| Hotline: 0983.970.780

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thêm 12 Nhà giáo ưu tú

Thứ Bảy 20/11/2021 , 09:25 (GMT+7)

Ngày 20/11/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh dự khi có 12 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Sáng 20/11/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2021 – 2022. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Học viện vinh dự khi có 12 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 2 nhà giáo có nhiều thành tích và cống hiến được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; nhiều nhà giáo, cán bộ viên chức và người lao động có thành tích xuất sắc khác,…

Học viện vinh dự khi có 12 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ảnh: TL

Học viện vinh dự khi có 12 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ảnh: TL

PGS.TS, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Hồng Ngân xúc động chia sẻ: "Hôm nay trong tôi có bao cảm xúc dâng trào. Tôi đang nhớ về những ngày là sinh viên dưới mái trường thân yêu này, nhớ về các thầy cô đã 'chở đò' đưa tôi sang sông, dạy cho tôi không chỉ tri thức mà còn dạy cho tôi nhân cách làm người, nhớ đến những ngày tháng được ân cần chỉ bảo, cũng nhớ đến những lời mắng mỏ cũng chỉ là để cho tôi không trở thành sản phẩm có lỗi, xã hội không dùng, tôi nhớ về bạn bè thân yêu, nhớ về gia đình mình.

Hôm nay, tôi đã trưởng thành hơn một chút, trẻ hơn một chút dù đã già rồi vì đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú một danh hiệu cao quý dành cho người dạy học”.

Thay mặt cho 12 giảng viên của Học viện được phong tặng danh hiệu NGƯT năm nay, Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Ngân bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặc biệt chăm lo cho sự nghiệp trồng người; Thành tâm ghi nhớ công ơn của Đảng, Chính phủ đã mở ra con đường tươi sáng cho các nhà giáo ở học viện nói riêng và cho những người mang danh “hành nghề cao quý nhất” nói chung.

PGS.TS, Giảng viên cao cấp Phạm Hồng Ngân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú. Ảnh: TL

PGS.TS, Giảng viên cao cấp Phạm Hồng Ngân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú. Ảnh: TL

"Chúng tôi nguyện trung thành với lý tưởng cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra, nguyện đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước nói chung và của Học viện nói riêng. Xin được bày tỏ lời tri ân sâu sắc nhất đến Quý vị Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, các Khoa, Phòng, Ban chức năng của Học viện đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tinh thần, vật chất cho chúng tôi phấn đấu, trưởng thành", NGƯT Phạm Hồng Ngân bộc bạch.

NGƯT Ngân cho rằng, chúng ta đang hành nghề dạy học, một nghề mà bất kể thời kỳ nào luôn được coi là nghề cao quý, xã hội tôn trọng và tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Bàn về nghề giáo, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luận rằng “Dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

NGƯT Phạm Hồng Ngân hướng dẫn sinh viên, thực tập sinh tại Bệnh viện Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: HG

NGƯT Phạm Hồng Ngân hướng dẫn sinh viên, thực tập sinh tại Bệnh viện Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: HG

NGƯT Phạm Hồng Ngân cũng chia sẻ, dạy học, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, dù xưa đến nay, dù trẻ hay già, dù khoa bảng hay thầy đồ đều được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Có những người thầy được lưu tên sử vàng, danh truyền muôn cõi như Vạn thế sư biểu Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người làm thầy cảm hoá học sinh bằng tư tưởng, tình cảm, tri thức và cả nhân cách của mình… để tạo ra “sản phẩm” vừa uyên thâm về tri thức, vừa thấu hiểu đạo lý làm người.

“Sản phẩm” đó chính là con người người biết vận dụng tri thức, kỹ năng, thái độ tự chủ và sáng tạo, bắt nhịp với thời đại. Con người theo đúng nghĩa tâm, tài, tầm. Sản phẩm của chúng ta không thể đem so sánh với bất kỳ nghề nào trong xã hội.  Nghề dạy học không được phép tạo ra những sản phẩm bị lỗi để rồi “sản phẩm” đó trở nên vô dụng.

Vì vậy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng để tạo dựng nên nhân cách con người, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

NGƯT Phạm Hồng Ngân cùng các sinh viên, thực tập sinh tại Bệnh viện Thú y. Ảnh: HG

NGƯT Phạm Hồng Ngân cùng các sinh viên, thực tập sinh tại Bệnh viện Thú y. Ảnh: HG

Chúng ta thường hay ví nhà giáo như người lái đò chở khách sang sông. Và như vậy, thì mặc nhiên, người qua sông mải miết hành trình, ai người ngoảnh lại. Xin chú thêm: Bến sông đời lữ khách sang ngang, tiếp tục lộ trình. Riêng bến bờ tri thức hồ dễ mấy ai quên. Tri thức đã trở thành hành trang mang theo suốt đời người lữ khách. Hơn nữa, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, niềm vui của người “lái đò”. Vui khi  học sinh thành đạt, buồn vì học sinh lầm lạc, sa ngã. Không có nghề nào vinh dự, hạnh phúc, có những cung bậc tình cảm như nghề dạy học phải không thưa quý vị!

Xã hội càng tôn vinh, nhân cách càng được coi trọng thì trách nhiệm, nghĩa vụ càng lớn lao. Học viện trải qua 65 năm xây dựng, phát triển và để rồi lớn mạnh như ngày hôm nay là minh chứng cho sự lao động miệt mài, sáng tạo của bao thế hệ thầy và trò. Ngày lại ngày, tháng qua tháng, năm tiếp năm các thầy cô đã, đang nỗ lực tự rèn giũa mình, âm thầm lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người...

NGƯT Phạm Hông Ngân sinh năm 1958, Tiến sĩ năm 2010 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2017 được phong tặng hàm Phó giáo sư và 40 năm công tác tại Học viện. NGƯT Phạm Hồng Ngân là nguyên Phó Trưởng khoa Thú y, nguyên Bí thư chi bộ khoa Thú y, nguyên Trưởng Bộ môn Thú y cộng đồng. Chức danh hiện tại là Phó Giáo sư ngành Thú y, Giảng viên cao cấp, Khoa Thú y.

NGƯT Phạm Hồng Ngân đã có 12 năm đạt Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở; CSTĐ cấp Bộ (2012); 8 Bằng khen; trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014.

Ngoài ra, NGƯT Phạm Hồng Ngân đã công bố 89 bài báo (trong đó có 42 bài là tác giả chính); hướng dẫn 02 nghiên cứu sinh và 52 học viên cao học đã bảo vệ thành công. Cùng đó, hướng dẫn 03 nhóm sinh viên tài năng đạt giải thưởng VIFOTEC, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bên cạnh đó, NGƯT Phạm Hồng Ngân đã thực hiện19 đề tài, dự án (trong đó chủ trì 04 đề tài cấp Bộ, 03 dự án Hợp tác Quốc tế). Ngoài ra, NGƯT Phạm Hồng Ngân còn là chủ biên 1 giáo trình, đồng chủ biên 01 giáo trình, đồng tác giả 01 giáo trình.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.