| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc giúp thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam

Thứ Bảy 16/04/2022 , 21:09 (GMT+7)

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc chọn để thực hiện chiến lược hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 13-16/4/2022, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã làm việc Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) và Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) thuộc Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ phải sang) tham quan mô hình trang trại thông minh tại Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ phải sang) tham quan mô hình trang trại thông minh tại Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Tại cuộc làm việc, Tổng cục trưởng RDA Park Byunghong nhấn mạnh, dù mối liên kết song phương của hai nước đã có những bước phát triển đáng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, tuy nhiên, mối quan hệ nông nghiệp của hai nước mới được thiết lập và phát triển mạnh mẽ từ năm 2009 khi RDA ký biên bản ghi nhớ với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và thành lập Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Trung tâm KOPIA Việt Nam) đặt trụ sở tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Sự kiện này đã đặt nền móng cho một thập kỷ hợp tác thành công về nông nghiệp giữa hai quốc gia.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc chọn để thực hiện chiến lược hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Các dự án trong chương trình KOPIA với Việt Nam bao gồm: chuyển giao công nghệ về phát triển cây nhiên liệu sinh học, các giống rau cao cấp, công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển cây ăn quả ôn đới, phát triển khuyến nông, ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Tổng kinh phí tài trợ cho chương trình hơn 4 triệu USD.

Tổng cục trưởng RDA Park Byunghong cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể hợp tác phát triển nông nghiệp. Không chỉ thúc đẩy chuyển giao công nghệ sinh học, giống cây trồng… các hoạt động hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều năm qua còn hướng đến mục tiêu toàn diện là phát triển một nền nông nghiệp thông minh và bền vững.

Thời gian qua, nhiều dự án đã thuộc chương trình KOPIA và Sáng kiến ​​Hợp tác nông nghiệp và Thực phẩm châu Á (AFACI) đã triển khai mang lại hiệu quả tích cực, năng suất cao.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp ảnh lưu niệm với Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp ảnh lưu niệm với Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong chuyến thăm này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng có buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC). Đây là là đơn vị có chức năng nghiên cứu xây dựng, thực hiện, và quản lý các dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Thời gian qua, KRC đã thực hiện nhiều dự án ODA không hoàn lại hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam. Đại diện Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc cũng bày tỏ sự tin tưởng, năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đánh dấu mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Là năm vô cùng ý nghĩa đối với Hàn Quốc và Việt Nam khi cùng nhau hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Để thực hiện điều này, KRC sẽ chú trọng  vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, nông nghiệp thông minh, phòng chống thiên tai. Phía Hàn Quốc cam kết sẽ cùng với Việt Nam nỗ lực thực hiện, cụ thể hóa bằng những hợp tác và chiến lược trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trân trọng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ thiết thực của Chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan liên quan, đặc biệt là của RDA và KRC thông qua các chương trình dự án khác nhau.

Những dự án hợp tác kỹ thuật được KOPIA tài trợ thời gian qua đã có tác động rất lớn đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, giúp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về cơ chế chính sách, phát triển nông thôn, đặc biệt là các mô hình ứng dụng cao trong nông nghiệp sản xuất.

Song song với đó, những dự án hợp tác của KRC tại Việt Nam đã góp phần mang lại sự phát triển cho khu vực nông thôn ở Việt Nam, các dự án phù hợp với định hướng của ngành và đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Trong đó, các dự án phát triển khoai tây bền vững gắn với chế biến, xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản, và dự án cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng… được kỳ vọng sẽ trang bị hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa và nâng cao năng lực canh tác, chế biến và hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Hàn Quốc có mô hình phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng khá tương đồng với Việt Nam. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới. Đây là cũng là hai lĩnh vực mà Hàn Quốc đi trước và có nhiều kinh nghiệm. Mô hình “Làng mới” (Seamaul undong), phát động từ những năm 1970 đã thành công rực rỡ và đang được Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Việt Nam học tập và áp dụng hiệu quả.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng để nghị phía Hàn Quốc mở rộng các chương trình, dự án hợp tác, hỗ trợ nhằm đa dạng sản phẩm, tập trung vào nông nghiệp thông minh, trang trại thông minh, giúp người trẻ khởi nghiệp, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn và cảnh quan nông thôn. Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai dự án đạt kết quả hiệu quả nhất, dành nguồn lực để nhân rộng những mô hình thành công.

Xem thêm
Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.