| Hotline: 0983.970.780

'Hội nghị Diên Hồng' về phân bón hữu cơ

Thứ Tư 28/08/2019 , 09:45 (GMT+7)

Hội nghị với sự tham dự của 500 đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước.

Hội nghị thu hút 500 đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước.

Sáng 28/8 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ.

Sản phẩm phân bón hữu cơ tăng 3,5 lần so với 2017

Số liệu Bộ NN-PTNT công bố, hiện cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017.

Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là xấp xỉ 2.500 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,2 triệu tấn, cao hơn 200 nghìn tấn so với tổng sản lượng sản xuất cả năm 2017.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT và Chính phủ tại Hội nghị phát triển phân bón hữu cơ tháng 3/2018, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp lớn đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả như: Tập đoàn Quế Lâm, Sông Gianh, T&T 159,... Qua đó tận dụng và tái tạo các sản phẩm hữu cơ sinh ra trong quá trình canh tác nông nghiệp nên công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đây là sự nỗ lực, chuyển biến rất lớn trong tư duy, nhận thức và xu hướng sản xuất trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Tuy đạt được kết quả vô cùng tích cực trong thời gian ngắn, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ (11,6 % so với 86,9%).

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô nên vai trò của ngành nông nghiệp hữu cơ, vai trò của phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học đóng vai trò then chốt với nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Nhưng giải pháp căn cơ

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (bắt đầu có hiệu lực từ 01/02/2020). Các tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng như TCVN về phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học và vi sinh vật, quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kiểm soát các phòng thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón....

Với các định hướng thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, Bộ NN-PTNT định hướng và nhấn mạnh, đầu tiên, phải hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ, như: ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông về phân bón hữu cơ; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ.

Tiếp đến, công tác nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Đặc biệt ưu tiên các đề tài/dự án nghiên cứu giải pháp, công nghệ làm tăng hiệu suất sử dụng của phân bón hữu cơ; chuyển giao việc sản xuất phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt ở quy mô nông hộ.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ và hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng phân bón, nhất là tự sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống ở quy mô nông hộ trên cơ sở tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư bài bản, khoa học, quy mô lớn vào sản xuất phân bón hữu cơ.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón hữu cơ, tham gia tích cực vào thị trường phân bón hữu cơ quốc tế. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.

Bộ NN-PTNT kiến nghị thực hiện hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết hữu cơ theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích cho người nông dân.

Hai mô hình của Quế Lâm

Là doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất 1 triệu tấn/năm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam chia sẻ kinh nghiệm, để phát triển và mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ Quế Lâm hiện phát triển song song hai mô hình.

Thứ nhất, doanh nghiệp tự sản xuất phân hữu cơ thông qua hệ thống nhà máy khắp cả nước sau đó thu mua lại nông sản của bà con để tạo thành chuỗi hữu cơ khép kín.

Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để người dân tự xử lý các phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt thành phân hữu cơ.

Ông Nguyễn Hồng Lam phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ sáng 28/8.

Theo ông Lam, trong lúc đợi ngành sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp phát triển đủ mạnh, đủ lớn việc cung ứng, hỗ trợ, chuyển giao cho người dân tự sản xuất phân hữu cơ là giải pháp hiệu quả nhất để nâng sản lượng hữu cơ tại Việt Nam hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu này, ông Lam chia sẻ, sau khi khánh thành nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh Biotech tại Vĩnh Phúc với công suất  250.000 tấn/năm, tới đây Tập đoàn Quế Lâm sẽ hợp tác với Nhật Bản xây dựng nhà máy phân hữu cơ sinh học hiện đại nhất Việt Nam.

“Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Vì vậy, để  thực hiện mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững"Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?