Tuyến kênh thủy lợi Rào Đá (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), có chiều dài 12,5km do Chi nhánh thủy nông Quảng Ninh (thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình), quản lý khai thác.
Theo ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng Chi nhánh thủy nông Quảng Ninh, thì công trình này phục vụ tưới tiêu cho 5.300ha lúa/năm tại 8 xã thuộc huyện Quảng Ninh. Tuyến kênh đi qua địa phận các xã An Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh… trong đó, có hơn 7km đi qua địa bàn khu dân cư. “Vì đi qua địa bàn dân cư nên tình trạng người dân xả rác thải, gia súc, gia cầm chết… xuống lòng kênh đã diễn ra rất nhiều năm nay. Công nhân chúng tôi ngoài việc vận hành công trình còn có thêm nhiệm vụ trực canh vứt rác thải để đảm bảo dòng chảy công trình”- ông Phùng cho hay.
Chúng tôi đã có mặt tại đoạn thượng lưu đường ống dẫn nước bằng xi phong qua sông Kiến Giang (thuộc địa phận xã Hiền Ninh). Tại đây, trong lòng kênh, lượng rác thải theo dòng nước chảy trôi về khá nhiều. Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, chi nhánh đã cử công nhân túc trực 24/24 giờ để điều tiết nước và vớt rác thải dưới lòng kênh để tránh gây tắc nghẽn dòng chảy.
Phiên trực hôm nay của anh Trần Đức Huy (Chi nhánh thủy nông Quảng Ninh), cho hay, mỗi ngày lượng rác thải từ đầu nguồn dồn về đây rất nhiều, bình thường cứ 30 phút chúng tôi vớt rác một lần, nhưng lúc cao điểm thì 5 phút vớt một lần. Có những hôm lượng rác đổ về quá nhiều, 2 người vớt không kịp, chi nhánh phải điều thêm công nhân từ các trạm khác về hỗ trợ.
“Chúng tôi xem việc vớt rác là nhiệm vụ chính. Bởi nếu không vớt rác kịp thời sẽ dẫn đến ùn ứ, tắc nghẽn dòng chảy. Biết là ô nhiễm, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên để bảo đảm lịch cấp nước, chúng tôi vẫn phải lội xuống kênh mương vớt rác, khơi thông dòng chảy”- anh Huy bộc bạch thêm.
Không chỉ túi nilon, thùng xốp đã qua sử dụng mà cả xác động vật, cành cây, lon nước, vật dụng trong gia đình… cũng được vứt xuống lòng kênh, khiến nó trở thành “túi” chứa rác khổng lồ.
Hai bên tuyến kênh,những bãi rác lớn bốc mùi xú uế. Đây là lượng rác thải được anh em công nhân vớt lên từ những tháng trước mà chưa được vận chuyển đi. Theo anh em công nhân, lượng rác thải đổ xuống tuyến kênh này nhiều nhất là vào các dịp lễ, tết. Vì khi đó, bà con dọn dẹp nhà cửa và phần lớn rác thải đều cho xuống dòng kênh.
Những dịp như vậy, chi nhánh phải bố trí anh em công nhân tăng ca, tăng lực lượng vớt rác cả ngày lẫn đêm. “Anh em công nhân phải trực xuyên đêm vớt rác vì bà con cũng né ban ngày mà đợi đếm đêm mới đổ rác xuống kênh để tránh bị phát hiện”- anh Huy nói trong nỗi buồn.
Để xử lý lượng rác thải được vớt lên từ tuyến kênh thủy lợi Rào Đá, chi nhánh đã hợp đồng với Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh thu gom, vận chuyển đi xử lý. Trung bình mỗi năm, đơn vị chuyên chở hơn 20 xe rác với khoảng hơn 100 tấn rác được vận chuyển đi xử lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng Chi nhánh thủy nông Quảng Ninh, việc lắp đặt lưới chắn rác, bố trí nhân công, máy móc, trang thiết bị để trục vớt và xử lý rác thải trên tuyến kênh thủy lợi cũng chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tình thế. “Để hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi xuống kênh thủy lợi, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vứt rác xuống lòng kênh mương thủy lợi”- ông Phùng nói thêm.