Hương vị tết xưa luôn đánh thức những thương nhớ dĩ vãng. Hương vị tết xưa khiến tôi nhớ làng, nhớ quê. Người già thường sống bằng hồi tưởng, đành vậy, tôi cứ thấy quanh đây hương vị tết xưa mà mình từng nếm trải cách đây hơn nửa thế kỷ, chính xác là hơn sáu thập niên.
Hồi tôi còn nhỏ, nông thôn nghèo lắm, đồng tiền luôn khan hiếm, muốn có thứ nọ thứ kia chỉ có ky cóp để dành chứ lấy đâu ra mà mua sắm một lúc.
Để lo cho tết, từ mùa hè mẹ tôi đã phải tích trữ hạt đậu, hạt lạc, hạt kê để tết làm bánh ngọt, nấu chè. Từ tháng 10 âm lịch đã lo chọn loại nếp thật thơm thật dẻo để dành gói bánh chưng, mà phải là giống nếp rồng cấy ở đồng sâu cơ mới đạt yêu cầu. Giống nếp này thì thơm ngon thật đấy nhưng sinh trưởng dài ngày lại kén ruộng nên cũng hiếm.
Cấy giống nếp này phải là ruộng tốt và dồi dào nước mới được. Vì thế không phải ai cũng có. Nhưng nhà tôi thì có 3 sào luôn, ở vùng đồng sâu Đá Trồng tận trong thung núi. Cả 3 sào ấy năm nào cũng cấy nếp rồng và năm nào gặt về cũng không đủ để đổi cho bà con hàng xóm. Ai cũng dặn trước từ đầu năm, mà có nhiều nhặn chi, mỗi người chỉ mấy lượm thôi đó.
Giống nếp rồng thơm ngon nhưng làm ra được hạt gạo cực lắm vì cuống hạt rất dai, đạp mãi không ra hết hạt khỏi bông lúa. Bởi thế đạp chán đạp chê, cuối cùng vẫn phải dùng vẹm trai chuốt tiếp những bông lúa dai còn thóc để lấy nốt những hạt thóc “ngoan cố” không chịu rời. Cực là vậy mà chẳng ai ngán, vẫn thích trồng nếp rồng vì nếp rồng cho bánh ngon, vừa dẻo vừa thơm. Ngoài nếp để gói bánh chưng, bánh tét, mẹ tôi còn chuẩn bị lúa nếp để làm các thứ bánh khác. Nếp để xay bột lọc làm bánh rán, bánh nhạn; nếp rang để làm cốm, làm bánh chè lam.
Lúa nếp để làm cốm, bánh chè lam phải gặt sớm khi chưa chín hẳn, lúc bông còn hơi xanh xanh. Xong, về đạp lấy hạt, sau đó rang lên, để cho nguội rồi cất vào chum vào ché khi nào cần lấy ra dùng. Song song với việc tích cóp các thứ lương thực, các bà mẹ còn phải tích cóp tiền bạc, để đến tết có ít tiền lo thực phẩm, may quần áo mới cho trẻ con. Già bát canh, trẻ manh áo mới, từ ngàn xưa đã vậy mà.
Lũ trẻ con chúng tôi cũng bằng mọi cách tích trữ tiền cho tết. Bọn con gái thì tranh thủ đi mót lúa mỗi lúc vào mùa, ngày ngày tranh thủ bắt cua, nhủi cá bán khi có điều kiện. Cơm ăn áo mặc bình thường thì cha mẹ lo rồi, tiền kiếm được bằng bán lúa đi mót về, tiền bán cua bán cá dành để sắm quần áo đẹp, đồ trang điểm cần thiết.
Bọn con trai chúng tôi thì tích trữ tiền cho tết bằng cách bỏ ống và chăn nuôi. Mỗi đứa còn có cái lóng nứa to đựng tiền tích cóp trong năm. Trên cái lóng nứa đó cưa ra một cái rãnh đủ lớn để có thể nhét tiền cắc, bạc giấy vào. Mỗi khi ai cho hay kiếm được tiền thì bỏ vào đó, cuối năm chẻ ống nứa ra lấy tiền tiêu tết.
Năm nào cũng thế, đầu tháng chạp âm lịch là mẹ tôi, bác gái tôi rủ nhau đi chợ Thượng. Đi chợ Thượng để mua nước mắm ngon, ruốc ngon, tôm khô, miến, hành khô, tỏi về làm gia vị cho tết. Chợ Thượng ở Đức Thọ, cách quê tôi hơn 10 cây số nên phải đi từ canh 3 và xế chiều mới về đến nhà. Mẹ tôi lặc lè một gánh nặng 2 thúng lủ phủ các thứ.
Mẹ đặt gánh xuống là tôi chạy lại lục lọi bốc nắm tôm khô để dành nướng ăn, chậm trễ là mẹ cất mất. Có được mấy con tôm rồi nhưng vẫn xa xẩn quanh đó chờ mẹ cho quà. Nhận quà xong là chạy ù ra ngõ đi chơi, khoe với lũ bạn.
Ra rằm tháng chạp là mẹ với các chị bắt đầu làm bánh ngọt. Nhiều thứ lắm. Bánh nhãn, bánh thuận, bánh đậu xanh, bánh in, bánh chè lam… Trong thời gian nhà làm bánh ngọt, tôi thường xa xẩn quanh chỗ làm bánh lấy cớ là để mẹ và các chị sai gì thì giúp, nhưng thực chất là theo dõi nhòm ngó để xin những cái bánh hỏng bị loại ra hay các thứ đầu thừa đuôi thẹo trong quá trình mẹ làm bánh.
Thường thì trước 25 tháng chạp là mẹ đã xong hết, thứ nào thứ ấy cho vào thẩu vào vịm, rồi cất vào cũi. Vào dịp tết, ngăn trên cùng của cái cũi nhà tôi đầy ắp các loại bánh ngọt.
Sau 25 tháng chạp, cả làng tấp nập lo “cỏ tết” cho trâu bò. Từ gà gáy canh ba làng trên xóm dưới đã vang vang tiếng gõ đòn xóc, tiếng hú, tiếng í ới gọi nhau đi cắt cỏ. Bởi mấy ngày tết, từ việc đồng áng cho tới chăn trâu chăn bò đều nghỉ cả để ai ai cũng được đón tết, vui xuân. Những ngày tết trâu bò đều để trong chuồng nên phải chuẩn bị cỏ cho chúng ăn. Nếu không đi chăn được, một con trâu mỗi ngày phải có một gánh cỏ. Vì vậy mỗi gia đình ít nhất cũng phải có 4 gánh cỏ cho trâu bò ăn trong dịp tết.
Làng tôi ở xa núi nên có được gánh cỏ cũng hết hơi. Thường phải đi cắt ở vùng đồi núi nơi chân dãy Trường Sơn cách làng 10 cây số. Vì vậy muốn có một gánh cỏ cho trâu phải ra đi từ 3 giờ sáng và đến 12 giờ trưa mới về. Lo xong 4 gánh cỏ tết là thở phào nhẹ nhỏm. Hồi đó tôi còn nhỏ nên chuyện đó các chị tôi đảm đương.
Làm xong bánh ngọt mẹ tôi chuyển sang lo nếp, đỗ, thúc dục ba chuẩn bị lá chuối lá dong, lạt để gói bánh chưng, bánh tét, thúc giục chúng tôi quét dọn lau chùi bàn thờ, đánh bóng đồ thờ và các đồ đồng khác như mâm thau, chậu thau, thẩu đựng trầu…
Như đã thành lệ, sáng ngày 28 tháng chạp là mổ trâu mổ bò và trưa hôm đó là có thịt. Mẹ tôi lại loay hoay xắt thịt, nấu nướng món nọ món kia. Ngày tết nhà tôi thường đụng cả thịt bò, thịt trâu vì ba tôi tạng nhiệt nên chỉ ăn thịt trâu, mẹ tôi tạng hàn nên ăn thịt bò tốt hơn, con cái chúng tôi thì thứ nào cũng được. Trong các món thịt ngày tết tôi thích nhất là món thịt trâu, thịt bò rim. Thịt trâu, thịt bò rim thường nấu cả cục to như nắm tay, rim với nước mắm ngon cho thêm tý mật mía. Gia vị có gừng lát, bỏ vào thêm ít lá chè xanh cho săn thịt. Khi ăn thì thái ngang thớ thành từng lát mỏng. Ăn đậm đà, hơi dai dai thích lắm. Thịt bò rim rất nhiều người thích. Đến giờ tôi vẫn thích nhưng từ ngày vào TP.HCM chẳng biết tìm đâu ra, vợ tôi lại là người Nam bộ nên đành nhịn thèm vậy.
Tuy nhiên, hàng năm tôi vẫn có dịp thưởng thức. Tôi có đứa cháu con một ông anh của bác ruột, có vợ cũng là người Hương Sơn – Hà Tĩnh, rất giỏi nấu các món ăn quê, nên vào tết thế nào cũng có món thịt bò rim. Vì vậy, tuy ở cách nhau khá xa nhưng tết nào tôi cũng ghé, vừa thăm gia đình cháu vừa được ăn món thịt bò rim tôi ưa thích.
Ngày 29 là ngày mổ lợn. Chuyện mổ lợn nhà chẳng quan tâm mấy, đã đụng rồi thì khi nào có người gọi sẽ đến lấy. Vì vậy từ sáng sớm cả nhà tập trung chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Đỗ, nếp, lạt buộc đã chuẩn bị từ tối qua rồi, công việc chính còn lại là lau sạch lá gói bánh và làm nhân đỗ, chờ có thịt lợn về là bắt đầu gói.
Gia đình tôi có 6 người nhưng năm nào cũng gói 3 cặp bánh chưng và khoảng 10 cặp bánh tét gọn gọn(mỗi cái tét ra được 2 dĩa). 3 cặp bánh chưng để thờ cúng: một cặp cho bàn thờ gia đình, một cặp đặt ở nhà thờ chi tộc cúng ông nội tôi, một cặp đưa về đằng ngoại cúng ông ngoại. Bánh tét thì để dùng hàng ngày và tiếp khách. Khi gói bánh tết nhà nào cũng gói một vài cái bánh tét nho nhỏ gọi là “bánh con” để cho trẻ nít. Có bánh con lũ trẻ khoái lắm vì được ăn trước không phụ thuộc gì chuyện cúng bái.
Khỏang 10 giờ thịt lợn về, mẹ tôi lấy một ít thịt ba chỉ (miền Nam gọi là ba rọi) thái ra làm nhân đưa ba tôi để gói bánh, rồi trở vào cùng các chị tôi pha, thái thịt, giã thịt nạc làm mọc, làm giò lụa và nấu nướng cho tới khuya. Mẹ bận bịu không phút ngơi tay cho đến chiều mồng một tết.
Nồi bánh chưng sẽ được ba tôi và tôi phụ trách. Trước tiên là gói và buộc, tiếp đến là nấu. Ba tôi gói, tôi buộc. Gói bánh, buộc bánh cũng phải có nghệ thuật thì bánh mới đẹp và ngon. Người gói phải làm sao cho bánh có độ lỏng vừa phải thì mới chín đều và không sống, không nhão. Người buộc cũng vậy, phải giữ cho vừa độ, không lỏng nhưng cũng không được chặt quá.
Khoảng đầu chiều thì gói xong, bánh được chất vào nồi bắc lên nấu. Bếp nấu bánh chưng được đặt chính giữa nhà bếp, nhóm lửa xong ba giao cho tôi canh chừng. Nhiệm vụ của tôi là khi nào lửa tắt thì gọi ba để ba vào chất thêm củi, lâu lâu nhắc ba vào đổ thêm nước vào nồi bánh.
Phải canh chừng nồi bánh không đi chơi được tôi khó chịu lắm nên cứ đến chiều muộn, sau khi ba vớt 2 cái bánh con ra, tôi lẳng lặng lấy một cái và tếch…. Có cái “bánh con” là tôi chạy ù đi khoe lũ bạn. Ba tôi tiếp tục trông nồi bánh cho tới khuya bánh chín thì vớt ra. Bánh vớt ra được xếp đầy trên chiếc phản gỗ, xong lấy mấy tấm ván đặt lên trên những chiếc bánh, rồi dùng các vật nặng đè lên trên để ép cho bánh ra hết nước. Có như vậy bánh mới ngon và để được lâu.