Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra sinh trưởng rừng trồng gỗ lớn theo định kỳ. |
Thực tế này đã “kích thích” nhiều tổ chức, cá nhân chuyên trồng rừng nguyên liệu ở Bình Định quan tâm hơn đến việc trồng rừng gỗ lớn.
Ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho biết vào năm 2010, đơn vị đã trồng tại xã Canh Giao 90ha rừng với quyết tâm “nuôi” diện tích rừng này thành rừng gỗ lớn. Trong niên vụ khai thác rừng năm 2019, diện tích rừng nói trên đã được thu hoạch với năng suất đạt đến 180 tấn/ha.
Theo ông Tùng, trong trồng rừng gỗ lớn, việc chọn cây giống là rất quan trọng, nếu sử dụng giống cấy mô thì càng hiệu quả. Thứ đến là phải tác động lâm sinh đúng quy trình, rừng phải được chăm sóc kịp thời, đúng mùa vụ, trong suốt chu kỳ phải cho cây rừng “ăn” ít nhất 1 lứa phân. “Sử dụng giống cấy mô rừng phát triển có độ đồng đều rất cao; cây dẻo, có thể trụ vững trước gió bão; chống chịu sâu bệnh hại rất tốt, đặc biệt là cây rừng phát triển rất nhanh, vừa trồng xuống đất là lên vùn vụt”, ông Tùng nói.
Ông Tùng nêu điển hình: Vụ trồng rừng năm 2017, Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh trồng 400ha rừng với giống cấy mô, sau 2 năm, hiện diện tích rừng nói trên đã cao đến 4 - 5m, trong khi những cánh rừng khác trồng cùng thời điểm với giống dâm hom hiện chỉ mới cao 1,5m. “Rừng trồng năm 2016 bằng giống dâm hom nằm sát cánh rừng trồng năm 2017 bằng giống cấy mô đã cho thấy thực tiễn so sánh. Rừng trồng năm 2017 hiện đã phát triển tốt hơn rừng trồng năm 2016 rất xa”, ông Tùng cho hay.
Trong khi đó, theo nhiều hộ trồng rừng ở huyện Vân Canh (Bình Định), nếu mua phải cây giống dâm hom của các vườn ươm có vườn nhân giống già cỗi, cây giống trồng xuống đất đến 3 năm rồi mà rừng phát triển còi cọc. Bởi, khi vườn nhân giống đã già nua thì cây đã bị biến đổi, chẳng thể cho ra những cây giống khỏe mạnh.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ thực hiện trồng theo kiểu cuốn chiếu đạt 1.000ha rừng gỗ lớn, đến năm 2030 chu kỳ khai thác sẽ khép kín. Khi ấy, cứ mỗi năm chúng tôi khai thác khoảng 100ha, sản lượng thu được bằng 300ha so trước đây. Thêm vào đó, giá trị rừng gỗ lớn còn được tăng thêm 30%. Chỉ riêng diện tích rừng gỗ lớn chúng tôi đã có khoản doanh thu tốt để hoạt động”, ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghệp Hà Thanh, bộc bạch.
Hiệu quả của rừng gỗ lớn đã thấy trước mắt, thế nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn đang phải đối mặt với nỗi khó lớn, ấy là về nguồn vốn đầu tư suốt chu kỳ. “Mặc dù hiện nay từ Trung ương đến địa phương đều động viên, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn với hứa hẹn sẽ có chính sách hỗ trợ. Thế nhưng thực tế chúng tôi chưa thấy có sự hỗ trợ nào. Để thực hiện trồng rừng gỗ lớn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay toàn bộ vốn liếng chúng tôi phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại. Bây giờ vay 1 tỷ đồng để đầu tư, 10 năm sau rừng thu hoạch, chúng tôi phải trả cả vốn lẫn lãi thành 2 tỷ, thành ra lãi suất 100%/10 năm”, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh Cái Minh Trùng, than thở.
Nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn đang được doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Định thu mua rất mạnh. |
Không chỉ khó về vốn, chuyện làm bảo hiểm rừng gỗ lớn cũng đang là vấn đề nan giải. Miền Trung là vùng đất thường xuyên gánh chịu thiên tai, nhất là tình trạng bão lũ rất khó lường. Để bảo toàn những cánh rừng gỗ lớn có chu kỳ dài đến 10 năm, các chủ rừng rất muốn mua bảo hiểm cho rừng của mình. Thế nhưng mua bảo hiểm gì các công ty bán bảo hiểm cũng gật đầu, chứ mua bảo hiểm rừng trồng thì các chủ rừng đều bị từ chối.