| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã lớn nhất Philippines học gì ở hợp tác xã 'nhỏ nhất' Việt Nam?

Thứ Hai 22/01/2024 , 16:47 (GMT+7)

ACDI - hợp tác xã lớn nhất ở Philippines với hàng trăm nghìn thành viên vừa liên tiếp cử nhiều đoàn sang tìm hiểu về du lịch nông nghiệp tại một HTX ở TP.HCM.

HTX ACDI của Philippines tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm tại HTX Sản xuất - Du lịch - Nông nghiệp Tam Nông (quận 12, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX ACDI của Philippines tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm tại HTX Sản xuất - Du lịch - Nông nghiệp Tam Nông (quận 12, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX lớn nhất Philippines thăm HTX “nhỏ nhất” Việt Nam

Nhắc tới việc HTX ACDI của Philippines tổ chức các đoàn sang tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp của HTX Sản xuất – Du lịch – Nông nghiệp Tam Nông, TS Nguyễn Văn Bắc (cố vấn của HTX Tam Nông) vẫn chưa hết ngạc nhiên. Bởi trong khi HTX ACDI có quy mô lớn nhất Philippines thì HTX Tam Nông mới thành lập được vài tháng và tự nhận là HTX “nhỏ nhất” Việt Nam vào thời điểm này, khi mới chỉ có 9 thành viên.

HTX ACDI được thành lập từ năm 1981, ban đầu chỉ là một hợp tác xã tín dụng quy mô nhỏ dành cho các phi công quân sự. Từ năm 2011, HTX ACDI phát triển thành một hợp tác xã đa năng khi đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của mình. Cụ thể, HTX đã đầu tư và thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ, xây dựng, phát triển bất động sản, dịch vụ an ninh và giáo dục, cùng những lĩnh vực khác.

Đến nay, HTX ACDI có hơn 260 nghìn thành viên với tổng giá trị tài sản hiện vào khoảng 33 tỷ peso Philippines.

Đoàn khách Philippines ấn tượng với việc phân bón không mùi hôi của vật nuôi tại Nông trại Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn khách Philippines ấn tượng với việc phân bón không mùi hôi của vật nuôi tại Nông trại Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong khi đó, HTX Sản xuất - Du lịch - Nông nghiệp Tam Nông mới được thành lập năm 2023 tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Tuy tuổi đời còn rất non trẻ, nhưng HTX Tam Nông đã có kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp từ nhiều năm nay. Bởi nhân tố khởi đầu cho sự hình thành hợp tác xã là Nông trại Tam Nông, đã bắt đầu có các hoạt động du lịch nông nghiệp từ năm 2015.

TS Nguyễn Văn Bắc cho biết, 9 năm trước, trong lần đi công tác, học tập tại Mỹ, ông đã được tham quan mô hình American Farm ở bang Minnesota, nơi trưng bày nông nghiệp xưa bên cạnh việc trình diễn nông nghiệp hiện đại của nước Mỹ, qua đó thu hút rất đông khách tham quan. Từ chuyến đi ấy, ông đã nảy ra ý tưởng và bàn bạc với gia đình xây dựng nông trại Tam Nông theo hướng một “bảo tàng” nông nghiệp, kết hợp sản xuất với phát triển du lịch.

Nông trại Tam Nông có diện tích 1ha. Nông trại được chia làm 3 khu là chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản với các dịch vụ như hoạt động dã ngoại; trải nghiệm nghề nông (quá khứ cũng như hiện tại); nơi thực hành các môn học như sinh học, nông nghiệp; trồng và cung cấp rau theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, trong nông trại còn có 12 homestay thân thiện với môi trường cho du khách muốn ở lại trải nghiệm đêm thôn quê ngay trong nội thành TP.HCM.

Đoàn khách thích thú trải nghiệm đi xuồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn khách thích thú trải nghiệm đi xuồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để phát triển du lịch nông nghiệp, Nông trại Tam Nông đang đẩy mạnh các hoạt động sản xuất theo mô hình du lịch nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ. Chẳng hạn, ở khu chăn nuôi có mô hình 3 tầng nuôi bồ câu, gà, dê. Trong mô hình này, bồ câu được nuôi ở tầng trên cùng, chúng sẽ tìm kiếm thức ăn ngay trong vườn bằng cách săn bắt các loài sâu bọ. Dê được nuôi ở tầng 2 bằng các loại lá cây trong trang trại. Còn tầng 3 nuôi gà. Trang trại áp dụng công nghệ đệm lót sinh học bao gồm rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh để phân hủy nguồn phân từ dê, gà và bồ câu, sau đó bón lại cho cây trồng, cỏ trồng. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ từ nông trại được sử dụng phục vụ cho du khách.

Ngoài khách đến với mục đích nghỉ ngơi, giải trí còn có nhóm khách từ các trường học đến trải nghiệm về nông nghiệp. Nhiều gia đình ở TP.HCM và các tỉnh lân cận thường xuyên đưa con cái đến Nông trại Tam Nông để học cách làm nông nghiệp ở đô thị, qua đó vừa tạo thêm thú vui vừa có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.

Có thể nói, Nông trại Tam Nông là một mô hình độc đáo khi kết hợp nông nghiệp với du lịch ngay trong nội thành TP.HCM, qua đó tạo ra một “miền quê” ngay trong lòng phố thị. Mô hình cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm.

Khách nghe chia sẻ về việc làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại nông trại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khách nghe chia sẻ về việc làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại nông trại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp xanh

Không chỉ có khách trong nước, Nông trại Tam Nông còn thường xuyên đón khách quốc tế đến từ rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều du khách đến từ Philippines. TS Bắc cho rằng, cùng với những thông tin trên Internet, có lẽ đây là một trong những “kênh” giúp cho mô hình du lịch nông nghiệp của HTX Tam Nông được HTX ACDI ở Philippines biết tới.

Cũng theo TS Bắc, đây là lần đầu tiên HTX Tam Nông tiếp đón một đoàn khách lớn đến từ một HTX có quy mô lớn nhất của một quốc gia, đến tham quan về mô hình du lịch nông nghiệp.

Trước khi cử các đoàn sang Việt Nam, HTX ACDI đã có thư ngỏ gửi HTX Tam Nông. Trong thư có đoạn viết: “Chúng tôi thực sự quan tâm đến việc hiểu rõ hơn về hoạt động, văn hóa hợp tác xã của bạn và các chiến lược độc đáo đã cho phép bạn đa dạng hóa thành công sang lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Với ý nghĩ này, tôi viết thư này để xin phép cho một chuyến tham quan học tập tới hợp tác xã của bạn. Mục tiêu chính của chúng tôi trong chuyến thăm này bao gồm tìm hiểu thực tiễn quản lý của hợp tác xã, trao đổi ý tưởng về các sáng kiến nông nghiệp bền vững và tìm hiểu về việc lồng ghép thành công du lịch vào mô hình nông nghiệp của bạn”.

TS Nguyễn Văn Bắc (bên phải), Cố vấn cao cấp đang giới thiệu về nguyên vật liệu sử dụng để làm nhà cho khách nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Nguyễn Văn Bắc (bên phải), Cố vấn cao cấp đang giới thiệu về nguyên vật liệu sử dụng để làm nhà cho khách nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khách thích thú đi cầu khỉ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khách thích thú đi cầu khỉ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Du khách trải nghiệm những món ăn Việt Nam sử dụng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi tại nông trại Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Du khách trải nghiệm những món ăn Việt Nam sử dụng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi tại nông trại Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 22/1, trong chuyến tham quan, học hỏi ở HTX Tam Nông, các thành viên của HTX ACDI đã tỏ ra rất thích thú với các hoạt động trải nghiệm các mô hình nông nghiệp tại Nông trại Tam Nông, các hoạt động du lịch nông nghiệp độc đáo và các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam,

Bà Alegre C. Ledesma, Trưởng đoàn khách của HTX ACDI, chia sẻ: “Qua chuyến thăm lần này chúng tôi học được khá nhiều thứ, khiến cho chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Đặc biệt là công nghệ chăn nuôi không có mùi hôi và dùng chính chất thải chăn nuôi để bón cho các cây trồng hữu cơ trong trang trại. Chúng tôi rất thích công nghệ chăn nuôi không mùi hôi ở HTX Tam Nông và muốn được phổ biến ở Philippines”.

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, HTX Tam Nông mới thành lập chưa lâu nhưng đã được một HTX lớn nhất ở Philippines chú ý tới là một điều rất mừng. Qua chuyến đi này, các bạn Philippines đã bày tỏ mong muốn được học hỏi về phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng xanh và nông nghiệp tuần hoàn.

"Chuyến tham quan của HTX ACDI cũng là một dịp tốt để HTX Tam Nông học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng, phát triển hợp tác xã. Đồng thời mở ra cơ hội  để trao đổi du lịch nông nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là du lịch nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Chẳng hạn, các đoàn muốn tham quan các mô hình du lịch xanh ở Philippines thì HTX Tam nông sẵn sàng đứng ra để kết nối, hoặc ngược lại, các đoàn Philippines muốn sang Việt Nam tham quan những mô hình du lịch nông nghiệp như Nông trại Tam Nông hoặc các mô hình nông nghiệp xanh khác thì Tam Nông cũng sẽ sẵn sàng kết nối", TS Nguyễn Văn Bắc nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm