Ngày 27/9, tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đăk Lăk và Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tổ chức lễ khởi công dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk”.
Dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk” là sự liên doanh hợp tác nằm trong chuỗi chiến lược phát triển của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn có quy mô khoảng 200 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo đó, các hạng mục của dự án bao gồm: Khu trang trại chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan có diện tích 80 ha; Khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30 ha; Nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15 ha; Khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20 ha; Khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30 ha; Đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25 ha.
Dự án có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25 nghìn con heo bố mẹ và heo hậu bị.
Dự án chăn nuôi này được ứng dụng 100% công nghệ cao, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ kỵ quy mô lớn và Vùng an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành dự án tại Gia Lai, tiếp đến sẽ triển khai tại Đăk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất lên mức 10.000 đến 15.000 con giống cụ kỵ, và từ 100.000 đến 120.000 con giống ông bà. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và Phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo ra nguồn cung cấp giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong chiến lược dài hạn, De Heus và Hùng Nhơn cũng hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đăk Lăk và các vùng phụ cận.
Việc hợp tác phát triển dự án còn tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 lao động là người dân tộc thiểu, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Đăk Lăk.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group cho biết, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của khu vực Tây Nguyên nói chung, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư đồng loạt các dự án nông nghiệp công nghệ cao khắp khu vực Tây Nguyên, mở đầu là dự án “Tổ hợp khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk”.
“Trong điều kiện dịch bệnh covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nhận thấy trong khó khăn luôn tồn tại nhiều cơ hội để bứt phá và tăng tốc. Chính vì vậy, chúng tôi chọn thời điểm này để tổ chức Lễ khởi công dự án hợp với quy luật thiên thời, địa lợi nhân hòa”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cũng cho biết, dự án được khởi công còn thực hiện mục tiêu vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng.
Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế theo Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA). Khi đó, với dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa và tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc khởi công Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk đánh dấu bước phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam, điều này được thể hiện qua nhiều mặt tích cực.
Cụ thể, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, dự án được đầu tư theo hướng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao sẽ tạo tiền đề cho sản phẩm chăn nuôi mà chủ lực là thịt lợn, thịt gà của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Đặc biệt, dự án DHN được đầu tư sẽ giải quyết đúng nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam như: Giải được bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn và gà năng suất cao; xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo chuỗi liên kết phát triển bền vững từ con giống, thức ăn, giết mổ cho đến khâu chế biến, phân bón hữu cơ...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, dự án DHN Đăk Lăk sẽ trở thành mô hình tiêu biểu áp dụng công nghệ 4.0 qua đó góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi, cải thiện chất lượng, giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí vận hành, đạt hiệu qua kinh tế cao.
Cùng với đó, Dự án DHN sẽ là kiểu mẫu về phát triển sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Cụ thể, xen kẽ khu chăn nuôi là khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh. Toàn bộ phân lợn, gà thải ra được tận dụng làm phân hữu cơ.
“Dự án không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp mà còn đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương, giảm khoảng cánh phát triển với các khu vực khác, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh Đăk Lăk luôn tạo thuận lợi để dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk được triển khai xây dựng đúng tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Khi đó, dự án sẽ tạo ra hàng trăm công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh, mở ra cơ hội lớn để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển vượt bậc về quy mô, tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế. Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nông sản sạch cho thị trường trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến khó lường. Đồng thời dự án góp phần đem lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả địa phương, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp Đăk Lăk.
UBND tỉnh Đăk Lăk mong muốn Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm để tỉnh hợp tác cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.