| Hotline: 0983.970.780

Hướng mở cho rừng gỗ lớn

Thứ Năm 05/03/2020 , 10:13 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp liên kết với người dân Bình Định trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, là hướng mở để phát triển rừng gỗ lớn.

Người dân huyện An Lão (Bình Định) trồng rừng gỗ lớn.

Người dân huyện An Lão (Bình Định) trồng rừng gỗ lớn.

Sở NN-PTNT Bình Định vừa trình UBND tỉnh đề án liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC của 4 doanh nghiệp (DN) gồm: Cty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, Cty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn), Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập (huyện Hoài Nhơn) và HTX Lâm nghiệp An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh).

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện nay, những DN muốn xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, gỗ nguyên liệu cần phải có chứng chỉ FCS để khẳng định nguồn gốc. Nếu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng thì những lô hàng ấy sẽ được các đối tác ưu tiên mua và giá trị được tăng lên từ 15 – 20%.

“Nhiều doanh nghiệp đã về Bình Định liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên những diện tích đất rừng đã được cấp sổ lâm bạ. Trong quá trình trồng, các DN sẽ mời 1 đơn vị tư vấn nước ngoài vào kiểm tra, cấp chứng chỉ FSC”, ông Hổ cho hay.

Cũng theo ông Hổ, các DN sẽ hỗ trợ chi phí, kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân, kể cả kinh phí làm chứng chỉ FSC. Đến khi thu hoạch, người trồng rừng sẽ được hưởng khoản tăng thêm vì gỗ có chứng chỉ FSC.

Hiện ở Bình Định mới chỉ có Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn có 100% vốn Nhật Bản đang trồng gần 10.000ha rừng theo các tiêu chuẩn chứng chỉ FSC với chu kỳ trồng 8,5 năm trở lên; bình quân mỗi năm Cty này khai thác và trồng mới khoảng 1.000ha rừng.

“Trồng rừng theo chứng chỉ FSC không chỉ tăng giá trị của gỗ khi xuất khẩu mà còn đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan”, ông Hổ khẳng định

Ông Trần Duy Phong, Giám đốc Cty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát cho biết: “Đề án liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC của DN sẽ được thực hiện từ năm 2020 - 2035, tại địa bàn 22 xã trong tỉnh Bình Định với tổng diện tích khoảng 20.000ha. DN đã xây dựng đề án và trình Sở NNPTNT để sở trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương khảo sát các vùng đất, gặp gỡ người dân, tiến tới liên kết với họ để thực hiện sau khi đề án được phê duyệt. Trước mắt, trong năm 2020, DN sẽ liên kết trồng 3.000ha rừng trên địa bàn huyện Tây Sơn”.

Nhân viên Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định) kiểm tra mức tăng trưởng của rừng gỗ lớn

Nhân viên Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định) kiểm tra mức tăng trưởng của rừng gỗ lớn

“Hiện gia đình tôi trồng được hơn 40ha rừng, từ trước đến nay, khi rừng được 5 – 7 tuổi là tôi khai thác, bán cho các nhà máy băm dăm. Những năm gần đây, do đầu ra của dăm gỗ không ổn định kéo theo giá gỗ rừng trồng cũng bấp bệnh, nên hiệu quả kinh tế từ rừng rất thấp.

Giờ có DN vào liên kết trồng rừng gỗ lớn, bao tiêu sản phẩm tôi sẽ đăng ký tham gia, bởi nhận thức được rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Trần Ngọc Thái, người dân trồng rừng ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) bộc bạch.

“Hiện hầu hết thị trường các nước nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi sản phẩm gỗ xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, phải có chứng chỉ FSC.

Ngày 11/2 vừa qua, có 1 DN Nhật Bản sang Bình Định để liên kết sản xuất viên nén màu nâu. Yêu cầu trước tiên của họ là gỗ nguyên liệu phải có chứng chỉ FSC thì họ mới làm. Hơn nữa, phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC vào thời điểm này là rất bức thiết.

Bởi, hiện hơn 240 DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang lệ thuộc đến 80% gỗ nguyên liệu vào nguồn nhập khẩu. Phát triển rừng gỗ lớn sẽ giải quyết được vấn đề gỗ nguyên liệu cho hoạt động chế biến đồ gỗ xuất khẩu”, ông Phan Trọng Hổ.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.