| Hotline: 0983.970.780

Hơn 20 năm ‘muôn nẻo đường rừng’

Thứ Tư 15/12/2021 , 08:11 (GMT+7)

Cuốn sách tập hợp 35 bài phóng sự, ký sự được viết từ năm 1998 đến nay, được chia làm hai phần: Tiếng gọi từ rừng thẳm, Rừng ngàn gió hát.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng bên cây gỗ quý lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ tại vùng rừng giáp ranh biên giới Việt - Lào địa phận Quảng Bình.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng bên cây gỗ quý lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ tại vùng rừng giáp ranh biên giới Việt - Lào địa phận Quảng Bình.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng - một trong những "cây phóng sự có hồn" của Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa xuất bản cuốn phóng sự, ký sự “Muôn nẻo đường rừng” mà anh viết ròng rã hơn 20 năm trong cuộc đời làm báo của mình…

Cuốn sách tập hợp 35 bài phóng sự, ký sự được viết từ năm 1998 đến nay, được chia làm hai phần: Tiếng gọi từ rừng thẳm, Rừng ngàn gió hát.

Nhiều phóng sự dài kỳ xen lẫn những bài điều tra lẻ hình thành nên một tuyến bài viết về rừng của Nguyễn Tâm Phùng mà có những bài chỉ đọc tít đã thấy rợn người: Phá rừng như chém, Phá rừng dọc đường xuyên Á, Tan hoang những cánh rừng già, Đi “chợ” mua thịt thú rừng, Quỷ ác ở chốn rừng già…

Cầm cuốn sách trên tay, tôi có cảm giác như đang lạc vào những khu rừng già nguyên sinh ở Quảng Bình, nơi có di sản thiên nhiên thế giới hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Những cánh rừng hiện lên trang viết của Nguyễn Tâm Phùng với bạt ngàn những cây gỗ quý vài ba người ôm mới kín gốc, có cây cả chục người ôm, tuổi đời cả ngàn năm tuổi mọc sừng sững giữa trời đất, ngọn vươn lên tận trời xanh. Những lão đại thụ của rừng già ấy trải qua hàng trăm năm chống chọi với phong ba bão táp đất miền Trung để bảo vệ đất đai và con người nơi miền nắng gió chang chang Quảng Bình. Ấy vậy mà những đại lão của rừng già ấy đang bị những nhóm người chặt phá không thương tiếc.

Dấu chân làm nên tập sách...

Dấu chân làm nên tập sách...

Hãy đọc những dòng mà anh đã viết: “Hàng loạt những cây gỗ lớn, nhỏ bị chặt ngổn ngang như bị một trận bão lớn tràn qua chưa được thu dọn… Theo Hồ Lịch dẫn đường, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng bị triệt phá. Hàng ngàn cây gỗ quý bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Cả hàng chục ha rừng bị cắt trắng. Trên con đường len lỏi chạy giữa vùng rừng giáp ranh chúng tôi bắp gặp những đống gỗ lớn chất tràn ra cả lối đi…”.

Tận mắt thấy những cánh rừng già ngày đêm bị xẻ thịt đã thôi thúc Nguyễn Tâm Phùng quyết dấn thân vào tận sào huyệt của lâm tặc viết bài tố cáo tội ác của những kẻ phá rừng, dẫu biết rằng trên con đường đi tìm sự thật ấy sẽ gặp muôn ngàn hiểm nguy, có khi phải đổi cả tính mạng mình.

Nhưng không thể sợ hãi, sợ hãi chính là đầu hàng cái ác đã thôi thúc anh đến với rừng với tình yêu và nỗi trăn trở về rừng. Bởi thế anh đặt câu hỏi: Có giữ được rừng nguyên sinh?

“Đến với rừng Thuận Hóa mới thấy tài nguyên rừng ở đây còn phong phú lắm. Cây gỗ cao bời bời, thẳng tắp, mọc chen nhau, toàn là táu, dầu… Có những khu rừng thuần loài gỗ táu. Táu mọc ken dày, thẳng tắp…”, như mô tả trong trang viết của Nguyễn Tâm Phùng.

Những cánh rừng thuần loài gỗ táu như thế vô cùng hiếm hoi, tôi đi khắp vùng Tây Bắc chưa gặp một cánh rừng nào như cánh rừng mà Nguyễn Tâm Phùng đã tả. Khi tận mắt nhìn những cánh rừng gỗ quý bị phá tan hoang anh đã thốt lên: “Nhưng đau xót thay, ở những cánh rừng mà tôi đã có dịp đi qua, hàng trăm cây gỗ như thế bị chặt hạ… Rừng tan hoang từng khu vực, cây gỗ bị đốn hạ chồng lên nhau, những mảnh ván gỗ bìa còn tươi rói vất tứ tung. Có những điểm gỗ đã được chuyển đi, có điểm gỗ vừa được xếp đống chờ trâu kéo xuống núi…”.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng đang đo đường kính một cây gỗ lớn bị đốn hạ tại vùng núi miền tây Quảng Bình.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng đang đo đường kính một cây gỗ lớn bị đốn hạ tại vùng núi miền tây Quảng Bình.

Hãy nghe một thợ sơn tràng có tiếng vùng Kim Lũ huyện Tuyên Hóa nói với anh: “Có những nhóm người ở cả tháng trời trong rừng, gỗ chất đống, khi kéo xuống đến đầu nguồn sông Gianh thì kết bè xuôi về”.

Kỳ lạ thay, việc lâm tặc phá rừng như chốn không người nếu không có sự tiếp tay của lực lượng chức năng? Anh đặt câu hỏi “Mặc dù chưa thể có được những bằng chứng cụ thể về những tiêu cực của một số cá nhân trong lực lượng bảo vệ rừng, nhưng rõ ràng, việc lâm tặc khai thác gỗ dữ dội trong rừng một cách công khai và sau đó gỗ lậu lại “ung dung” về xuôi như vậy thì tất cả những câu hỏi trên đều không khó tìm ra câu trả lời”.

Qua đoạn văn này anh không chỉ mặt đặt tên, nhưng người đọc có thể hiểu nếu không có sự bảo kê của ai đó thì không thể có tình trạng hàng ngàn khối gỗ đang kết bè nơi đầu nguồn sông Giang chờ chuyển về xuôi.

Muôn nẻo đường rừng là tập phóng sự, ký sự giàu chất liệu cuộc sống được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2021. Đây là tập sách mặc dù chất văn học không nhiều, thế mạnh của Nguyễn Tâm Phùng là trưng ra con người và sự kiện, anh không uốn éo “làm văn” như nhiều cây bút khác viết về rừng, bù vào đó là chất ký sự ngồn ngộn cuộc sống với cả trăm gương mặt hiện lên qua từng trang viết.

Hãy nghe một lãnh đạo hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa giải thích việc phá rừng ồ ạt, gỗ chất đầy nhà dân: “Người phá rừng thì đông, lực lượng kiểm lâm lại ít, thiếu phương tiện nên không kiểm soát nổi tình hình”. Nghe câu trả lời ấy sao mà khôi hài đến như vậy. Còn vị đại diện chính quyền thì thừa nhận “Các ban ngành liên quan trong việc bảo vệ rừng còn lấn cấn giữa lý và tình nên không xử lý triệt để được việc phá rừng”. Một cách trả lời như trối bỏ trách nhiệm của chính quyền địa phương, bởi thế mà chính quyền xã cũng tiếp tay cho phá rừng?

Qua những trang viết của Nguyễn Tâm Phùng, anh đã chỉ ra ai là kẻ phá rừng, ai là người tiếp tay cho nạn phá rừng nhiều năm ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Những trang viết của anh như máu ứa, đau đáu nỗi đau về rừng.

Những phóng sự của Nguyễn Tâm Phùng đã vạch trần sự phá rừng tàn tệ ở Quảng Bình, góp phần lôi ra ánh sáng những kẻ tiếp tay cho lâm tặc, giúp chính quyền địa phương xử lý những cán bộ thoái hóa biến chất trong lực lượng kiểm lâm? Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã kỷ luật và cách chức một số cán bộ kiểm lâm, trong đó có trạm trưởng, trạm phó Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch.

Tôi rất ấn tượng về một bức ảnh trong một bài phóng sự đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam là đôi giày đạp lên vách đá tai mèo. Đó là đôi giày của Nguyễn Tâm Phùng, trong mấy chục bài phóng sự viết về rừng, không biết anh đã thay bao nhiêu đôi giày như thế? Tôi có cảm giác không một cánh rừng nào bị tàn phá ở Quảng Bình mà anh không đặt chân tới, nói khác đi rừng đã cầu cứu anh lên tiếng bảo vệ.

Đây là tập sách viết về rừng hay nhất mà tôi được đọc trong những năm qua của "cây phóng sự" của báo Nông nghiệp Việt Nam dám dấn thân không sợ hiểm nguy, đó là Nguyễn Tâm Phùng, nên có đôi lời giới thiệu với độc giả để những ai đó yêu quý rừng, yêu quý con người anh hãy tìm đọc.

Đau xót về những khu rừng bị tàn phá, những trang viết của anh như ứa máu, còn những con người trồng rừng thì anh viết về họ như những “hiệp sĩ” với sự trân trọng và kính nể, dù họ được mọi người gọi là ông Lý chập mạch, ông Tiết tật nguyền, bà Thanh làm đủ nghề lấy tiền bảo vệ rừng… Chính họ là những “hiệp sĩ” vá trời, vá đất… vá những nỗi đau mà những kẻ phá rừng để lại những sẹo đất trên khắp đất Quảng Bình.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.