| Hotline: 0983.970.780

Hùng Nhơn Group và De Heus rót 1.450 tỷ đồng vào Kon Tum

Thứ Hai 29/11/2021 , 18:11 (GMT+7)

KON TUM Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Kon Tum về hợp tác đầu tư Tổ hợp Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn (giữa) cùng Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group và Tổng giám đốc De Heus Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Tổ hợp Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kon Tum. Ảnh: Minh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn (giữa) cùng Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group và Tổng giám đốc De Heus Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Tổ hợp Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kon Tum. Ảnh: Minh Phúc.

Lễ ký kết diễn ra tại hội nghị bàn về kế hoạch đầu tư xây dựng tổ hợp dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum, do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Kon Tum cùng hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn tổ chức ngày 29/11.

Siêu dự án quy mô 200 ha, trị giá 65 triệu USD

Đây tiếp tục là một “siêu dự án” trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng quy mô sử dụng đất khoảng trên 200 ha, bao gồm một số khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Châu Âu và khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó, hai Tập đoàn cũng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và trung tâm nghiên cứu con giống, đào tạo lao động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 65 triệu USD (tương đương với 1.450 tỷ đồng).

Trong đó, Dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Các đại biểu đại diện UBND tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Các đại biểu đại diện UBND tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kỹ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.

Sau khi hoàn thành, cùng với các tổ hợp dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk, Gia Lai, dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum sẽ trở thành nguồn cung cấp nhanh chóng, tin cậy giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải miền Trung.

Đồng thời, dự án tạo cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại Kon Tum, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương...

Hùng Nhơn Group chọn Kon Tum để dừng chân

Chia sẻ lý do lựa chọn Kon Tum là điểm dừng chân tại khu vực Tây Nguyên, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: “Hùng Nhơn không đi chọn đất mà trước tiên là chọn con người. Với sự chào đón nồng hậu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum trong không khí trang nghiêm, chúng tôi đền đáp lại bằng sự nỗ lực cố gắng của hai Tập đoàn. Chắc chắn, dự án sẽ thành công”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: Minh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn bày tỏ vui mừng khi Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn “đậu” ở tỉnh. Bởi tổng diện tích đất nông nghiệp của Kon Tum hơn 300.000 ha nhưng dân số của tỉnh Kon Tum chỉ 555.000 người. Quỹ đất để phát triển nông nghiệp tương đối lớn trong khi trình độ canh tác còn lạc hậu và hiệu quả thấp.

Ông Lê Ngọc Tuấn minh chứng: "Bình quân mỗi ha đất ở Kon Tum chỉ mang lại giá trị khoảng 50 – 100 triệu đồng/năm, trong khi ở Lâm Đồng là 500 – 600 triệu đồng/năm. Do đó, chúng tôi mong De Heus và Hùng Nhơn Group đến Kon Tum càng nhanh càng tốt, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tìm hiểu và triển khai các hoạt động đầu tư tổ phợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan – ông Willem Schoustr, cho rằng: “Bản thân các tài nguyên đều có giới hạn. Do đó, việc khai thác phải đảm bảo tính bền vững, vừa nuôi vừa dưỡng. Và sự hợp tác giữa hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là một minh chứng về cách đầu tư phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững”.

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan - ông Willem Schoustr. Ảnh: Minh Phúc.

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan - ông Willem Schoustr. Ảnh: Minh Phúc.

Từ kinh nghiệm của Hà Lan trong phát triển nông nghiệp, ông Willem Schoustr cho rằng, phải đưa ra được tầm nhìn dài hạn, qua đó quyết định hành động cần làm ngay.

De Heus là đơn vị phát triển nông nghiệp hàng đầu Hà Lan với hơn 100 năm kinh nghiệm, mang tinh thần đến Việt Nam để phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng các khu chăn nuôi sạch bệnh.

Với tầm nhìn và định hướng từ nay tới 2030, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống heo cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Các đại biểu tham dự hội nghị phía Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn. Ảnh: Minh Phúc.

Các đại biểu tham dự hội nghị phía Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn. Ảnh: Minh Phúc.

Với các dự án đang được đầu tư tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Tây Ninh, và khu vực Đồng Nam Bộ, Tây Nam bộ, mục tiêu cho dự án heo giống đến năm 2030 của liên doanh Hùng Nhơn và De Heus là: Công suất khoảng 10.000 con heo cụ kỵ, ông bà (tương đương 80.000 con heo hậu bị mỗi năm, công suất đàn heo nái khoảng 200.000 con, khoảng 6 triệu con heo thịt mỗi năm). Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD, tương đương 46.500 tỷ đồng mỗi năm.

Hợp tác doanh nghiệp điển hình trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan

 “Tại các dự án đầu tư tổ hợp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi liên kết thành các mắt xích trong hệ thống chuỗi để cùng đi. Chúng tôi không cạnh tranh với nông dân mà hỗ trợ nông dân thông qua hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, con giống chất lượng cao và đầu ra của sản phẩm”, ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Gabor Fluit - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Gabor Fluit - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Gabor Fluit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á cho biết, vừa qua, Tập đoàn De Heus đã mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan. Định hướng của De Heus là phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi, trong đó Hùng Nhơn Group sở hữu các trang trại chăn nuôi lớn, còn hệ thống giống heo, gà và chế biến sẽ được De Heus cung cấp.

Cũng theo ông Gabor Fluit, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cần khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm. Trong đó, 60 - 70% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Do đó, Việt Nam có cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu khoai mỳ (sắn) và bắp – đây là hai nguyên liệu rất quan trọng trong dinh dưỡng động vật. Thời gian tới, Tập đoàn De Heus sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT các địa phương để xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy của Tập đoàn.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu thế bắt buộc phải làm trong tương lai. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu thế bắt buộc phải làm trong tương lai. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu thế bắt buộc phải làm trong tương lai. Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng có rất nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi bởi có quỹ đất rộng và mật độ dân số thấp, thích hợp để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Nhấn mạnh về cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng, về liên doanh thực hiện dự án, Tập đoàn Hùng Nhơn (có trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã phát triển một cách vượt bậc, trở thành một tập đoàn đa ngành nghề với hệ thống chuỗi 15 công ty thành viên).

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Tập đoàn De Heus với 13 năm vào Việt Nam đã vươn lên đứng đầu về sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản với 22 nhà máy, vượt qua Công ty C.P gần đây, sau khi mua lại các nhà máy thức ăn chăn nuôi của Massan.

Hai Tập đoàn đã và đang hợp tác thực hiện có một số dự án đầu tư về chăn nuôi lợn, gà, bò khá thành công tại một số địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai và Đắk Lắk.

“Liên doanh này hiện đang nổi lên như là một mô hình hợp tác doanh nghiệp điển hình trong quan hệ Việt Nam – Hà Lan”, ông Mậu đánh giá.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.