| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn, làm ăn lớn

Thứ Tư 11/12/2019 , 08:36 (GMT+7)

Phát triển rừng keo gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hấp thụ các bon là hướng đi mới của ngành lâm nghiệp.

Triển vọng tích cực từ mô hình gỗ lớn

Năm 2014, Bộ NN-PTNT giao cho Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn (keo lai, keo tai tượng) và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn”. Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang thực hiện dự án này.

16-06-26_img_4344
Rừng gỗ lớn tại Bắc Giang.

Theo kết quả thực hiện dự án, từ 2014 - 2019 tại Bắc Giang, đã trồng được 120ha rừng thâm canh gỗ lớn keo tai tượng, với 65 hộ gia đình tham gia; chuyển hóa 175ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn với 85 hộ gia đình tham gia tại các xã An Lạc, Hữu Sản, Dương Hưu, Long Sơn (huyện Sơn Động); Phong Minh, Xa Lý, Tân Sơn, Cấm Sơn, Sơn Hải, Kiên Lao (huyện Lục Ngạn); các xã Đông Hưng, Vô Tranh (huyện Lục Nam) và các xã Đồng Vương, Xuân Lương (huyện Yên Thế).

Thời điểm triển khai, rất nhiều người dân còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng gỗ lớn, bởi theo tập quán canh tác của các chủ rừng đối với rừng keo lai và keo tai tượng chỉ sau 5 - 7 năm là phải khai thác để đầu tư chu kỳ tiếp theo. Thông qua các lớp tập huấn mô hình và tổ chức hội thảo tham quan, nhờ tích cực tuyên truyền vận động, người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn, nên đã đồng thuận tham gia.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thi Thanh Mai ở bản Xoan, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. Bà Mai cho chúng tôi biết:,gia đình được giao khoán 5ha đất lâm nghiệp, trồng keo tai tượng, sau 6 năm trồng gia đình bán cây đứng được 300 triệu đồng, bình quân được 10 triệu đồng/ha/năm (chưa trừ chi phí công trồng chăm sóc và bảo vệ), gia đình thấy hiệu quả kinh tế rất thấp.

Sau khi nghe tư vấn của Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang về nội dung dự án cũng như chính sách hưởng lợi và hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh gỗ lớn so với chu kỳ kinh doanh dài hơn, gấp đôi chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ, nhưng hiệu quả cao hơn gấp đôi, do trồng rừng gỗ lớn để chu kỳ dài hơn nhưng lượng tăng trưởng bình quân/năm không giảm so với khai thác sớm nhưng giá bán gỗ cao hơn 2 lần, do vậy gia đình mạnh tham gia dự án.

Đi thăm khu rừng keo tai tượng trồng tháng 6/2015, chúng tôi thấy mật độ trồng rừng rất thưa so với mật độ trồng rừng gỗ nhỏ, mật độ khoảng 1.000 cây/ha, gia đình đã tỉa thưa những cây sinh trưởng kém, cong queo, cụt ngọn, để lại những cây sinh trưởng rất tốt, thân thẳng tấp.

Chúng tôi đo thử nhiều cây đã đạt đường kính trên 20 cm, chiều cao vút ngọn đạt trên 15m. Bà Mai cho biết them, bà đã chặt tỉa thưa được 10 xe củi, bán được 20 triệu đồng và 2 xe gỗ nhỏ bán được 10 triệu đồng, đủ chi phí tỉa thưa nuôi dưỡng rừng, còn dư được 15 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam cho biết, gia đình bà nhận giao khoán với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam hơn 100ha và được giao hơn 60ha đất lâm nghiệp. Năm 2015, gia đình thực hiện chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn 35ha rừng trồng năm 2009 và trồng mới 16,4ha rừng trồng gỗ lớn.

Đến nay, khu rừng chuyển hóa nhiều cây đã đạt đường kính trên 25cm, chiều cao vút ngọn khoảng 17m, trữ lượng sẽ ước đạt trên 200 m3/ha. Nếu bán theo giá gỗ lớn trên 2 triệu đồng/m3, thu được 300 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư và nộp sản phẩm cho công ty lâm nghiệp, gia đình sẽ thu được 200 triệu đồng/ha.

Rừng trồng năm 2015, đạt đường kính bình 14cm, chiều cao bình quân khoảng 13m. So với những khu rừng của gia đình trồng trước đây đường kính và chiều cao đều vượt trội, nguyên nhân do trồng giống tốt (keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii) và khi trồng thực hiện tốt các khâu cuốc hố, lấp hố, bón lót đầy đủ và thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
 

Ông Triệu Văn Lực - Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho biết: Theo kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020, cả nước dự kiến chuyển hóa 110.000ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh gỗ lớn; trồng mới 100.000ha và trồng lại 165.000ha với mục đích kinh doanh gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.

Tiềm năng phát triển

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh có 153.739ha đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm 39,5% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó rừng sản xuất 119.332ha (chiếm 77,6%), còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 thì đến năm 2020, sẽ thực hiện 29.000ha rừng trồng trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 4.200ha, phấn đấu đến năm 2020 diện tích kinh doanh rừng gỗ lớn đạt 7.200ha, chiếm 10% diện tích rừng trồng sản xuất toàn tỉnh.

Nâng cao năng suất rừng trồng bình quân đạt 20 m3/ha/năm. Cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo hướng tăng cường sản phẩm gỗ nội thất, ván nhân tạo, phục vụ sản xuất đỗ gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, từng bước hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, tăng cường xây dựng các cở sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đưa ra các giải pháp tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; đa dạng hóa cây trồng (lim, lát hoa, giổi xanh, vối thuốc, thông mã vĩ...) và các loại cây gỗ lớn sinh trưởng nhanh (keo lai, keo tai tượng, bạch đàn lai).

Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây lâm nghiệp theo phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng được 1 nhà máy chế biến gỗ sản xuất ván MDF chất lượng cao, sử dụng công nghệ của châu Âu với quy mô công suất dự kiến 150.000m3 gỗ sản phẩm/năm.

Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quốc danh từ công ty TNHH một thành viên sang công ty TNHH hai thành viên; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hấp thụ các bon, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Năm 2019, Việt Nam đã ký đàm phán hiệp định VPA/FLEGT và hiệp định thương mại EVFTA với Liên minh Châu Âu (EU). Gỗ, đồ mộc và đồ gia dụng của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính này là điều kiện để nâng giá gỗ lên cao trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng, bắt buộc người dân phải trồng rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ FSC, khi đó giá bán gỗ sẽ cao hơn từ 18 - 20% so với giá thị trường.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.