| Hotline: 0983.970.780

BẮC GIANG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP, THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

I: Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ

Thứ Tư 14/10/2020 , 08:07 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển đổi cực kỳ mạnh mẽ, giúp nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng "men theo" biến đổi khí hậu

Bắc Giang là địa phương giàu tiềm năng để phát triển một ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững, nhờ địa hình đa dạng, diện tích canh tác lớn, khí hậu ít cực đoan, ít bão lụt nên không gây thiệt hại nghiêm trọng mùa màng, người và tài sản trên đất.

Bưởi Diễn trồng ở huyện Lục Nam cho trái sai, quả ngọt, giúp tận dụng được lợi thế đất gò đồi.

Bưởi Diễn trồng ở huyện Lục Nam cho trái sai, quả ngọt, giúp tận dụng được lợi thế đất gò đồi.

Tuy nhiên một số năm gần đây, sự biến đổi khí hậu đã diễn ra rất rõ rệt, biểu hiện vào mùa đông có mưa đá, mùa hè nắng nóng khác thường, dịch bệnh xảy ra trên người, cây trồng và vật nuôi thường xuyên hơn… Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời cấu trúc lại ngành nông nghiệp, và nhờ đó đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Kết quả sau 4 năm (2017- 2020) cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt tỉnh Bắc Giang đã chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích cây trồng hàng năm (chủ yếu là giảm diện tích lúa), tăng diện tích rau màu và cây ăn trái, sớm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, năm 2017 toàn tỉnh còn gieo trồng gần 107.000ha lúa, 23.800ha rau, 47.500ha cây ăn quả, đến hết năm 2020 diện tích lúa giảm còn 102.000ha (giảm gần 5.000ha), diện tích rau các loại đạt 25.200ha (tăng 1.500ha), cây ăn trái khoảng 50.800ha (tăng trên 2.500ha). Cơ cấu mùa vụ chuyển dịch dần theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu như, giảm diện tích sản xuất lúa mùa, tăng diện tích lúa đông xuân và xuân muộn.

Bước đầu đã hình thành được một số vùng canh tác lớn, gắn với thị trường tiêu thụ, gồm vùng sản xuất lúa chất lượng cao và trồng rau chế biến, rau VietGAP tập trung tại các huyện có diện tích đất đồng bằng lớn, có khả năng tưới tiêu khoa học như Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên (tổng diện tích gieo trồng hơn 35.500ha).

Phát triển vùng sản xuất lạc tại các địa phương đất bạc màu, khó khăn về tưới nước của các huyện Tân Yên và Hiệp Hòa (qui mô sản xuất khoảng 1.800ha).

Vùng cây ăn quả, gieo trồng tập trung tại các huyện có nhiều đất đồi dốc, tầng đất canh tác dày, có điều kiện thời tiết vụ đông khô lạnh hơn như Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, diện tích vải và cây có múi (cam, bưởi) ở các huyện này khoảng 27.350ha.

Ngoài ra, Bắc Giang còn có vùng sản xuất chè (500ha) ở huyện Yên Thế, vùng chuyên canh na (2.400ha) ở các xã Huyền Sơn và Đông Phù (Lục Ngạn). Về cơ cấu cây ăn trái, gồm vải, bưởi, cam, na là các cây trồng chủ lực, trong đó cây vải chiếm 55,4%, bưởi 10,5%, cam 10%, na 4% tổng diện tích cây ăn quả các loại.

Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

  Xác định khoa học- công nghệ là một trong những giải pháp chính để tạo ra đột phá năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, tỉnh Bắc Giang đã dành hàng chục tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ nghiên cứu, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

   Nhờ vậy các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thành công 246 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị gia tăng gấp 2-3 lần so với cách làm cũ.

Trồng dưa chuột VietGAP trong nhà lưới, giúp sản xuất rau màu tránh được các yếu tố bất thuận của thời tiết.

Trồng dưa chuột VietGAP trong nhà lưới, giúp sản xuất rau màu tránh được các yếu tố bất thuận của thời tiết.

   Về giống đã tiến hành khảo nghiệm, bổ sung vào cơ cấu mùa vụ được nhiều giống cây trồng năng suất, chất lượng cao như, lúa lai LC25, Việt lai 50, lúa thuần ĐS1, QR1, RVT, BG6, P6ĐB, BC15, Thiên ưu 8…; lạc L14, L23, L26, CNC1, LĐ Đài Loan; khoai tây Atlantics, Actrice, Nicola, rau măng tây xanh, dưa chuột bao tử; các giống cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đỏ Hòa Bình; cam đường Canh, cam V2,  ổi OĐL1; nhãn PHM99-1.1; bơ MC7, Choquete; các giống hoa đào GL2-1, GL2-2, GL2-3; chè LDP1, PH1, PH8, Kim Tuyên.

   Đặc biệt là đã sản xuất thành công các giống nấm ăn, nấm dược liệu cấp 1, cấp 2; Nghiên cứu, xây quy trình điều chế cao lỏng, cao khô dược liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng RegluBG từ cây địa hoàng trồng ở địa phương. Đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm nam núi Dành, cây trà hoa vàng...

      Về kỹ thuật canh tác, đã cơ giới hoá đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch và áp dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác SRI "3 giảm 3 tăng" trong thâm canh lúa; Áp dụng kỹ thuật che phủ nilon trong thâm canh lạc; Sử dụng công nghệ nhà màng, nhà khí canh để sản xuất khoai tây giống; Xây dựng được nhiều nhà kính, nhà lưới cho trồng rau, quả VietGAP.

    Đồng thời triển khai tưới nước tiết kiệm (công nghệ Israel) trong thâm canh chè, cây ăn quả và một số cây rau màu khác; Xây dựng thành công kho bảo quản rau, củ, quả bằng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong.

    Bắc Giang cũng đầu tư nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì và nâng cao độ phì đất; Sử dụng phân bón, chế phẩm nano thảo mộc (từ củ nghệ) để phòng bệnh thán thư cho cây vải; Chuyển đổi gần 7.600ha lúa và cây ăn quả giá trị canh tác thấp sang nuôi thủy sản hoặc trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn...

      Liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm

     Đến nay trên địa bàn Bắc Giang đã hình thành được 43 chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.

Vải thiều VietGAP, một sản phẩm nổi tiếng của Bắc Giang mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục ngàn tấn.

Vải thiều VietGAP, một sản phẩm nổi tiếng của Bắc Giang mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục ngàn tấn.

     Về chuỗi liên kết tiêu thụ vải, tại các địa phương có diện tích vải thiều lớn đều đã xây dựng được mối liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu quả tươi, như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty TNHH Ánh Dương Sao, Công ty Thanh Bình Jeune, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.

   Hiện tại Bắc Giang đã cấp 18 mã vùng (tổng diện tích 298ha) trồng vải thiều xuất sang Mỹ; 19 mã vùng (diện tích 104ha) trồng vải thiều xuất sang Nhật Bản, trong đó có 81ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Qua đó giúp sản lượng vải thiều của tỉnh sản xuất ra hàng năm tiêu thụ kịp thời, người trồng vải luôn có lãi cao gấp 2-5 lần so với canh tác ngô và một số cây màu khác.

     Chuỗi trồng rau an toàn của HTX Đa Mai và Hội Sản xuất rau cần xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa), mỗi năm đưa vào hệ thống siêu thị Big C (Hà Nội), các bếp ăn tập thể trên địa bàn hơn 1.500 tấn rau VietGAP các loại, ngoài ra còn xuất sang Hàn Quốc được một lượng đáng kể.

      Phát triển chuỗi sản xuất nấm Lạng Giang, gồm 276 hộ sản xuất nấm ăn cung ứng cho mạng lưới siêu thị CoopMart, Big C và xuất sang thị trường các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, sản lượng đạt 49.000 tấn/năm, chủ yếu là nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm...

     Nhờ những giải pháp căn bản nêu trên, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã vượt qua nhiều khó khăn (biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên người và gia súc...), đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2017-2020 là 2,5% năm. Góp phần nâng thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 34,1 triệu đồng/người/năm 2017 lên 42 triệu đồng/người/năm 2020.    

"Để sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường cơ giới hóa quá trình thâm canh cây trồng”, ông Lê Bá Thành- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất