“Văn bia Việt Nam: Di sản, văn hoá và lịch sử” là chuyên khảo do PGS.TS Trần Trọng Dương chủ biên trong Tùng thư Văn bia Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc quý IV/2024. Cuốn sách là kết quả hợp tác giữa NXB Khoa học Xã hội liên kết với Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) - Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE) - Dự án châu Âu (Vietnamica).
Với 450 trang sách khổ 16 x 24 cm, cuốn sách được chia làm 10 chương, dưới sự chủ biên của PGS.TS Trần Trọng Dương. Các tác giả biên soạn gồm: PGS.TS Trần Trọng Dương (Chương I, II, IV, VI, IX); TS Lê Thị Thu Hương (Chương VII); ThS Phạm Minh Đức (Chương V, X); ThS Dương Văn Hoàn (Chương III, VIII). Việc nêu rõ từng tác giả biên soạn của từng chương cho thấy sự rõ ràng, minh bạch của nhóm biên soạn. Điều này khác với nhiều công trình khác trên các ấn phẩm khi xuất bản, bạn đọc không thể biết được tác giả nào viết chương nào, thậm chí hỏi đến người chủ biên thì cũng không nhớ chương đó do ai viết.
Sách không có thông tin mới
Mở đầu cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng chủ trì Tùng thư Văn bia Việt Nam, chia sẻ: “Trong cuốn chuyên khảo này, độc giả dễ thất bại nếu muốn đi tìm kiếm những thông tin có tính “độc sáng”, có tính mới về bi ký học Việt Nam, chẳng hạn như sưu tầm bổ sung tư liệu, giải đọc và phân tích nguồn tư liệu văn bia mới. Điểm mạnh của cuốn sách không nằm ở tính sáng tạo mới về nội dung và tư liệu nguyên cấp, mà ở sự sắp xếp các vấn đề nghiên cứu một cách có hệ thống, tập hợp và tổng thuật những thành tựu của các nhà nghiên cứu trước đây trên từng bình diện cụ thể, từ đó vẽ ra một bức tranh tương đối toàn cảnh về lĩnh vực bi ký Việt Nam, tập trung vào văn bia Hán Nôm”.
Đọc chuyên khảo này, độc giả sẽ có kiến thức tổng quát về các loại hình văn bia (bia thạch khối, bia ma nhai, bia nhị diện, bia trụ tứ diện, bia trụ lục diện, bia trụ tròn, bia hộp, thiên đài trụ, bát lăng bi – hay còn gọi là kinh tràng, bia bài vị….); phân biệt được mỹ thuật trang trí và nghệ thuật thư pháp trên văn bia qua các thời kỳ (từ Bắc thuộc qua Lý - Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê trung hưng - gồm có bia ở Đàng Ngoài dưới thời chúa Trịnh và bia ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn, cuối cùng là mỹ thuật bia triều Nguyễn).
Đọc chuyên khảo này, độc giả cũng sẽ biết được các loại đá được chọn để khắc văn bia, những làng nghề tạo khắc văn bia trong lịch sử như Kính Chủ (Hải Dương), An Hoạch (Thanh Hoá), Ninh Vân (Ninh Bình), Non Nước tức Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); phân biệt được văn bia trong các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo; bia đình làng và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, bia đền, bia miếu, bia phủ…). Bạn đọc còn hiểu thêm văn hoá cung tiến xây dựng đình, chùa qua văn bia thời phong kiến hay tục gửi giỗ, tục lập hậu vào nhà chùa…
Phần dẫn luận của chuyên khảo cũng nêu ra một thực trạng đã xảy ra từ thời phong kiến vẫn tồn tại cho đến hôm nay đó là văn bia nguỵ tạo. Vì vậy, một vấn đề đặt ra thử thách các nhà khoa học hiện nay đó là giám định niên đại văn bản và giám định văn bản nguỵ khắc trên văn bia. Trong những năm gần đây, hiện tượng nguỵ thư và nguỵ bi đã xuất hiện khi xây dựng các “dự án văn hoá – tâm linh” mà báo chí phản ánh qua sự việc thẻ tre và văn bia được cho là của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng.
Có một vài điểm nhỏ, người viết bài này muốn góp ý với nhóm tác giả để trong lần tái bản sau, cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn. Đó là việc viết sai niên đại cùng các mốc lịch sử:
Trang 281, chương VI (Văn bia ghi chép về cơ cấu làng xã cổ truyền), tiểu mục Hội Tư văn, PGS.TS Trần Trọng Dương viết: “giai đoạn trị vị [? - vì] của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1494)”. Mốc lịch sử sau sai. Vua Lê Thánh Tông ở ngôi đến năm 1497 mới mất chứ không phải chỉ đến năm 1494. Trước đó, chương IV (Nghệ thuật thư pháp trên văn bia), tiểu mục 5 giai đoạn triều Lê sơ, PGS.TS Trần Trọng Dương có trích dẫn hai tác phẩm ngự bút - ngự chế của vua Lê Hiến Tông là bài vãn vua cha Lê Thánh Tông trên bia Chiêu Lăng và bài vãn bà nội là Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao trên bia Khôn Nguyên chí đức chi bi (khắc năm 1498). Người biên soạn có dẫn hình ảnh kèm chú thích “Thư pháp chữ khải, Lê Hiến Tông, 1494” (tr. 220). Mốc thời gian 1494 này cũng sai vì như trên đã viết, vua Lê Thánh Tông mất năm 1497, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất trước đó 1 năm (1496). Không thể nào có bài vãn khóc người chưa chết vào năm 1494 được.
Những lỗi sai về mốc thời gian, niên đại trong chuyên khảo này không ít. Tôi chỉ dẫn một vài ví dụ làm chứng. Đề nghị PGS.TS Trần Trọng Dương (chủ biên) cùng Nxb Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE) và Dự án châu Âu (Vietnamica) nghiêm túc rà soát lại cho lần tái bản sau (nếu có).
Đại Thắng Minh Hoàng đế là ai?
Còn một nội dung khác, tôi cũng mong được người chủ biên chuyên khảo “Văn bia Việt Nam: di sản, văn hoá và lịch sử” lên tiếng giải thích giúp. Ở chương I (Các loại hình văn bia), tiểu mục 7 – Kinh tràng (bát lăng bi), PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết: “Năm 1005 – 1006, Lê Long Đĩnh cũng cho dựng một bảo tràng lớn để truy tiến công đức cho tiên đế Lê Đại Hành, và cầu an sau những thảm sát trong anh em ruột” (tr. 100). Xin tác giả cho biết, bảo tràng mà Lê Long Đĩnh dựng vào năm 1005 – 1006 hiện ở đâu? Cơ quan văn hoá nào quản lý? Theo tôi được biết, ở Hoa Lư (Ninh Bình) chỉ có bảo tràng do Đinh Liễn dựng để ca ngợi công đức của vua cha Đinh Tiên Hoàng.
Thêm nữa, chương IV (Nghệ thuật thư pháp trên văn bia), tiểu mục 2 giai đoạn triều Đinh - Tiền Lê, PGS.TS Trần Trọng Dương khẳng định: “Cuối cùng là kinh tràng cỡ lớn được tạc vào thời Tiền Lê, nhiều người cho rằng đây là minh văn được khắc vào thời Lê Hoàn. Bia hiện đặt tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình). Nhưng dòng chữ hiện còn cho thấy bảo tràng này được dựng lên để cầu siêu cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, cho nên đây là văn vật dựng lên bởi Lê Long Đĩnh vào năm 1005, ngay sau khi Lê Đại Hành băng hà. Lối chữ khải trên kinh tràng năm 1005 kế thừa phong cách khải thư từ Đinh và thư pháp thời Đường, làm nền tảng cho khải thư thời nhà Lý sau này” (tr. 212).
Không rõ “nhiều người” được soạn giả nhắc đến ở đây là những ai? Có điều, sinh thời GS Hà Văn Tấn khi khảo cứu kinh tràng chùa Nhất Trụ đã chứng minh hiện vật được tạo dựng năm 973 đời vua Đinh Tiên Hoàng. Qua đoạn trích dẫn ở trên của PGS.TS Trần Trọng Dương cho thấy ông không hề biết Đại Thắng Minh Hoàng đế là tôn xưng của Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi - tức vua Đinh Tiên Hoàng (968 – 979). Lẽ nào, Lê Long Đĩnh lại không phân biệt được vua cha của mình là Lê Đại Hành (980 – 1005) không phải Đại Thắng Minh Hoàng đế - để cầu siêu nhầm?
Phải chăng đây là kết quả nghiên cứu mới của nhóm tác giả trong chuyên khảo? Kính mong PGS.TS Trần Trọng Dương - chủ biên chuyên khảo lên tiếng trả lời giúp cho bạn đọc được tỏ tường.
PGS.TS Trần Trọng Dương nguyên Trưởng phòng Minh Văn học, Viện nghiên cứu Hán Nôm(Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Hiện nay ông đang là giảng viên tại trường Ngoại ngữ - Du lịch (ĐH Công nghiệp Hà Nội). Những năm gần đây, ông ứng dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học nhân văn (lịch sử, văn học và ngôn ngữ) để đưa ra những kiến giải mới về lịch sử trung đại Việt Nam được chú ý.