Từng muốn phá bỏ rừng lê
Đi qua chiếc cổng đá to đẹp nhất xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang), men theo bờ rào đá chạy dọc con đường bê tông là lên đến vườn lê của gia đình anh Đặng Xuân Cường ở thôn Khau Tràng.
Người đàn ông sinh năm 1976 vừa đan những phên cỏ tranh vừa tiếp chuyện tôi. Anh Cường làm những phên cỏ tranh để lợp lại khu nhà để xe, nhà đón khách và khu vệ sinh vừa được vợ chồng anh san nền dựng lên cạnh vườn lê để đón khách mùa lễ hội hoa lê. Nếu thuê thợ làm khung sắt, bắn tôn lợp mái sẽ nhanh hơn nhưng như thế thì sẽ mất đi cái chân chất hồn quê riêng biệt của đồng bào miền núi.
Chỉ vài ngày nữa thôi, vườn lê cửa nhà anh Cường sẽ nườm nượp khách miền xuôi lên đây để trải nghiệm, ngắm cảnh và chụp hình. Đây cũng là mùa mà vườn lê cho anh thu về cả trăm triệu đồng từ tiền bán vé cho khách vào tham quan.
Vậy mà cách đây chỉ khoảng 5 năm về trước, anh Cường đã từng quyết tâm chặt một phần vườn lê để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Bởi những mùa lê sai quả nhưng không bán được, mang đi biếu cũng khó bởi trong làng nhà nào cũng có vài cây lê. Khi biết được tin anh có ý định chặt vườn lê, cán bộ xã đến tận nhà bảo, không được chặt bỏ bởi vườn lê được trồng trên đất của anh nhưng nó là tài sản của nhà nước, là dự án cây trồng với mục tiêu thay đổi đời sống của bà con vùng cao. Chỉ vài năm nữa có đường, có giấy chứng nhận nông sản an toàn, quả lê sẽ biết sinh ra tiền.
Đúng như lời cán bộ nói, 1 năm sau đó, con đường xuống núi của người Dao ở Hồng Thái với chằng chịt ổ voi, ổ gà sẵn sàng rình để kéo người đi đường ngã nhào được thay bằng con đường nhựa phẳng lì. Xe máy, xe ô tô của người miền xuôi lên được tận làng; hàng hóa, nông sản và cả ngôi nhà gỗ mái ngói âm dương, hoa lê, văn hóa bản địa từ đó cũng biết sinh cho cái túi đựng tiền dắt bên hông sườn của người đàn ông, đàn bà người Dao dầy lên, cho cái bụng của người làng no ấm.
Vườn lê của gia đình anh Cường trở thành địa chỉ tìm đến của nườm nượp khách miền xuôi. Vụ lê năm 2021, anh thu cả trăm triệu đồng tiền vé từ khách tham quan vườn lê. Vụ quả anh cũng thu được 40 triệu đồng.
Ngoài vườn lê của gia đình anh Đặng Xuân Cường thì ở Hồng Thái có cả trăm hộ trồng lê, với khoảng 10 hộ có những đồi lê trồng với mật độ lớn phục vụ khách tham quan du lịch ngắm hoa vào dịp lễ hội.
Mùa tháng 3, lên mảnh đất cao hơn 1.000m so với mực nước biển, điệp trùng mây núi Hồng Thái còn là mùa hoa cải vàng ruộm, tuyệt đẹp. Cũng giống như cây lê, vườn cải của người dân cho 2 vụ thu hoạch. Nếu cây lê mùa hoa mới là mùa cho người dân nguồn thu chính thì những vườn cải cũng vậy. Hiện nay vùng rau an toàn của xã Hồng Thái đã được hình thành hơn 5ha, trong đó có hơn 1ha trồng cải nương vừa cho thu hoạch rau vừa để đơm hoa phục vụ du lịch. Những luống cải như dòng sông vàng uốn lượn lưng chừng đồi sẽ làm thỏa mãn lòng yêu thích cái đẹp và say mê chụp hình lưu niệm của du khách.
Cho người lạ đến ngủ cùng nhà
18 tuổi, Đặng Thị Dương đẹp như một bông hoa lê chớm nở. Bởi vậy tối đến không ít trai làng lấp ló sau bờ rào đá nhà cô mong đưa được Dương về để có người lo làm ấm bếp lửa, làm tốt nương ngô. Nhưng cô không đồng ý, vì còn mải học chữ.
Ở cái tuổi của Dương, việc người ở bản Dao học đại học đã không còn hiếm nữa. Nhưng đó là chuyện học của đám trai bản, còn chuyện một cô gái mải học chữ mà không chịu lấy chồng sớm vẫn đủ làm xôn xao bản gần bản xa. Học xong khoa Khoa học quản lý của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dưới Hà Nội, Dương học thêm tiếng Trung và xin ở lại Hà Nội làm phiên dịch viên cho một1 công ty tại Thủ đô. Nhưng sau đó năm 2017, vì nhớ lối về của con đường ở Hồng Thái, Dương đã xin nghỉ việc để trở về quê hương làm cán bộ xã và được cấp trên giao nhiệm vụ phải tiên phong góp phần phát triển dịch vụ du lịch của các bản làng.
Homestay Cây Vải của cô cũng được thành lập sau khi cô về làng không lâu. Dương đặt tên homestay Cây Vải vì trước cổng nhà Dương có 1 cây vải cổ thụ đã gắn bó với người Dao ở Hồng Thái từ khi lập làng từ hơn 200 năm trước. Để đón khách đến homestay, Dương làm thêm cái cổng thật đẹp, sửa lại ngôi nhà, khuôn viên, tường rào.
Người làng vốn đã thấy Dương khác những cô gái bình thường khác trong làng nay còn tiên phong cho người lạ đến nhà mình ngủ qua đêm càng khiến họ thêm xì xèo bàn tán. Nhưng cái homestay của Dương mọc ra đón nhiều đoàn khách lạ đến ở cùng mà chính quyền xã không những không phản đối, cán bộ xã còn thường xuyên đến tham quan, động viên. Tiếp sau đó là hàng loạt những homestay của các bạn trẻ khác như homestay Mác coọp, homesay Hoàng Hà… ra đời khiến phong trào làm dịch vụ homestay ngày càng nở rộ ở Hồng Thái. Khi ấy, người làng mới vỡ lẽ rằng làm homestay là làm du lịch, vừa đón được khách đến ở cùng cho nếp nhà thêm ấm cúng rộn ràng, vừa có tiền nuôi cái bụng được no.
Cũng từ đó, dân làng ngày càng hiểu và mến Dương hơn. Chẳng thế mà hễ gặp khó gì trong làm dịch vụ du lịch, hay các chế độ chính sách nhiều người làng đã tìm đến Dương để hỏi cách gỡ hộ. Mỗi lần như thế, Dương lại được họ tặng khi thì củ sắn, bắp ngô, khi là mớ rau rừng… Những món quà nhỏ ấy khiến đường đến các bản làng phải vượt bộ cả nghìn mét núi mà bàn chân Dương chưa khi nào biết mỏi.
Lễ hội hoa lê của xã Hồng Thái thường được tổ chức vào tháng 3 hằng năm. Đến lễ hội, du khách được trải nghiệm vườn lê, được ngâm chân, tắm thuốc lá của người Dao; được ăn đặc sản ẩm thực của người bản địa và uống rượu ngô thơm nồng… Mới đây, xã Hồng Thái đã trồng 2km đường hoa lê dọc con đường từ trung tâm UBND vào các thôn để tăng mỹ quan cho mảnh đất xinh đẹp này.
Năm 2020, xã Hồng Thái đạt chuẩn nông thôn mới. Hồng Thái cũng là địa phương dẫn đầu huyện Na Hang về làm OCOP với 6 sản phẩm đạt sao OCOP. Đặc biệt sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà được công nhận 4 sao và đang được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn là một trong hai sản phẩm phấn đấu đạt 5 sao trong năm 2022. Sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP cũng đang góp phần trở thành sản phẩm du lịch quà tặng cho du khách khi ghé tham quan Hồng Thái.