Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, khoảng 9 giờ 45 phút ngày 27/12, trong quá trình vận hành kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn đi qua đoạn giáp ranh 2 xã Phùng Minh và Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để phục vụ sản xuất, hơn 100 m tại vị trí K5+200m đã bị vỡ.
Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng công trình bị xói trôi khoảng 20.000 - 25.000m3 đất; 28 tấm bê tông mái và 14 tấm bê tông đáy; 400m3 đá xây gia cố mái khoảng.
Sự việc cũng khiến 3,5 ha đất hai lúa; gần 0,5 ha ao bị đất, đá vùi lấp, 130 con gia cầm bị cuốn trôi.
Ngay sau khi hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã bị vỡ, UBND 2 xã Phùng Minh và Phùng Giáo đã báo cáo UBND huyện Ngọc Lặc.
UBND huyện Ngọc Lặc đã lập rào chắn, cảnh báo mất an toàn cho người và phương tiện giao thông, báo cáo về Sở NN-PTNT, Bộ NN-PTNT để có chỉ đạo kịp thời.
Ngay trong ngày 27/12, đoàn công tác của Sở NN-PTNT đã phối hợp với địa phương bị ảnh hưởng kiểm tra chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, thống kê thiệt hại, thăm hỏi, động viên hộ dân bị ảnh hưởng để sớm ổn định đời sống.
Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 - đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền để xác định nguyên nhân.
Tiếp đó, ngày 28/12, Bộ NN-PTNT cử đoàn công tác phối hợp Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 và chính quyền địa phương vào đánh giá sự cố, tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT.
Sáng 29/12, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, chính quyền địa phương đã đi thị sát hiện trường.
Tại cuộc hợp với chính quyền địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, công tác khắc phục sự cố còn rất chậm.
Ban 3 chậm thông báo sự cố xảy ra, việc khắc phụ sự cố còn rất chậm. Nếu chậm thi công khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ xuân. Bằng mọi cách nhanh nhất phải có nước phục vụ bà con sản xuất kịp thời vụ và nhanh chóng khôi phục lại đoạn kênh này.
Phải huy động toàn bộ lực lượng làm 3 ca/ngày trong 3 ngày phải xong. Làm tạm thời lấy nước nhưng phải đảm bảo an toàn.
Đối với ruộng bị vùi lấp phải nhanh chóng hỗ trợ đền bù cho bà con để phục vụ với cấy lúa của người dân. Về lâu dài, Tổng cục Thuỷ lợi cùng với công ty tính toán khảo sát làm lại như cũ đảm bảo an toàn lâu dài.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị địa phương và các đơn vị có liên quan rà soát đánh giá lại toàn bộ bộ tuyến kênh này.
Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt - hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc hạng mục cầu máng sông Âm trên kênh chính, đoạn từ K5+305,84 - K6+ 269,8 do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 làm chủ đầu tư.
Công trình khởi công tháng 9/2014, hoàn thành tháng 12/2016. Dự án Hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc gói thầu số 19 - kênh chính (K4+100,41 đến K5+305,34), địa điểm xây dựng thuộc xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam - CTCP.
Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Phương và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Phúc Thành. Đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3.
Trước đây hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã do Công ty THHH MTV Sông Chu quản lý vận hành. Từ tháng 2/2019, hệ thống này được chuyển giao cho Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 vận hành, quản lý. Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã phục vụ nước sản xuất cho 30.000 ha đất nông nghiệp tại các huyện Thường Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc….