Giấc mơ nơi thiên đường Hua Tạt
Thứ Năm 25/08/2022 , 18:11 (GMT+7)Là bản nhỏ nằm trên núi cao thuộc huyện Vân Hồ, Hua Tạt giờ phát triển mạnh du lịch cộng đồng và trở thành điểm hẹn cho những giấc mơ thoát nghèo của thanh niên.
Vợ chồng Giàng A Lư - Sồng Y Xú vốn ở Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Nơi này từng là thủ phủ của cây thuốc phiện và là điểm nóng về ma túy, tệ nạn xã hội. Nguyên nhân sâu xa bởi người Mông ở đây có mối quan hệ thân thiết với người Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và người Mông tại Lào. Điều này bị một số đối tượng lợi dụng, hình thành các đường dây tội phạm và biến Hang Kia - Pà Cò trở thành điểm trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam.
Từ những năm 2010, hoạt động du lịch tại Hang Kia - Pà Cò bắt đầu có những bước phát triển. Hòa chung dòng chảy ấy, A Lư theo học du lịch còn vợ anh - Y Xú - học mầm non, với mong muốn nâng cao nhận thức, dân trí, cũng như giúp bà con đồng bào phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, qua hai năm dịch bệnh, cuộc sống của nhà A Lư không còn như trước. Lượng khách đổ về Hang Kia - Pà Cò giảm khiến gia cảnh bấp bênh. "Cái bụng đói thì tôi phải đi thôi", A Lư chia sẻ về nguyên nhân dẫn anh tới A Chu Homestay ở bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, Sơn La hồi đầu năm nay.
Ở chốn mới, A Lư được học thêm nghề nấu ăn. Cộng thêm vốn kiến thức du lịch sẵn có và bản tính chăm chỉ, chịu khó, anh giúp cả quần thể homestay, bao gồm nhà sàn và một vài bungalow nằm ngay cạnh nhà văn hóa và sân vận động bản Hua Tạt thêm nhiều màu xanh của cây cỏ.
"Thu nhập ở đây ổn lắm. Sau khi quen việc, tôi được trả 5 triệu đồng/tháng. Mới làm mà được thế là sướng lắm rồi", A Lư kể, ánh mắt sáng lên niềm vui.
Khi thu nhập ổn định, A Lư rủ vợ đến làm cùng. Giờ thì thu nhập của cả nhà ngót nghét 10 triệu đồng/tháng, chi phí sinh hoạt cũng không mất nhiều vì cùng ăn, cùng ở với gia đình "ông chủ" Tráng A Chu.
"So với làm nương, rẫy, công việc của em giờ nhẹ hơn nhiều, chủ yếu là dọn dẹp, bếp núc. Nếu có khách đến, em sẽ hướng dẫn và đưa đi xem từng phòng", Y Xú vừa nói, tay vừa chìa một chiếc bát bằng gỗ lớn, đựng lỉnh kỉnh đống chìa khóa phòng.
Những khi đốt lửa trại, Y Xú cùng một số nhân viên sẽ ca múa nhạc, giúp homestay có thêm nhiều giá trị trong mắt du khách. Gặp lúc có vấn đề phát sinh, cô cũng được "đào tạo" kỹ năng ứng xử, làm thế nào để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.
A Chu Homestay được gia đình Tráng A Chu bắt đầu khởi công từ những năm 2014. Cùng với một số bà con trong bản, A Chu chuyển đổi diện tích trồng mận, đào có hiệu quả kinh tế thấp sang dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Nhà văn hóa và sân vận động được xây dựng khang trang cũng do một phần góp đất của gia đình A Chu.
Quyết định ấy lúc đầu cũng gặp ý kiến trái chiều của bà con trong bản. Nhưng giờ sau gần 10 năm, những cái nhà của A Chu cứ to và nhiều lên mãi. Trong số khoảng chục lao động làm việc thường trực tại homestay, có cả những người từ nơi khác như vợ chồng nhà A Lư.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ ăn, ở như một số homestay khác trên khu vực Tây Bắc, Tráng A Chu còn khai thác chính thế mạnh từ phong tục, tập quán của dân tộc Mông để quay lại làm giàu cho quê hương.
Ngoài việc tìm hiểu đời sống, nếp sinh hoạt của người Mông qua các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của đồng bào như: thu hoạch đào, mận, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống, canh tác nông nghiệp... A Chu còn tạo không gian để du khách và người dân bản gần gũi với nhau hơn bằng những hoạt động giao lưu, văn nghệ do chính các thanh niên trong bản và vợ chồng A Chu biểu diễn.
Anh Huy Bình, một du khách tại quận Đống Đa, Hà Nội tỏ vẻ thích thú trước những trải nghiệm độc đáo ở A Chu Homestay. Ngoài những cái mới, cái lạ ở bản Hua Tạt, anh Bình còn đánh giá cao việc "ông chủ" A Chu công bố dịch vụ và niêm yết giá một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Điều này giúp du khách dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau để có cái nhìn toàn diện.
"Tôi biết A Chu Homestay nhờ một lần dừng chân tại Quốc lộ 6. Sau về tìm hiểu thêm qua báo chí và mạng xã hội, thấy homestay này có nhiều điểm hay như kết hợp du lịch với trải nghiệm nông nghiệp, tìm hiểu văn hóa. Đó là những thứ không dễ có ở dưới xuôi", anh Bình bày tỏ.
Nhờ tư duy dám nghĩ, dám làm, Tráng A Chu vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hồi cuối tháng 5/2022, nhân dịp Thủ tướng dự Hội nghị đối thoại với nông dân tại Sơn La.
"Bình quân mỗi tháng, homestay của A Chu thu hút khoảng 200 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng. Riêng các ngày nghỉ lễ, khu homestay của tôi thường kín phòng", A Chu nói.
Làng rau Trà Quế được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới
Làng rau Trà Quế đã vượt qua hơn 260 hồ sơ đăng ký của 60 quốc gia để được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024.
Tôn vinh công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
THỪA THIÊN - HUẾ Triển lãm nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến xuất sắc của Đại tướng, khơi gợi niềm tự hào cho thế hệ trẻ noi theo tấm gương người con ưu tú của quê hương.
Gặp gỡ thi ca giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Gặp gỡ thi ca giữa các tác giả Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức chiều 14/11 tại Hà Nội, với buổi ra mắt tập thơ ‘Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau’.
1001 lỗi trong cuốn 'Thăng Long - Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử'1
Sách dày gần 800 trang, thống kê 1.000 sự kiện lịch sử Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử (ĐH KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội) chủ biên.
Sắp diễn ra lễ hội hoa kiểng Chợ Lách
Bến Tre Nhằm tôn vinh nghề trồng hoa kiểng từ ngày 8-12/1/2025, UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội hoa – kiểng với chủ đề 'Sắc màu Chợ Lách'.
Liên hoan sân khấu nhen lửa nghề kịch nói phương Nam
Liên hoan sân khấu TP.HCM khai mạc tối 12/11 tại Nhà hát TP.HCM, và sẽ kéo dài hai tuần lễ với 26 vở diễn của 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói phương Nam.