sau khi tháo bỏ còn là một câu hỏi lớn chưa được trả lời.

Chính vì vậy, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tấm quang điện và phương án xử lý tấm quang điện sau khi đã hết thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, an toàn môi trường.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên:

Xâu xé quy hoạch nông nghiệp

Việc phát triển điện mặt trời áp mái trong các trang trại nông nghiệp nếu phía dưới đất không làm gì sau này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng thoái hóa đất. Bởi khi đã làm điện mặt trời ở trên thì phía dưới không thể có thảm phủ thực bì, nhất là việc phát triển điện áp mái nhiều, do đó khi mưa lớn nguồn nước đều đổ dồn một chỗ gây ra xói mòn đất.

Ông Hà cũng cho rằng, ngoài ra việc vệ sinh, tẩy rửa các tấm pin mặt trời, chúng ta vẫn chưa hình dung ra hết được mối nguy hại ra sao, có thì ở mức độ như thế nào của nó.

Ông Hà ví dụ bài học từ hiệu ứng nhà kính tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là một minh chứng trong việc đổ xô làm những nhà kính (nhà phủ màng ni lông), mà không tính toán chuyện xử lý nước thoát. Hậu quả là, nguồn nước mưa cứ dồn một chỗ, không có diện tích thấm nước đã gây ra xói mòn, ô nhiễm. Do đó, việc phát triển điện mặt trời cũng coi chừng các hướng như thế, chứ chưa biết trước được gì sẽ xảy ra.

Đối với việc phát triển điện mặt trời áp mái trang trại nông nghiệp ồ ạt, ông Hà đánh giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng quy hoạch chung của nền nông nghiệp nói chung và nông nghiệp các địa phương. Bởi hiện tại nông nghiệp chúng ta đang phát triển chưa thực sự tốt, vì chưa tìm được giải pháp tốt hơn nên cứ làm điện mặt trời.

Nhưng giả sử sau này, chúng ta muốn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực nào đó, lúc đấy thì lại đấu tranh chọn lựa giữa điện và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bỏ năng lượng cũng không được.

“Thành ra, việc phát triển điện mặt trời trên đất nông nghiệp nhiều sẽ xâu xé quy hoạch nông nghiệp sau này. Đối với những trang trại lớn hiện nay xây dựng ở vùng đất không tốt như vùng Ea Súp (Đắk Lắk) thì tạm thời vẫn chấp nhận được.

Nhưng ngược lại, phát triển mạnh các trang trại điện mặt trời, mà lấn sang đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tốt thì sau này sẽ bị ảnh hưởng", ông Hà chia sẻ.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.