| Hotline: 0983.970.780

Miền cổ tích trong làng homestay

Chủ Nhật 10/04/2022 , 09:21 (GMT+7)

Chín bậc cầu thang trên nếp nhà sàn của người Tày ở Lâm Bình xưa chỉ đón bước chân của người thân, người làng nay đã đón thêm bước chân của khách gần, khách xa.

Những tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc của người Tày ở Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Những tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc của người Tày ở Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Ngôi nhà sàn lưu truyền 4 đời người

Đã 4 đời người ngôi nhà sàn của anh Hỏa Văn Ba nằm nép mình dưới chân núi đá ở bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ngôi nhà sàn với những cây cột lim, cột nghiến to một người ôm không hết.

Để có được những cột nhà sàn ấy, đời cha, đời ông của Ba mất nhiều hôm rút rìu ra khỏi vách nứa cạnh bếp than hồng; mất nhiều bao củ sắn, củ mài nhờ những người đàn ông sức vóc như con trâu mộng mới mang được từ rừng già về. Mỗi thế hệ của gia đình Ba lại bồi đắp để ngôi nhà thêm kiên cố.

Đến đời bố của Ba, những kẽ hở nơi vách tạm gió hoang đã không còn lùa vào. Nhưng để thành ngôi nhà sàn đón được khách ở qua đêm và móc tiền trong ví dúi vào tay chủ nhà, Ba phải tạm gác việc ruộng, việc nương nhiều ngày để cùng thợ sơn lại chỗ khô nẻ cũ mòn của những thân cột, những mảnh ván ghép sàn nhà, làm lại khuôn viên…

Nhà Ba có 5 anh chị em, 1 anh làm bộ đội, 1 chị làm cán bộ huyện, 1 anh làm ở Bộ Công an, đứa em gái út làm giáo viên. Chỉ mình Ba còn ở nhà làm ruộng. Không phải vì Ba học cái chữ không biết chạy vào đầu. Ba cũng thuộc người sáng dạ, học đủ số chữ để đỗ vào một trường Đại học bên Thái Nguyên. Vì không muốn lưng mẹ còng thêm khiến cả đời chỉ biết nhìn thấy bàn chân mình, anh tình nguyện ở nhà làm ruộng hỗ trợ bố mẹ làm ra được nhiều đầu trâu, đầu lợn, đầu gà để nuôi em và các anh chị học chữ, nuôi tiếp ước mơ ra chạy ra khỏi cái nghèo khổ của làng.

Ngôi nhà sàn homestay của gia đình anh Hỏa Văn Ba. Ảnh: Đào Thanh.

Ngôi nhà sàn homestay của gia đình anh Hỏa Văn Ba. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy không có điều kiện học lên đại học, nhưng việc học hết phổ thông cũng đủ làm cho cái đầu của Ba thạo việc nhà, đủ để biết giao tiếp, tính toán học hỏi đó đây để phát triển kinh tế. Khi những mảnh ruộng, mảnh nương khiến bồ thóc, bồ ngô đầy ắp mùa nối mùa người và gia súc ăn không hết Ba tính thêm chuyện mở rộng trồng thêm 8ha cam, bưởi theo hướng hữu cơ để phát triển kinh tế.

Năm 2021, anh mạnh dạn vay ngân hàng cả trăm triệu đầu tư sửa lại ngôi nhà sàn to nhất làng với khuôn viên rộng cả nghìn m2. Ba nuôi hi vọng từ vườn cây ăn quả, từ ngôi nhà sàn homestay sẽ làm cho những đồng tiền cũ biết đẻ ra những đồng tiền mới, để Ba có tiền trả nợ cho Nhà nước.

Ba bảo rằng, từ những ngày thơ ấu, những bé gái, bé trai người Tày đã được người lớn dậy để biết khi nhà có khách ghé thăm phải trải chăn, ga, gối đệm, mắc màn cho khách ngủ; sau khi ăn cơm phải lấy tăm cho khách và 1 chiếc khăn, 1 chậu nước ấm cho du khách rửa tay. Khi khách về gia chủ sẽ chuẩn bị một bữa cơm bằng những thứ ngon nhất mà chủ nhà có thể kiếm được…  Những nếp sống văn hoá mộc mạc ấy vẫn được anh duy trì khi đón từng đoàn khách đến homestay của mình.

Quả còn, một trong những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hoá của người Tày. Ảnh: Đào Thanh.

Quả còn, một trong những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hoá của người Tày. Ảnh: Đào Thanh.

Anh muốn đón khách như đón người thân của mình, để khách cảm nhận được sự thân tình hồn hậu của người dân bản Tày. Nhờ vậy mà vào mùa du lịch, ngôi nhà sàn của Hoả Văn Ba khách đến chật kín trong nhà, ngoài sân. Những ngọn đuốc được đốt lên, lửa bập bùng thắp sáng khoảng tối làm đen núi, đen rừng; những tiếng then vang xa lên tận đỉnh của 99 ngọn núi huyền thoại…

Ở làng homestay nghe chuyện cổ, xem dệt thổ cẩm

Cả huyện Lâm Bình có đến hàng nghìn ngôi nhà sàn cổ kính của các hộ người Tày. Những ngôi nhà sàn nằm nép mình dưới chân núi hùng vỹ và thơ mộng. Những ngôi nhà biết cất giữ từng câu truyện cổ dân gian của người Tày.

Khuôn viên giữa cánh đồng là điểm thú vị cho du khách có những bức ảnh lưu niệm đẹp khi đến với những làng homestay ở Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Khuôn viên giữa cánh đồng là điểm thú vị cho du khách có những bức ảnh lưu niệm đẹp khi đến với những làng homestay ở Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Hỏa Văn Phủ là nhóm trưởng nhóm Homestay 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm với 4 hộ gia đình cùng làm homestay. Tôi hỏi: Sao lại đặt tên là nhóm Homestay 99 ngọn núi?

Anh Phủ đáp: Theo truyện cổ xưa, vùng đất Thượng Lâm xưa có 99 con phượng hoàng về đậu rồi lại bay đi. Nếu có trọn 100 ngọn núi thì nơi đây đã thành kinh đô. Ngày nay, vùng đất Thượng Lâm vẫn còn 99 ngọn núi mọc sừng sững soi bóng dưới lòng hồ sinh thái rộng lớn. Vì mê và muốn kể lại truyện cổ của dân tộc mình, Phủ và các thành viên đã đặt tên cho nhóm của mình là Homestay 99 ngọn núi.

Học Phủ, ở Lâm Bình, nhiều nhà cũng lựa chọn những cái tên gắn liền với những cậu chuyện cổ nuôi lớn ký ức tuổi thơ từ bao đời nay của người Tày để đặt cho homestay của gia đình mình.

Đón khách du lịch, nhiều hộ dân ở Lâm Bình đã chỉnh trang lại khuôn viên nhà mình. Ảnh: Đào Thanh.

Đón khách du lịch, nhiều hộ dân ở Lâm Bình đã chỉnh trang lại khuôn viên nhà mình. Ảnh: Đào Thanh.

Vì mê truyện cổ, mê văn hoá dân gian nên từ nhỏ Phủ đã ham lên rừng cùng những người già trong dòng họ tìm cây thuốc dân gian để chữa bệnh cho người làng. Bởi thế khi làm homestay, Phủ cũng muốn sử dụng chính những vị thuốc mình học được để giới thiệu với khách du lịch.

Đến homestay của Phủ và các thành viên trong nhóm Homestay 99 ngọn núi du khách sẽ được anh mời uống thứ nước lá cây được đun lên từ lá cây Mạy ản một, Cẩu vài hèng và Mạy tảng tó (tiếng Tày)… Thứ nước này bao năm qua người Tày ở bản anh vẫn uống vào trong bụng thay nước chè, nước vối để người già, người lớn và trẻ em có được cái bụng khoẻ, cái chân cứng leo đồi, leo núi phăm phăm.

Khách đến ở homestay của Phủ còn được ngâm mình trong những bồn gỗ bằng lá cây thuốc trên rừng. Để có được mỗi thứ lá ấy, những ngày thời tiết đẹp, khi mặt trời còn chưa kịp treo trên đỉnh ngọn núi đầu làng Phủ đã lên rừng kiếm lá. Khi những lá cây thuốc được đun nóng lên thì chỉ cần đặt chân vào phòng tắm, mùi hương của chúng đã kịp luồn vào khứu khác rồi làm mềm cơ thể xua đi những mệt mỏi căng thẳng của cuộc sống.

Đến Lâm Bình, du khách có thể trải nghiệm dệt thổ cẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Đến Lâm Bình, du khách có thể trải nghiệm dệt thổ cẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Năm 2021, khi cán bộ về làng Tày bảo cần những người phụ nữ biết dệt thổ cẩm để khôi phục nghề truyền thống, bởi trước kia Lăng Can là cả một vùng trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm rộng lớn với hàng trăm ha.

Trước đề nghị này, một số người vì già mắt kém, tay mờ đã không thể làm được. Cũng có không ít người vì mải đi làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn nên đã từ chối. Nhưng chị Hoả Thị Nguyệt ở thị trấn Lăng Can lại nhận lời. Bởi chị là người Tày, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng tâm hồn bằng văn hoá dân tộc, vì thế chị không muốn những câu chuyện ý nghĩa, những hoa văn tinh xảo nơi tấm thổ cẩm cứ mãi nằm lại trong mỗi câu chuyện kể của người già.

Từ ngày nhận lời cán bộ khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, mỗi khi bóng chiều đổ xuống, các ngôi làng ở huyện Lâm Bình dần được bó kín trong đêm đen tĩnh vắng, trên nếp nhà của chị Nguyệt vẫn sáng ánh điện. Sau tiếng cót két của khung cửi vang lên theo từng nhịp tay của người phụ nữ là sản phẩm thổ cẩm với hoa văn tinh xảo kịp làm ra để trưng bày vào dịp lễ hội cho khách tham quan, trải nghiệm; kịp giao cho khách miền xuôi đã đặt hàng.

Nhờ những người như chị Nguyệt, nghề dệt thổ cẩm dần sống lại trên các ngôi làng của người Tày ở Lâm Bình. Du khách đến tham quan nhiều hơn, cái túi đựng tiền của người phụ nữ cũng dầy lên. Giờ đây ở thị trấn Lăng Can đã có hàng chục nhà làm nghề dệt thổ cẩm với gần 100 chị em phụ nữ tham gia.

Các bản người Tày ở Lâm Bình đêm nay mọi người í ới gọi nhau bàn chuyện chuẩn bị đón khách khi ngày mai làng quê chính thức vào mùa du lịch. Bếp lửa giữa ngôi nhà sàn được truyền hơi ấm từ đời này qua đời khác vẫn cháy, than vẫn nồng đượm, những mái đầu người bản Tày chụm lại, soi rõ từng nét mặt.

 Bên bếp lửa ấy các thế hệ truyền dạy, lưu giữ vốn văn hóa cổ xưa bình dị mà nhân văn, nay đang được người Tày kể lại cho khách ghé thăm, nán lại uống chén rượu mềm môi đến tận đêm mà tiệc chưa muốn tàn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan rất là đẹp, có núi, có sông, có hồ, có rừng nguyên sinh và những cánh đồng rất là đẹp được dẫy núi bao quanh. Thời gian vừa qua, huyện đã và đang phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững. Khách khi đến với Lâm Bình được trải nghiệm những hoạt động như đi cấy, đi cầy, đánh bắt cá, chăn trâu, chăn lợn, chăn gà, chăn dê cùng với đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình.

Qua việc phát triển du lịch nông nghiệp, người dân có ý thức hơn trong việc sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ và 2 nữa là thu nhập sẽ cao hơn, đấy là điểm mấu chốt mà chung tôi đang hướng tới. Để làm được việc đó huyện sẽ tiếp tục tập trung tập huấn hướng dẫn người dân để nâng cao trình độ, kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo bền vững.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.