Cách làm sáng tạo
Tây Ninh có núi Bà Đen mệnh danh là nóc nhà Đông Nam bộ và là địa điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước mỗi độ xuân về. Tây Ninh cũng có mãng cầu được xem sản vật địa phương. Với ý tưởng làm nông nghiệp gắn với du lịch, thay vì chọn cây truyền thống là mãng cầu, anh Nguyễn Trung Đông dồn nhiều tâm huyết xây dựng Bà Đen Farm ngay dưới chân núi Bà Đen với cây dưa lưới canh tác theo hướng công nghệ cao là chủ lực kết hợp du lịch trải nghiệm mở ra hướng đi triển vọng nơi đây.
Đến thăm Bà Đen Farm vào những ngày tiết trời vào xuân, dưới ánh nắng ấm buổi sáng của vùng đất mệnh danh đầy nắng và gió của biên giới Tây Ninh, những quả dưa lưới lúc lỉu nép mình dưới những chiếc lá xanh thẫm cuốn hút từng đoàn khách cả ta lẫn tây (khách nước ngoài). Mọi người vui vẻ đến đây để trải nghiệm cách canh tác cũng như mục sở thị những quả dưa lưới chín mọng và tận tay thu hoạch ăn tươi ngay tại chỗ hoặc gói về làm quà.
Đứng cạnh hàng dưa lưới thẳng tắp được chăm sóc tỉ mỉ, anh Nguyễn Trung Đông, chủ trang trại cho biết, vùng đất quanh núi chủ yếu đá khô cằn lại khan hiếm nguồn nước. Trước đây, anh cũng như bao người dân chỉ canh tác lúa một vụ, một số hộ trồng mãng cầu nhưng những năm qua giá mãng cầu cũng khá bấp bênh.
Vốn xuất thân là nông dân, sau khi tốt nghiệp đại học, anh luôn trăn trở làm sao để vực dậy đời sống bà con nơi đây. Nhận thấy dưa lưới là loại cây ưa nóng, giá trị kinh tế cao, nhưng bài toán đặt ra là làm sao đề tìm được nguồn nước tưới sạch và ổn định sản xuất. Được sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp cùng các cộng sự, sau nhiều lần thử nghiệm với bao thử thách, anh trở về tìm mạch nước ngầm thẩm thấu trong lòng núi, sau đó anh thuê người đặt ống dẫn vào giếng trữ.
Sau khi có nguồn nước, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính để hấp thu toàn bộ sức nóng của mặt trời, tạo độ ngọt cho quả dưa, đồng thời thiết kế hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, khép kín. Cộng với quy trình sản xuất sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu và các loại thuốc gây hại cho sức khoẻ người dùng, sản phẩm dưa lưới làm ra đã tạo được niểm tin.
“Với đặc điểm giờ nắng cao, nguồn nước được lấy từ núi đá cùng quy trình canh tác dưa khép kín theo công nghệ học tập từ Israel, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, sản phẩm dưa lưới bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Dưa lưới Bà Đen Farm còn có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng hút khách du lịch mỗi khi đặt chân đến núi Bà Đen”, anh Nguyễn Trung Đông chia sẻ.
Đa dạng hóa loại hình
Theo anh Nguyễn Trung Đông, sau khi thành công với trang trại dưa lưới, xu thế phát triển du lịch hiện nay không chỉ là tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm, loại hình du lịch ẩm thực thưởng thức đặc sản, đặc trưng vùng miền là một trong những điều hấp dẫn du khách.
Nhận thấy, ẩm thực của Tây Ninh đa dạng, phong phú, đây là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch ẩm thực. Để thỏa mãn du khách, bên cạnh tập trung chăm sóc trang trại dưa lưới, Bà Đen Farm còn xây dựng nhà hàng kết hợp điểm trưng bày các sản phẩm COOP, đến đây, du khách thưởng thức những món ăn đặc sản Tây Ninh như: bánh canh, bánh tráng phơi sương, muối ớt tôm, mắm chua, bò tơ, các món ăn chay.. Thậm chí, những quả dưa lưới tươi mát cũng có thể trở thành món ăn khác biệt như dưa xào bò, hay những thức uống giải tỏa cơn khát trong những ngày nóng bức như nước ép, sinh tố dưa lưới được các đầu bếp Bà Đen Farm chế biến công phu tạo ra hương vị khác biệt níu chân du khách.
“Xác định, ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho du khách, đến với Bà Đen Farm ngoài được trải nghiệm các món ăn, đồ uống, du khách còn được nghe câu chuyện cách tạo ra các món ăn của người dân Tây Ninh, từ đó du khách hoà mình và cảm nhận giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất và người Tây Ninh một cách sinh động và chân thực. Điểm đặc biệt khi đến Bà Đen Farm là du khách không phải mua vé, doanh thu phụ thuộc vào loại hình du lịch du khách lựa chọn”, anh Nguyễn Trung Đông chia sẻ.
Sau khi chinh phục đỉnh núi Bà Đen, lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 1, TP.HCM) đưa cả đình đến Bà Đen Farm nghiệm, không giấu được sự thích thú khi tận tay cắt những quả dưa chín, rồi được thưởng thức các món ăn từ những quả dưa do chính mình thu hoạch, chị Liên vui vẻ cho biết, “Năm nào tôi cũng đưa cả gia đình thi viếng núi Bà 3-4 lần nhưng hầu hết đi về trong ngày vì xung quanh núi không có điểm dừng chân, đến Bà Đen Farm mình rất thích vì được trực tiếp hái những quả dưa lưới tươi ngon không sâu bệnh, không thuốc hóa học và thưởng thức luôn thì còn gì bằng, lần sau tôi sẻ rủ thêm người thân và bạn bè đến đây để tiếp tục được trải nghiệm”.
Đang mải mê chọn lựa các sản phẩm muối và bánh tráng phơi sương làm quà cho người thân, chị Nguyễn Hải Yến (ngụ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho biết, thông thường sau khi viếng chùa chị luôn mua các món đặc sản của Tây Ninh như muối tôm, bánh tráng về làm quà nhưng chủ yếu mua ở các cửa hàng ven đường nên luôn bất an về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Đến Bà Đen Farm thứ đặc sản gì cũng có, sản phẩm có nhãn mát rỏ ràng, thậm chí có thể quét mã code để truy xuất nguồn gốc, giá cả phải chăng, tôi rất hài lòng”, chị Yến nói.
Trợ lực du lịch nông nghiệp
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Ninh là tỉnh đa dân tộc và đa tôn giáo cùng chung sống hòa hợp, từ đó tạo nên nhiều bản sắc độc đáo của một tỉnh nam bộ. Đồng thời với địa hình đa dạng từ đồng bằng, sông hồ đến đồi núi...Bên cạnh các loại hình du lịch hiện hữu, phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông đang được coi là hướng đi đầy tiềm năng, hấp dẫn và bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Giờ đây, chuyện làm nông nghiệp kết hợp du lịch không còn là khái niệm xa lạ với nông dân Tây Ninh. Bên cạnh Bà Đen Farm, thời gian gần đây, xung quanh núi Bà Đen đã xuất hiện nhiều điểm du lịch nông nghiệp do chính bà con nông dân lập ra. Để du lịch nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn, Tây Ninh đã triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.
Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Tây Ninh cũng đã đề ra giải pháp để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong đó, sẽ khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như: bãi đỗ xe, khu bán sản phẩm địa phương, phục vụ ẩm thực, lưu trú… gắn với các nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất cây đặc sản, cây có thế mạnh của tỉnh...bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh khẳng định.