Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học cũng như có truyền thống canh nông, văn hóa lúa nước lâu đời. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên, đa dạng văn hóa, lịch sử là điều kiện cho việc phát triển bền vững hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo và là cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Trong những năm gần đây, nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến đáng kể từ việc sản xuất, chế biến, cung cấp nhu cầu lương thực đến việc nông nghiệp đã trở thành một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nhưng các hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn vẫn chưa có bước đột phá.
Hầu hết 63 tỉnh thành Việt Nam đều mong muốn phát triển du lịch nông nghiệp, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch gắn với văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê; gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
Từ Bắc chí Nam, Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình như tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), tour mùa vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đến trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); làm gốm tại BàuTrúc (Ninh Thuận), trồng hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng); hay du lịch miệt vườn, sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Có nhiều địa phương bước đầu thành công nhưng cũng có nhiều địa phương loay hoay chưa biết làm sao tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ làm sao để tránh các sản phẩm sao chép, na ná giống nhau khắp các vùng miền gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau.
Không chỉ cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về làm du lịch trên đất nông nghiệp mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực và bảo tồn các giá trị xanh bền vững, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cũng cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách, mà phải làm sao để các bác nông dân, các hợp tác xã, các trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.
Trước khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức của việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nên chăng du lịch nông nghiệp Việt Nam lựa chọn phát triển các mô hình quản lý mẫu:
Mô hình thứ 1: Hộ nông dân đầu tư nhỏ + Nhà nước nước hỗ trợ + Chuyên gia tư vấn + Công ty lữ hành hợp tác
Mô hình thứ 2: Nhà nước đầu tư + Hộ nông dân tham gia + Chuyên gia tư vấn + Công ty lữ hành hợp tác
Mô hình thứ 3: Doanh nghiệp đầu tư + Hộ nông dân tham gia + Chuyên gia tư vấn + Công ty lữ hành hợp tác
Tất nhiên, mô hình nào cũng không thể thiếu việc xây dựng và triển khai các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng vùng miền, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp thị, quảng bá trong thời đại mới.
Lựa chọn được mô hình phù hợp, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng rằng, các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo của Việt Nam sẽ mang lại các trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch phối hợp xây dựng nông thôn mới và cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.