| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng, cày xới như thế nào?

[Kỳ 8] Các dự án điện mặt trời sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm

Thứ Năm 08/04/2021 , 14:54 (GMT+7)

Các dự án điện mặt trời sai phạm, 'núp bóng' nông nghiệp sẽ được nhiều địa phương cam kết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Những dự án điện mặt trời sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh: Tuấn Anh

Những dự án điện mặt trời sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh: Tuấn Anh

Xử lý môi trường: Bị bỏ ngỏ

Theo Quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công Thương, mục tiêu điện mặt trời trong năm 2020 sẽ đạt 850 MWp, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp vào cán mốc 12.000 MWp năm 2030. 

Tuy nhiên, ngay khi có Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tính đến 31/12/2020 cả nước có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp.

Điều đáng nói, điện mặt trời phát triển như vũ bão khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng. Trong đó, trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án kết thúc vẫn chưa có.

Vào cuối năm 2020, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) đã đặt ra câu hỏi: Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?

Câu hỏi đó một lần nữa cho thấy nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời là rất cao nếu không có phương án xử lý trong khi nguồn năng lượng này đang phát triển ồ ạt.

Nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời là rất cao. Ảnh: Tuấn Anh

Nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời là rất cao. Ảnh: Tuấn Anh

Trả lời vấn đề này, bà Lương Thị Tuyết Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai cho biết, theo nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà máy phong điện, quang điện có quy mô diện tích từ 200ha trở lên phải lập báo báo đánh giá tác động môi trường. Còn đối với các dự án có diện tích từ 50ha đến dưới 200ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Như vậy đối với các dự án quy mô nhỏ dưới 50ha thì không phải thực hiện các trình tự, thủ tục về đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường.

Hiện nay, các dự án điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu có quy mô nhỏ (phần lớn khoảng 1MWp) nên không thuộc đối tượng phải thực hiện các thủ tục pháp lý về quy trình đánh giá tác động môi trường.

Chính vì vậy, chưa có hội đồng hay các cơ quan ban ngành nào thực hiện việc kiểm tra về môi trường đối với các dự án này. Có thể, đến giai đoạn cuối của dự án thì mới biết được các tấm pin năng lượng có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không.

Còn hiện nay, các Bộ, ngành cũng như các nhà khoa học vẫn còn đang tranh luận rất nhiều về chất thải từ các tâm pin có nguy hại đến môi trường hay không? Quy trình xử lý chúng như thế nào?

Theo bà Vinh, các dự án điện mặt trời áp mái mới được khuyến khích phát triển nên người dân ồ ạt đầu tư và các Sở ngành cũng chưa thể đánh giá ngay việc nó có ảnh hưởng đến môi trường hay không.

Phải có dự án cụ thể để nghiên cứu thì mới biết được những thành phần trong tấm pin đó có nguy hại đến môi trường không. Còn đến bây giờ cũng chưa có chuyên gia nào khẳng định những tấm pin này có nguy hại đến môi trường và cũng chưa đưa ra được hướng xử lý tiêu hủy các tấm pin này.

“Do các dự án này cũng mới phát triển nên phải chờ thêm thời gian mới có thể đánh giá về tác động môi trường. Chúng tôi nghĩ, sau này nhà nước sẽ có ràng buộc về việc xử lý chất thải của các tấm pin năng lượng khi dự án kết thúc”, bà Vinh nói và cho biết, Sở TN-MT Gia Lai hiện cũng chưa có ý kiến cũng như góp ý về việc xử lý những tấm pin này.

Việc xử lý môi trường đối với những tấm pin năng lượng vẫn là câu hỏi lớn. Ảnh: Tuấn Anh

Việc xử lý môi trường đối với những tấm pin năng lượng vẫn là câu hỏi lớn. Ảnh: Tuấn Anh

Trong khi đó, ông Ngô Chí Trung, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đăk Nông cho biết, tỉnh đang thành lập kiểm tra tình trạng điện mặt trời phát triển ồ ạt trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trung, đối với các dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ thì luật không quy định chủ đầu tư phải làm thủ tục về môi trường. “Các chủ đầu tư không làm thủ tục về môi trường nên đơn vị không nắm được. Tuy nhiên theo tôi tìm hiểu tất cả các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng sẽ được trả về nơi bán. Trong khi, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất pin năng lượng này”, ông Trung cho biết.

Vị phó giám đốc cho biết thêm hiện điện mặt trời áp mái còn quá mới tại Việt Nam, Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn về vấn đề này. “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ cụ thể từ các Bộ, ngành. Tôi nghĩ, sắp tới Trung ương sẽ đưa vấn đề này vào luật môi trường năm 2020. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu các địa phương khác xử lý vấn đề này như thế nào. Vì theo quy định thì không cần làm thủ tục về môi trường nên rất khó quản lý”, ông Trung cho biết.

Sẽ xử lý nghiêm các dự án điện mặt trời sai phạm

Trước những sai phạm của các hệ thông điện mặt trời áp mái núp bóng trang trại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Lê Trọng Yên đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra. Do đó các trang trại phải đủ điều kiện và nằm trong vùng quy hoạch mới được cấp phép hoạt động.

Những dự án điện mặt trời 'núp bóng' trang trại sẽ bị các địa phương xử lý nghiêm. Ảnh: Tuấn Anh

Những dự án điện mặt trời "núp bóng" trang trại sẽ bị các địa phương xử lý nghiêm. Ảnh: Tuấn Anh

“Các trang trại này lắp điện mặt trời nhằm mục đích phục vụ sản xuất, khi dư thừa thì mới đấu nối, bán lên điện lưới quốc gia. Các trang trại chỉ lắp điện bán, không sản xuất nông nghiệp thì việc này thuộc trách nhiệm địa phương. Những địa phương cấp phép phải có trách nhiệm giám sát”, ông Yên thông tin.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, việc các trang trại phát triển ồ ạt dẫn đến quá tải khiến Công ty Điện lực Đăk Nông thường xuyên cắt điện thì phải xem lại hợp đồng giữa các bên như thế nào.

“Khi có kết luận của đoàn kiểm tra thì UBND tỉnh sẽ căn cứ vào đây để chỉ đạo xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Đối với những vướng mắc về cơ chế, chính sách chung thì địa phương sẽ có những kiến nghị gửi các Bộ, ngành”, ông Yên thông tin thêm.

Còn ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, Sở Công Thương là cơ quan nhà nước quản lý về vấn đề này nhưng Công ty Điện lực Đăk Lăk có thẩm quyền ký hợp đồng, đấu nối điện với các chủ đầu tư trang trại. “Do đó, chúng tôi đã giao Sở Công Thương chủ trì kiểm tra tất cả các vấn đề bất cập liên quan đến điện mặt trời rồi báo cáo UBND tỉnh xử lý”, ông Nghị nói.

Theo ông Nghị, khu vực nào có quy hoạch UBND tỉnh mới cho chủ trương đầu tư. Trường hợp, các huyện cấp giấy phép phép sai quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, xử lý những vấn đề liên quan đến điện mặt trời áp mái. Khi đoàn có kết luận thì UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm. Địa phương không phớt lờ đối với những sai phạm này”, vị Chủ tịch thông tin thêm.

Các địa phương đang tiến hành kiểm tra các dự án điện mặt trời sai phạm. Ảnh: MQ

Các địa phương đang tiến hành kiểm tra các dự án điện mặt trời sai phạm. Ảnh: MQ

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, nếu giả sử trong thời gian tới khi đoàn liên ngành đi kiểm tra và có kết luận các hệ thống này không phải là điện mặt trời áp mái thì khi đó dễ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với công ty điện lực. Câu chuyện này xử lý như thế nào hiện chúng tôi vẫn chưa thể hình dung.

Hiện tại chúng tôi đang cho đoàn đi kiểm tra và sẽ thực hiện kiểm tra hết các hệ thống điện mặt trời áp mái từ 400 kwp trở lên.

“Không biết thời gian tới kết quả kiểm tra sẽ như thế nào nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư đang vận dụng chính sách để được hưởng ưu đãi. Sau đó các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại theo đúng quy định", ông Binh cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp về vấn đề điện mặt trời.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13; Xác nhận các hệ thống điện mặt trời áp mái đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, ký hợp đồng mua bán điện và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Trên cở sở tổng hợp điện mặt trời áp mái trên toàn quốc để nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư.

  • Tags:
Xem thêm
Đề nghị Hà Lan hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để Việt Nam sớm thích ứng EUDR

Sáng 8/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar.

Tín chỉ carbon là chỉ dấu cho thành công của canh tác lúa bền vững

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) về cơ hội cho chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sinh viên Bình Phước sẽ học đại học ngay tại tỉnh nhà

Bắt đầu từ năm học 2025 trở đi, sinh viên cao đẳng, đại học có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước sẽ không phải đi học xa, mà học ngay tại tỉnh nhà.

Bình luận mới nhất