Cuộc sống mới
Sửa lại vạt áo lanh mới vừa lòa xòa xuống sau bữa cơm tối, vuốt phẳng cả hai ống quần rộng, Tráng A Chu chầm chậm tới góc nhà, đội chiếc mũ rộng. Nom chàng trai người Mông thế hệ đầu 8x chẳng khác nào chuẩn bị đi dự hội.
Trước những đôi mắt thích thú xen lẫn ngạc nhiên của du khách, A Chu bước ra giữa sân xin giới thiệu mấy tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" để chào mừng mọi người đến bản Hua Tạt. Đầu tiên là tiếng sáo trầm bổng, cao vút giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng Tây Bắc. “Đêm trăng bản Mèo”, “Xuân về trên bản Mông”... cứ nối tiếp ngân lên.
Rồi khi những tâm hồn thư thái vẫn đang vẩn vơ trên các ngọn hồng giòn trồng quanh homestay, chất giọng mộc mạc của A Chu lại kéo tất cả trở về "sân khấu" chính - vốn chỉ là một sàn gỗ cao hơn mặt bằng chừng vài chục centimet.
Nước da rám nắng, nụ cười luôn nở trên môi, A Chu khiến ai đến chơi cũng phải cảm tình, tự nhiên và thân thuộc như thói quen ở trên rặng núi cao gần 1.000 mét của đồng bào người Mông tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tới lúc những cháu nhỏ đeo vòng, cầm ô đứng mô phỏng điệu múa khèn truyền thống dưới ánh đèn bập bùng, chẳng ai bảo ai, mọi người đều cầm lấy tay người bên cạnh, chung chiêng theo âm điệu núi rừng. Dường như ranh giới chủ khách đã không còn, tất cả cùng nhau nói cười, như thể đã thân quen từ lâu lắm.
Để xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng giữ chân khách như thế, Tráng A Chu phải kiêm nhiều vai, từ lễ tân, nghệ sĩ, hướng dẫn viên, thậm chí là lúc cao hứng còn sẵn sàng vào bếp đãi khách.
Hai chiếc điện thoại để ở hai túi rộng bên mạng sườn gần như chỉ chịu nằm yên khi trời nhập nhoạng. Miệng vừa trả lời điện thoại, tay vừa gõ máy tính để kiểm tra phòng, mắt A Chu vẫn có thể dán chặt vào đoàn khách vừa đến, ướm thử họ đã "ưng cái bụng" hay chưa.
Nhanh như một con sóc trên rừng, A Chu bảo khách nào đến homestay lần thứ hai, anh gần như sẽ nhớ mặt, thậm chí ghi luôn cả thực đơn bữa trước trong đầu. Sự mến khách ấy của người đàn ông 40 tuổi lan tỏa sang cả những "đồng nghiệp". Tráng Thị Dụ, ngoài 20 tuổi, đã có một con, vừa học cao đẳng xong nhưng chưa xin được việc, cười không ngớt khi được hỏi về công việc hiện tại.
Lưng địu con, cô gái trẻ tâm sự: "Lương cháu mỗi tháng 5 triệu đồng và ăn, nghỉ tại đây. Nhờ chú A Chu, cháu có điều kiện học thêm tiếng Anh và phát huy vốn kiến thức từng học. Nếu khách Tây đến, cháu có thể giao tiếp cơ bản với họ bằng tiếng Anh, thậm chí dẫn tour nếu cần".
Đứng gần đấy, ánh mắt của Sồng Y Xú, người vốn ở Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng không khỏi ánh lên những tia sáng hạnh phúc. Theo học mầm non và từng cung cấp rau, củ cho một số homestay tại Mai Châu, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc và thu nhập của cô gái người Mông không được đảm bảo.
Nhờ người quen giới thiệu, vợ chồng Y Xú vượt mấy chục kilomet đường núi để lập nghiệp ở Hua Tạt. Ngoài thu nhập ổn định nhờ công việc quản lý và dọn dẹp phòng, cô gái có nụ cười sơn cước thân thiện còn như thấy lại giấc mơ thời son rỗi trong những buổi ca múa nhạc, nhảy dân vũ truyền thống phục vụ du khách.
Cuộc sống của Y Xú giờ không chỉ còn gói gọn ở trồng rau, nuôi gà mà còn là hướng dẫn du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông, hoặc tham gia thu hoạch đào, mận, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống.
Tiếng cười, tiếng hát tưởng như đã thành miền ký ức với Y Xú, nay bỗng sinh sôi từ trong những mái nhà sàn đơn sơ.
Tiềm năng vô tận từ phong tục
Từ khi huyện Vân Hồ thành lập năm 2013, Tráng A Chu và cha đã mạnh dạn tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn xây ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Đó cũng là ngày quốc lộ 6 mới chạy qua, chia đôi bản Hua Tạt.
Nơi xó rừng bỗng như "rũ mình". Hòa trong dòng chảy đó, ngôi nhà sàn độc đáo của A Chu, kết hợp những nét truyền thống của nhà người Mông, nhưng lại được trang bị công trình phụ tiện nghi tựa như một điểm nhấn, tạo ngay ấn tượng cho du khách lần đầu đặt chân tới Sơn La.
Bên cạnh việc trang trí nhà sàn bằng những vật liệu từ thiên nhiên như mái lợp bằng lá cọ, vách được ghép lại bằng những ống nứa, nhà A Chu cũng dành hơn 1.000 m2 để nuôi gà, lợn, trồng rau, cung cấp tại chỗ nguồn thực phẩm sạch cho du khách.
Kỹ sư công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng "văn hóa", "phong tục", bằng những món đặc sản của người Mông như gà xương đen, lợn bản, rau củ...
Chẳng gì bền bằng mài văn hóa ra để "bán", A Chu tâm niệm như vậy. Đó là lý do, anh bài trí các điểm ăn, nghỉ đều theo lối truyền thống, kiểu nhà trệt bằng gỗ, xung quanh là những vườn rau xanh mướt theo mùa vụ, cùng những tán mơ, mận, đào rực rỡ khoe sắc mỗi độ xuân về.
Tiếng lành đồn xa, hễ đến ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, homestay của anh luôn kín phòng.
Cùng với Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu), Hua Tạt là một trong số ít những bản thuần dân tộc Mông và còn lưu giữ được khá đầy đủ những phong tục cổ. Với lợi thế là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vài năm trở lại đây, Hua Tạt vươn mình trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Từ thành công của A Chu, đến nay đã có 5 hộ gia đình trong bản đã học theo mô hình này. Theo hướng liên kết, các hộ cùng giúp nhau nâng cao chất lượng homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa. "Bà con ở bản phải đoàn kết, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”, anh tâm sự.
Theo lời A Chu, ban đầu bà con trong bản cũng chưa hẳn tin lời anh. Nhưng rồi thấy khách tới A Chu Homestay không chỉ để ở mà còn mua nông sản của các hộ xung quanh, nhiều nhà tin theo. Giờ thì những mái nhà sàn khang trang, bề thế cứ nhiều lên mãi trên bản vùng cao của cao nguyên Mộc Châu.
Vốn là tiếng đọc chệch của "Hua Tát", theo tiếng Mông có nghĩa là điểm cuối của một vùng đất. Bà con người Mông khi xưa gọi vậy để đánh dấu địa giới với người Thái. Chẳng thế mà từ Hang Kia - Pà Cò đất Hòa Bình kéo dài tới đỉnh Pha Luông cao ngất giáp nước bạn Lào, cắt qua đất Vân Hồ, Sơn La, nơi nào cũng có dấu chân của người Mông.
Những bản người Mông khi đó tựa những ngôi sao trời, mùa trăng trước ở phía ngọn núi này, sang Tết sau đã đến miền đất mới. Vài hộ tụ hợp lại với nhau trên một ngọn núi là thành bản, thành làng. Công việc phát hoang, tra ngô, tỉa lúa cứ thế làm tuần tự, giống những bước chân du mục của người Mông ngỡ như không bao giờ dừng lại.
Du lịch cộng đồng tựa như chất keo, gắn kết bà con lại với mảnh đất cửa ngõ Sơn La. Đó là cơm ăn, áo mặc, cũng là của hồi môn cho con cái lập gia đình sau này.
A Chu bảo, đám trẻ người Mông trong bản bây giờ hiếm ai còn nhớ việc ước tất cả muộn phiền của năm cũ sẽ bay đi, khi đổ nước lên 3 viên đá được nướng trên than hồng rồi đặt ở cửa nhà, trước lễ cúng ngày Tết.
Cái đói, cái nghèo có lẽ đã dừng cả lại bên rìa Hua Tạt.
Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm A Chu Homestay. Sau khi tham quan và trò chuyện với bà con dân tộc Mông, Thủ tướng biểu dương bà con đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Đánh giá vấn đề khó khăn nhất với địa phương là giao thông, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, du khách tới vùng đất đầy tiềm năng này.